"Sếp" doanh nghiệp nhà nước làm sai, phải bỏ tiền túi ra đền
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 206/2013/NĐ - CP quy trách nhiệm bồi thường cho các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (DNNN) điều hành kém. Theo đó, cá nhân lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, nếu để xảy ra tình trạng nợ khó đòi, thất thoát tài sản công, ngoài việc sẽ bị xử lý trước pháp luật, còn sẽ phải bỏ tiền túi ra để bồi thường.
Được biết, Nghị Định 206/2013/NĐ/CP sẽ có hiệu lực từ tháng 2/2014. Văn bản này cũng yêu cầu các DNNN đề ra quy chế quản lý nợ, nếu không sẽ bị cắt 20% lương và lãnh đạo sẽ bị cách chức nếu để nhắc nhở đến lần thứ hai.
Vinashin và Vinalines được xem là những ví dụ điển hình về tình hình nợ nần của DNNN.
Trường hợp để cơ quan có thẩm quyền đôn đốc bằng văn bản hơn 1 lần thì Hội đồng thànhviên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc) sẽ bị miễn nhiệm như trường hợp báo cáo không trung thực tình hình tài chính của doanh nghiệp… Lãnh đạo DNNN cũng sẽ phải bồi thường và chịu trách nhiệm trước pháp luật, nếu để xảy ra tình trạng sử dụng vốn đi vay không hiệu quả.
Có thể thấy, Nghị định trên được đưa ra trong bối cảnh nợ xấu tại DNNN đang là “vấn đề nóng” khi hiện tượng tham nhũng có dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng, đang làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách, trong các nỗ lực tìm kiếm biện pháp tháo gỡ. Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Vào tháng 11/2013, nợ xấu tại DNNN lên đến 3.4 tỉ đô la, chiếm đến hơn 70% tổng nợ xấu của toàn quốc gia.
Không khó để có thể kể ra rất nhiều kịch bản “vỡ nợ” được các doanh nghiệp dàn dựng đang khiến nhiều ngân hàng “ôm quả đắng”, mà khả năng đòi nợ chỉ bằng không. Dư luận hẳn còn nhớ, khoảng tháng 5/2013, gần chục ngân hàng đã huy động nhân viên chầu chực trước cổng Cty CP XNK và SX Thương mại Âu Mỹ (Cty Âu Mỹ), trụ sở tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội để “đòi nợ”.
Cty Âu Mỹ đã dùng một lô hàng ước tính khoảng 5 tỷ đồng, rồi lần lượt thế chấp ở nhiều ngân hàng để vay vốn. Do làm ăn không thuận lợi, không trả được nợ theo đúng kỳ hạn, dẫn đến việc Cty Âu Mỹ cùng lúc bị 7 - 8 ngân hàng bao vây “siết nợ” bằng cách cắt cử người “canh giữ”, theo dõi nhất cử nhất động của việc xuất nhập hàng hóa – đề phòng khả năng số hàng hóa bị “nẫng tay trên”.
Ông Bùi Danh Liên ủng hộ việc quy trách nhiệm với người đứng đầu và phải bỏ tiền túi ra bồi thường nếu để xảy ra nợ xấu
Một ví dụ khác, đó là Cty CP Thép Sông Hồng, thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho việc kiểm soát thiếu chặt chẽ và sự sơ hở của cán bộ ngân hàng trong việc cho vay ẩu. Đến thời điểm phát hiện sai phạm khoảng tháng 5/ 2013, Cty CP Thép Sông Hồng đã “ẵm” món nợ khổng lồ lên tới 354 tỷ đồng và mất khả năng thanh khoản. Thật khó tin, là tài sản đảm bảo Cty này dùng để thế chấp 5 ngân hàng vay tiền gồm một nhà kho với đống thép bắt đầu hoen gỉ, theo “ước tính” giá trị khoảng 100 tỷ đồng. Khi sự việc bị vỡ lở, 5 ngân hàng buộc phải cử bảo vệ “mắc võng” trước cổng Cty để cùng “đòi nợ”.
Trên thực tế tham nhũng tiêu cực không chỉ ở trong mỗi lĩnh vực ngân hàng mà còn xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác. Hắn dư luận còn nhớ vụ Tamexco Tăng Minh Phụng; vụ Lã Thị Kim Oanh; vụ Vinashin, Phạm Thanh Bình gay thiệt hại cho nhà nước 910 tỉ đồng; hay gần đây là vụ Vinalines… đó là những ví dụ điển hình trong các vụ sai phạm đã gây thất thoát ngân sách Nhà nước nhiều nghìn tỉ đồng.
