Một văn bản chưa vì “dân sinh”?
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội vừa ban hành Thông tư số 26/2013/TT-BLĐ-TB&XH có giá trị từ 15/12/2013 với nội dung quy định 77 công việc phụ nữ không được làm. Đây là quy định nói một cách công bằng nhằm bảo vệ sức khỏe của phụ nữ. Tuy nhiên, trong số 77 công việc ấy, thực tế có những công việc phụ nữ đang làm, đặc biệt là những phụ nữ ở nông thôn ra thành phố mưu sinh. Chính vì vậy, Thông tư số 26 đã gây ra những luồng dư luận trái chiều trong xã hội.
Năng lượng Mới số 286
Quy định vô lý
Thông tư 26 gồm 5 điều quy định đối với những cơ quan sử dụng lao động nữ, trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh & Xã hội… và danh mục 77 công việc phụ nữ không được làm. Trong đó, có những công việc như: lái ôtô có trọng tải trên 2,5 tấn; nạo vét cống ngầm, công việc phải ngâm mình thường xuyên dưới nước bẩn hôi thối (từ 4 giờ trong một ngày trở lên, trên 3 ngày trong 1 tuần); đào lò, đào giếng; các công việc phải mang vác trên 50kg, mổ tử thi, liệm, mai táng…
Riêng đối với phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, không được làm các công việc như: ở môi trường bị ô nhiễm bởi điện từ trường vượt mức quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phép (như công việc ở các đài phát sóng tần số radio, đài phát thanh, phát hình, trạm radar, trạm vệ tinh viễn thông); trực tiếp tiếp xúc với các hóa chất trừ sâu, trừ cỏ, diệt mối mọt, diệt chuột, trừ muỗi có chứa clo… (bao gồm: sản xuất, vận chuyển, bảo quản, sử dụng); các công việc tiếp xúc với dung môi hữu cơ như: ngâm tẩm tà vẹt, in hoa trên màng mỏng, in nhãn trên giấy láng mỏng; mang vác nặng trên 20kg; chế biến lông vũ trong điều kiện hở…
Có rất nhiều phụ nữ làm nghề bốc vác để mưu sinh
Xa rời thực tế
Với các ngành nghề, công việc quy định phụ nữ không được làm theo Thông tư 26 hiện có rất nhiều công việc phụ nữ đang đảm đương, cụ thể như nạo vét cống ngầm, bốc vác (đương nhiên nhiều lúc phải mang vác hơn 50kg), in hoa trên màng mỏng, in nhãn trên giấy láng mỏng, chế biến lông vũ… và coi đó không chỉ là nghề mưu sinh mà còn là “nghiệp” của chị em. Cho nên, bây giờ nếu các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, cá nhân thi hành Thông tư 26, không tuyển dụng những lao động nữ cho những công việc như vậy thì họ biết làm gì? Trong khi các nghề khác chưa chắc họ đã thạo, những vị trí công tác phù hợp (có thể) đã ổn định. Chưa kể đến công việc họ đang làm không ai có thể làm tốt hơn họ và họ vui vẻ, thoải mái khi làm những công việc này.
Ngay cả khi Thông tư quy định: “Rà soát các công việc lao động nữ đang làm dựa theo danh mục các công việc không được sử dụng lao động nữ ban hành theo Thông tư này. Trên cơ sở đó có kế hoạch sắp xếp, đào tạo lại hoặc chuyển nghề, chuyển công việc phù hợp với sức khỏe của lao động nữ” thì để thực hiện được điều đó cũng phải có thời gian. Bởi phần lớn những công việc Bộ LĐ-TB&XH quy định phụ nữ không được làm đều là lao động chân tay. Nếu chuyển đổi với công việc tương tự có khi lại “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Còn chuyển sang ngồi “bàn giấy” nhất định phải có nghiệp vụ chuyên môn chứ đâu chỉ “ngồi” theo nghĩa đen. Mà để có nghiệp vụ, khả năng ấy để chuyển nghề là không thể.
Chị Nguyễn Thị Kim Anh, công nhân của một xưởng in nằm trong bãi Phúc Xá, Hà Nội vừa mới sinh con được 6 tháng khẳng định: “Quy định này thật là không phù hợp với tôi. Bởi khi tuyển dụng vào xưởng in, tôi đã chọn công việc hiện tôi đang làm và nó đã trở thành nghề của tôi. Là người có tay nghề nên tôi có mức lương hấp dẫn. Bây giờ, nếu chủ xưởng in thực hiện Thông tư 26, không cho tôi đảm nhiệm công việc của mình và cũng không dành cho tôi một công việc nào khác do tất cả các vị trí đã đủ nhân sự thì khác nào Thông tư trở thành một rào cản không chỉ đối với công việc mà với cả miếng cơm manh áo của tôi, của con tôi. Nếu bây giờ bảo tôi phải học nghề khác để chuyển thì thời gian đi học, ai sẽ là người nuôi mẹ con tôi, bỏ học phí ra cho tôi học. Cho nên tôi không đồng tình với Thông tư này mặc dù nó bảo vệ sức khỏe của phụ nữ”.
