Sách tham khảo "bẩn": Ai phải chịu trách nhiệm?
Bên cạnh những cuốn sách tham khảo có giá trị, hiện nay trên thị trường còn tồn tại không ít cuốn sách có nội dung sai lệch và phản cảm. Trong khi công tác quản lý của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo thì phụ huynh buộc phải trở thành “người tiêu dùng thông thái”.
Lỗi chồng lỗi
Chưa bao giờ tình trạng sai lệch nội dung trong sách tham khảo lại khiến cho phụ huynh và xã hội hoang mang đến vậy. Bên cạnh những cuốn sách được kiểm duyệt gắt gao, có trách nhiệm, thị trường sách tham khảo hiện nay vẫn tồn tại những cuốn sách sai sót về thông tin, đi ngược lại thuần phong mỹ tục; thậm chí còn mắc những lỗi sai nghiêm trọng về chính trị, chủ quyền dân tộc của nhiều nhà xuất bản (NXB).
Thời gian vừa qua, dư luận rất bức xúc khi cuốn sách “Phép cộng trừ trong phạm vi 100 đo thời gian cho học sinh lớp 1” với tên tác giả Hoàng Long đã giả mạo giấy phép của NXB Trẻ để lưu hành bất hợp pháp trên thị trường. Điều đáng nói, không chỉ “in chui”, cuốn sách này còn chứa nội dung rất kinh dị với bài toán “Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao nên bị cụt mất đi 2 ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay”.
Không chỉ vậy, “đề toán tảo hôn” với những dữ kiện, kết quả thiếu hợp lí cũng khiến nhiều phụ huynh hoang mang khi lựa chọn sách cho con. Đề bài có nội dung: “Hiện nay, Nam 4 tuổi, tuổi của bố gấp bốn lần tuổi Nam. Tuổi của mẹ gấp ba lần tuổi Nam. Hỏi: Bố Nam bao nhiêu tuổi? Mẹ Nam bao nhiêu tuổi?”.
Những đề toán "rợn người" đang tràn ngập trên cách sách tham khảo cho học sinh.
Ngay sau đó, cuốn sách “Đồng dao dành cho trẻ mầm non” do NXB Mỹ thuật liên kết với Công ty Đinh Tỵ ấn hành cũng đang gây xôn xao dư luận vì nội dung phản cảm. Trang 17 có bài đồng dao “Ông Nhăng lấy bà Nhăng” với nội dung: “Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng/ Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi/ Ông Nhăng bảo để mà nuôi/ Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro...”.
Không chỉ có những cuốn sách với nội dung không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi của trẻ mà hiện một số sách tham khảo còn vi phạm nghiêm trọng tới chủ quyền biển đảo của dân tộc. Vừa qua, cuốn sách "Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ" do NXB Dân trí phát hành đã in hình cờ Trung Quốc lên sách.
Gần đây, sách tham khảo “Bài tập ôn luyện, tự kiểm tra cuối tuần” của tác giả Hoàng Mai Lê - Nguyễn Đình Khuê lại một lần nữa làm học sinh lớp 1 và phụ huynh “bó tay”. Cụ thể, sách đã đưa ra câu hỏi 3 trừ (ô trống) bằng 4 và 7 cộng (ô trống) bằng 5 dành cho học sinh lớp 1. Trong khi đó, học sinh lớp 1 mới chỉ làm quen với phép tính dương thì việc giải hai bài toán trên là không thể.
Trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” vào ngày 24/11/2013, một phụ huynh gửi tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận, cho biết mình vô cùng lo sợ, bức xúc khi đứng trước những đề toán phi giáo dục, phi nhân tính này và đặt câu hỏi: “Bộ trưởng sẽ làm thế nào để tôi yên tâm?”.
Quản lý lỏng lẻo, phụ huynh buộc phải “thông minh”
Trước băn khoăn, lo lắng của phụ huynh về thực trạng buông lỏng quản lý chất lượng sách tham khảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: “Bộ GD-ĐT đã chủ động triển khai biên soạn, ban hành văn bản quy phạm kỹ thuật, dựng lên hàng rào kỹ thuật nhằm chặn đứng tài liệu, sách phản giáo dục không khoa học, không phù hợp với thực tiễn lứa tuổi. Những quy phạm này sẽ giúp nhà trường có cơ chế lựa chọn sách, tài liệu phù hợp. Bộ còn phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành văn bản xác định trách nhiệm của NXB trong việc phát hành những tài liệu liên quan đến giáo dục ngoài thị trường - khu vực mà Bộ GD-ĐT không có thẩm quyền quản lý trực tiếp”.
Trong khi đó, trên thực tế, Luật Xuất bản hiện hành không hề có quy định đâu là sách tham khảo, đâu là sách giáo khoa, đâu là sách phục vụ học tập cũng như sách phục vụ đời sống văn hóa cộng đồng. Luật Xuất bản chỉ quy định đó là xuất bản phẩm, có những nội dung phục vụ các đối tượng cụ thể.
Sách giáo khoa tất nhiên phải tuân thủ theo chương trình giáo dục đã được Quốc hội phê chuẩn, nhưng sách tham khảo thì có rất nhiều loại. Trên thực tế, chúng ta chưa có một chuẩn nào quy định rõ đâu là sách tham khảo và việc xuất bản thực hiện theo các quy trình riêng.
Phụ huynh cần tỉnh táo để lựa chọn sách tham khảo phù hợp với năng lực học sinh.
Trước tình trạng bát nháo của sách tham khảo, tại Hội nghị tổng kết của ngành xuất bản, ông Chu Văn Hòa (Cục trưởng Cục Xuất bản) đã thừa nhận: “Để xảy ra vi phạm là do một số nhà xuất bản đã buông lỏng quản lý trong quy trình biên tập và liên kết, biên tập không kỹ, thiếu nhạy bén chính trị. Có trường hợp đối tác liên kết đã phát hành sách ra thị trường trong khi nhà xuất bản chưa ký phát hành và nộp lưu chiểu theo quy định”.
Trong khi chờ đợi những biện pháp mạnh tay từ các cơ quan quản lí, lời khuyên của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận là “phụ huynh nên thẩm định kỹ các tài liệu tham khảo trước khi mua” có lẽ vẫn hợp lý hơn cả.
TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lí giáo dục Hà Nội) khẳng định: “Những cuốn sách dành cho trẻ em có nội dung bạo lực, không phù hợp đã xuất hiện nhiều trên thị trường. Trách nhiệm của người lớn là một chuyện, nhưng chịu tác động nhiều vẫn là con trẻ, các em còn nhỏ sẽ ảnh hưởng tới tâm, sinh lý sau này. Theo tôi, giữa một “ma trận” thị trường sách tham khảo, phụ huynh phải là người tiêu dùng thông minh”.
Ông Phạm Xuân Tiến (Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Sở GD-ĐT Hà Nội) cũng cho rằng: "Phụ huynh muốn bổ sung kiến thức, kỹ năng cho con thì nên lựa chọn những cuốn sách phù hợp với khả năng của con. Hơn thế nữa, phụ huynh không nên tạo áp lực cho con bằng việc nhờ cô giáo giao thêm bài tập về nhà cho học sinh, nhiều khi vì muốn ra thêm bài tập cho học sinh mà giáo viên đã thiếu cẩn trọng, dẫn đến giao các bài toán sai lệch”.
Nói tóm lại, qua những lời "khuyên" trên đây thì các nhà xuất bản cứ "vô tư" in sách tham khảo "bẩn" đi. Phụ huynh nào "không thông minh" lỡ mua phải thì... "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi"!
Khánh An