Trước Nguyễn Du, Tàu đã có “lời lời châu ngọc”
Bạn đọc: Lâu quá rồi, chuyện “châu dệt” của ông Nguyễn Khắc Bảo chắc đã trôi luôn vào dĩ vãng. Tôi chỉ xin hỏi ông An Chi xem văn thơ của Tàu (tôi dùng từ “Tàu” theo quan điểm của ông đó nha!) có cái gì na ná với tám chữ “Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” của Nguyễn Du hay không thôi! Xin cảm ơn ông. Tám Khều (Phú Nhuận, TP HCM)
Học giả An Chi: Dù đã thực sự trôi vào dĩ vãng hay chưa thì “châu dệt” cũng không phải là tiếng Việt nên chỉ là một danh ngữ không giống ai. Xin nói để một số bạn đọc được rõ là ông Nguyễn Khắc Bảo đã sửa chữ của Nguyễn Du trong câu Kiều thứ 1316 từ “lời lời châu ngọc” thành “lời lời châu dệt” và về chuyện này, chúng tôi đã phát biểu kỹ càng tại mục “Chuyện Đông chuyện Tây” của Kiến thức Ngày nay các số 400 (20/9/2001), 401 (1/10/2001), 439 (20/1/2002) và trong bài “Về những lời “châu dệt” của ông Nguyễn Khắc Bảo” (Ngôn ngữ & Đời sống số 8 (82)-2002). Lần này, chỉ xin nói thêm một ý để “gút” lại: Nếu cách đọc (thành “châu dệt”) và cách hiểu của ông Nguyễn Khắc Bảo mà đúng (khả năng này thực ra là 0%) thì chúng tôi phải lỗi phép Tố Như tiên sinh mà đề nghị thi hào ta xem lại cách xài chữ của mình:
Hạt châu mà dệt được sao?
Xin ngài cho biết dệt nao thế nhừ.
Còn chuyện mà Tám Khều hỏi lần này thì có đó. Tàu cũng có - và có trước ta - những lối diễn đạt trùng ý với tám chữ “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” của Nguyễn Du. Và chúng tôi thiên về khả năng Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng của lối diễn đạt đó trong câu Kiều thứ 1316.
Giống với “lời lời châu ngọc” của Nguyễn Du thì Tàu có “tự tự châu ngọc”[字字珠玉] (chữ chữ [đều như] châu ngọc). Chẳng hạn, ta có thể thấy được thành ngữ này trong Lý thừa (Đệ ngũ quyển) của Hứa Phụng Ân đời Thanh, với câu “Khanh sở ngôn tự tự châu ngọc [字字珠玉], tiểu sinh cảm bất kính bội” (Lời ngài nói, chữ chữ đều là châu ngọc, tiểu sinh nào dám không kính phục.).
Thành ngữ “tự tự châu ngọc” [字字珠玉] còn có một dị bản, đồng nghĩa (dĩ nhiên!) là “tự tự châu cơ” [字字珠璣 - chữ “cơ” giản thể là 玑], cũng có khi thêm “như” [如] vào giữa thành “tự tự như châu cơ” [字字如珠璣]. Thiên tự văn là một áng văn quen thuộc thời xưa, mỗi câu bốn chữ, dùng để cung cấp kiến thức cho thiếu nhi, thiếu niên, với những câu như “Thiên địa huyền hoàng - Vũ trụ hồng hoang”, v.v... Tác phẩm này đã được ca ngợi là “Thiên tự văn tự tự như châu cơ” [«千字文»字字如珠璣] (Thiên tự văn chữ chữ như châu ngọc).
“Tự tự châu cơ” [字字珠璣] còn đi chung với “thiên thiên cẩm tú” [篇篇锦绣], như có thể thấy trong thí dụ sau đây. Kể chuyện về Chung Quỳ, hồi thứ nhất trong Trảm quỷ truyện của Lưu Chương đời Thanh có đoạn:
“Thoại thuyết Đường triều Chung Nam sơn hữu nhất tú tài, tính Chung danh Quỳ, tự Chính Nam (…) Thùy tri tha ngoại mạo tuy thị bất túc, nội tài khước thậm hữu dư, bút động thời thiên thiên cẩm tú [篇篇锦绣], mặc tẩu xứ tự tự châu cơ [字字珠玑]”. Dịch nghĩa: “Chuyện rằng, đời Đường, ở núi Chung Nam, có một tú tài, họ Chung tên Quỳ, tự là Chính Nam. (…) Nào ai biết rằng anh ta tuy bề ngoài khiếm khuyết nhưng nội lực thì thừa tài, nơi bút múa thì chữ chữ như châu ngọc, lúc mực chảy thì thiên thiên tựa gấm thêu”.