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội thì nhận định: “Trong khi cơ hội việc làm cho phụ nữ vốn đã khó khăn thì với giới hạn này, người phụ nữ lại càng khó khăn hơn, đẩy họ rơi vào bế tắc. Như vậy là Thông tư bảo vệ quyền lợi phụ nữ hay là triệt tiêu nguồn sống của họ?”. TS Khuất Thu Hồng dẫn chứng: “Ngày xưa, chị Ngô Thị Tuyển vác hòm đạn hơn 90kg được phong tặng danh hiệu anh hùng, tại sao ngày nay lại cấm phụ nữ làm việc phải mang vác 50kg. Tôi thấy trong danh sách quy định những công việc phụ nữ không được làm có nhiều công việc phụ nữ hoàn toàn có thể làm tốt hơn nam giới. Bởi vậy, quy định như thế là cản trở phụ nữ phát huy năng lực của mình, đồng thời có thể gây ra tình trạng tiêu cực như “đi đêm”, luồn lót cho những cá nhân, cơ quan quản lý”.
Ở một góc độ khác, bà Nguyễn Kim Lan, chuyên gia về giới, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam lại có ý kiến: “Bảo vệ sức khỏe của phụ nữ nhưng mặt khác, văn bản này lại không bảo đảm bình đẳng nam - nữ vì nó không đề cập đến việc bảo vệ sức khỏe của nam giới. Trong khi có không ít nam công nhân đang phải làm việc rất vất vất trong môi trường độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến việc “duy trì nòi giống’ cũng như sức khỏe của con cái họ khi sinh ra…”. Bà Lan nói tiếp: “…Vấn đề là văn bản của Bộ LĐ-TB&XH phải nâng cao vệ sinh an toàn lao động và điều kiện làm việc cho mọi đối tượng lao động chứ không riêng một ai để bên cạnh bảo đảm năng lượng cho nguồn lao động nói chung còn thể hiện tính bình đẳng trong xã hội. Chỉ trừ những công việc có ảnh hưởng rõ ràng đến chức năng sinh sản, mang thai và cho con bú thì cấm phụ nữ trong thời gian này được làm”.
Đồng quan điểm nhưng lại thẳng thắn hơn khi bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia bình đẳng giới của chính Bộ LĐ-TB&XH nói với báo giới: “Theo thống kê về đào tạo nghề của Bộ LĐ-TB&XH, số lượng lao động không có tay nghề chủ yếu là nữ giới. Với trình độ lao động như vậy, việc “kén cá chọn canh”, từ chối những công việc nặng nhọc như bốc vác là không dễ. Hơn nữa, lựa chọn việc không phải là vấn đề cấm hay không cấm mà thuộc về quyền của người lao động. Quy định như vậy là cách làm theo lối mòn từ xưa tới nay. Không rõ Bộ LĐ-TB&XH khi làm luật có tham vấn trực tiếp người lao động, nhất là lao động nữ hay không? Quy định nghe có vẻ là bảo vệ nhưng thể hiện sự bảo thủ, trì trệ của những nhà làm luật”.
Giải thích cho vấn đề này, ông Lê Vân Trình, chuyên gia cao cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một trong những người tham gia trực tiếp xây dựng Thông tư 26 lại lưu ý: “Đây là một văn bản khuyến cáo hơn là một quy định bắt buộc (!?). Do đó, trong văn bản không có một chữ “cấm” nào mà chỉ là “không được làm”. Thực chất, mục đích của Thông tư 26 là điều chỉnh ở những nơi có quan hệ lao động, nghĩa là có người sử dụng lao động, có người lao động. Còn những nơi không có quan hệ lao động thì văn bản không nhắm đến và người ta vẫn làm như cũ”. Mặc dù nói vậy, thế nhưng ông Trình lại khẳng định: “Trước mắt sẽ không xử phạt những doanh nghiệp sử dụng lao động nữ vào những công việc nằm trong danh sách 77 công việc không được làm nhưng tương lai sẽ phạt” và: “Đối với những phụ nữ hiện đang làm công việc này, doanh nghiệp phải chuyển đổi, bố trí sắp xếp công việc khác. Nếu không sắp xếp được, phải chuyển họ đến nơi khác”.
Như vậy, Thông tư 26 thực chất là văn bản pháp quy chứ không thể coi là “khuyến cáo” như ông Trình phân tích, nhất là khi tiến hành xử phạt. Bởi có chế tài, có xử phạt, nghĩa là luật định rõ ràng. Mà đã là luật định thì mọi đối tượng liên quan đến văn bản đều phải thực hiện.
Nhưng điều cần nói ở đây là Thông tư 26 là một văn bản thiếu thực tế, không phù hợp với xã hội hiện tại, vì vậy, tính khả thi không cao nếu như không muốn nói là không có. Với cách làm luật như vậy thì không chỉ làm khó những đối tượng chịu tác động của luật mà còn cản trở sự phát triển kinh tế, đất nước…
Nguyễn Anh