Điều đáng nói, tham nhũng tiêu cực cũng còn có xu hướng len lỏi vào mọi ngóc ngách của xã hội. Đến mức có ý kiến tiêu cực khi nghĩ rằng thực trạng này là chuyện “thường ngày ở huyện”, khó dẹp bỏ nên người dân phải chấp nhận “sống chung với lũ”. Thất thoát tài sản của nhà nước, được biểu hiện trong việc vẽ ra các dự án ma; dự án không mạng lại hiệu quả kinh tế, thiếu các cơ sở khoa học, thiếu tính khả thi, chưa được các cơ quan thẩm quyền xem xét phê duyệt; mua trang thiết bị cũ nát, dây truyền sản xuất lạc hậu…
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội bình luận: Nghị định 206/2013/NĐ - CP quy trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo DNNN điều hành kém hiệu quả như vậy là đúng và phù hợp, nhưng cũng hơi thừa. Thực tế, vấn đề “gây thất thoát tài sản của nhà nước” cũng đã được các văn bản pháp luật điều chỉnh từ trước. Theo đó, đại diện các cơ quan tổ chức, DNNN phải chịu trách nhiệm trước sai phạm của cơ quan tổ chức do mình đứng đầu. Tuy nhiên, quy định như vậy vẫn còn chung chung nên hiệu quả quản lý cũng chưa cao.
Vì thế, điểm mới trong Nghị định lần này là quy kết rõ ràng, cụ thể hơn về trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu khi để ra sai phạm.
Nguyên thống đốc ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cho rằng bộ Tài chính cần có những hướng dân cụ thể để nghị định đi vào thực tế
“Trước đây có văn bản pháp luật quy định, cán bộ công chức nhà nước khi để ra sai phạm, khi có kết luận rõ ràng về hành vi làm thất thiệt hại cho nhà nước và công dân. Thì cán bộ công chức đó, hoặc lãnh đạo đơn vị đó cũng chỉ bị truy cứu trước pháp luật, sai phạm nghiêm trọng thì vào tù, còn vấn đề bồi thường thất thoát thì lấy tiền ngân sách ra bồi thường.
Nay theo quy định mới, người để ra sai phạm ngoài việc bị xử lý trước pháp luật, còn có trách nhiệm phải bỏ tiền túi ra để bồi thường, chứ không phải do nhà nước gánh chịu như trước nữa. Theo tôi, đây là một quy định phù hợp và hiệu quả trong việc hạn chế, ngăn ngừa vi phạm” – ông Bùi Danh Liên khẳng định.
Còn theo TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng: NĐ 206 quy định gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu là rất chặt chẽ, bởi các giám đốc DN tiêu tiền NN phải có trách nhiệm cuối cùng đối với đồng vốn NN. Khi ra quyết sách điều hành SXKD, đặc biệt liên quan đến những khoản nợ phải thu, phải trả của DNNN thì người đứng đầu phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định để hạn chế thấp nhất rủi ro. Đây là khía cạnh tích cực của Nghị định.
Tuy nhiên, để NĐ được thực thi, theo ông Kiêm, Bộ Tài chính cần có hướng dẫn cụ thể. Bởi các DNNN phần lớn có doanh số lớn, số nợ phải thu, phải trả cũng rất lớn, lên tới hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Trong quá trình hoạt động, vì nhiều nguyên nhân mà dẫn đến chỗ phải phát sinh công nợ phải thu, phải trả. Có nguyên nhân do cơ chế, chính sách, có nguyên nhân bất khả kháng do thị trường thế giới, trong nước biến động, thiên tai, dịch bệnh và có rất nhiều vấn đề dẫn đến rủi ro, không lường trước được khiến DN lâm vào cảnh nợ nần.
Song cũng có những nguyên nhân chủ quan do năng lực yếu kém, không ngoại trừ cả nguyên nhân cố ý làm trái để tư lợi cá nhân. Chỉ những nguyên nhân xác định được do người đứng đầu cố tình làm trái thì đương nhiên phải bồi thường bằng tài sản cá nhân. Nhưng nếu có thế chấp tài sản để đảm bảo nợ của DN, thông thường sẽ vượt quá tài sản của cá nhân, không đủ so với số mà DN bị nợ.
Có thể thấy, nội dung quy định tại Nghị định 2016/2013/NĐ - CP, chính là một nỗ lực của chính phủ nhằm giải quyết tình trạng làm ăn kém hiệu quả của các DNNN. Điều này là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế. Chính vì vậy, việc quy trách nhiệm cá nhân cho các trường hợp lãnh đạo DNNN điều hành kém, để ra sai sót, thất thoát ngân sách, như nội dung Nghị định là một nỗ lực cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Thảo Phượng