Còn Giới dâm tu phúc bảo mệnh (đệ nhất kỳ) 戒 淫 修 福 保 命 (第-期) thì có câu: “Khả tích nha, khảo quyển trung tự tự châu cơ, hốt nhiên đăng hôi lạc chỉ hủy quyển; trướng hận nha, thiên thiên văn chương cẩm tú, vô duyên vô cố bị mặc tích ô tảng”. Dịch nghĩa: “Đáng tiếc thay, đang khảo về quyển sách mà chữ chữ là châu ngọc thì tro đèn rơi xuống giấy làm hỏng sách; đáng giận thay, văn chương như gấm thêu của các chương vô duyên vô cớ bị mực làm hoen ố”.
Rồi trong tiếng Tàu và ở bên Tàu, hai cái ý “lời lời châu ngọc”, “hàng hàng gấm thêu” vẫn quấn quít lấy nhau trong tâm thức của dân gian. Chẳng thế mà trên diễn đàn Internet, ta có thể thấy chúng quấn quít nhau trong những chuyện ra đối và đối lại, đại loại như:
- “Tự tự châu cơ thuyết Hoàng Đế” 字字珠玑说炎黄
“Bút bút cẩm tú miêu Hoa Hạ” 笔笔锦绣描华夏
(Chữ chữ châu ngọc nói [chuyện] Hoàng, Đế
Nét nét gấm thêu miêu [tả] Hoa Hạ).
- Bức bức cẩm tú hội thế giới 幅幅锦绣绘世界
Tự tự châu cơ thuyết Viêm Hoàng 字字珠玑说炎黄
(Bức bức gấm thêu vẽ thế giới
Chữ chữ châu ngọc nói [chuyện] Viêm Hoàng).
- Tự tự châu cơ thuyết Viêm Hoàng 字字珠玑说炎黄
Cú cú khanh thương đàm Hoa Hạ 句句铿锵谈华夏
(Chữ chữ châu ngọc nói [chuyện] Viêm Hoàng
Câu câu lanh canh bàn [về] Hoa Hạ).
- Thiên thiên cẩm tú tả Hà Nhạc 篇篇锦绣写河岳
Tự tự châu cơ thuyết Viêm Hoàng 字字珠玑说炎黄
(Thiên thiên gấm thêu tả [sông] Hoàng [núi] Nhạc
Chữ chữ châu ngọc nói [chuyện] Viêm Hoàng).
V.v... và v.v...
Riêng thành ngữ “tự tự châu ngọc” của Tàu thì đã xuất hiện trước câu Kiều thứ 1316 của Nguyễn Du từ xửa từ xưa. Nó đã ra đời muộn nhất cũng là vào mạt kỳ nhà Minh bên đó vì ta có thể thấy nó với đoản ngữ “tiểu sinh chi văn tự tự châu ngọc” [小生之文字字珠玉] trong “Hàm Đan ký tặng thí”
[邯郸记赠试] của Thang Hiển Tổ [汤显祖]; tác giả này (1550-1616) ra đời và qua đời đều trước Nguyễn Du hơn 200 năm. Ta và Tàu tuy dị ngữ nhưng lại đồng văn; ông bà ta xưa vẫn lấy sự hiểu biết kinh thư của Tàu, trong đó có việc dụng điển, làm tiêu chuẩn để đánh giá học thức của cá nhân. Nguyễn Du là người đọc nhiều, học rộng nên việc ông biết đến sự tồn tại của hai thành ngữ đang xét (với những biến thể của nó) và vận dụng chúng trong lời thơ của mình chỉ là chuyện bình thường. Chỉ có nhiễu sự mà thay cách diễn đạt bình thường của Nguyễn Du thành “châu dệt” mới là chuyện không bình thường mà thôi.
A.C