Cuối năm lo dịch cúm gia cầm bùng phát
Nhu cầu sử dụng gia cầm dịp tết Nguyên đán đang tăng cao trong khi việc kinh doanh gia cầm trái phép vẫn diễn ra phức tạp khiến nguy cơ bùng phát dịch phát dịch cúm gia cầm càng hiện hữu.
Diễn biến phức tạp
Trong khi dịch cúm gia cầm vẫn đang tái diễn tại nhiều tỉnh thành lân cận, thì tại TP HCM tình trạng mua bán gia cầm trái phép vẫn diễn biến phức tạp. Theo Chi cục Thú y TP HCM đến thời điểm hiện tại TP HCM vẫn còn 48 điểm kinh doanh gia cầm trái phép. Trong đó, tập trung nhiều nhất là các khu vực ngoại thành và vùng ven. Đây cũng là nơi tập trung nhiều tuyến đường vận chuyển gia cầm trái phép từ các tỉnh lân cận về thành phố tiêu thụ.
Tình trạng buôn bán gia cầm trái phép vẫn diễn ra nhiều nơi ở TP HCM
Ngay như tại khu vực quận 2 (TP HCM), tại dốc cầu Mỹ Thủy (đường Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái thời gian qua đã xuất hiện chợ tự phát chuyên bán gia cầm, với hơn 10 quầy gà vịt sống. Do chợ nằm sát mặt đường giá cả rẻ hơn ở siêu thị nên ở đây người bán kẻ mua luôn xôm tụ. Dù cơ quan chức năng đã nhiều lần dẹp bỏ nhưng hễ dẹp được vài hôm là chợ họp lại khiến công tác phòng chống dịch cúm gia cầm gặp rất nhiều khó khăn.
Cá biệt nhất là khu vực Chợ Cầu (đường Quang Trung, quận Gò Vấp), cầu Tham Lương (nối quận Tân Bình và quận 12), đường Phạm Hùng (giáp ranh quận 8 và huyện Bình Chánh)… Đây là điểm bán gia cầm tồn tại nhiều năm nay nhưng công tác dẹp bỏ lại rất khó khăn, cho dù các lực lượng chức năng thành phố nhiều lần ra quần dẹp bỏ nhưng vẫn không thành.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết đa phần gia cầm trái phép chủ yếu được đưa từ các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, và một số tỉnh miền tây: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang vận chuyển về TP HCM. Giá cả khá rẻ so với gia cầm ở chợ và siêu thị, giá gà vịt còn sống chỉ từ 70-100 nghìn đồng/kg, bên cạnh đó các chủ hàng thường không cố định bán hàng mà để gia cầm sống trên xe hoặc đem giấu ở nơi khác, khi người mua cần mới mang đến bán nên nơi đây trở thành điểm bán gia cầm di động. Điều này khiến công tác chốt chặn và bắt giữ gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể như tại huyện Bình Chánh, địa bàn có tuyến đường về các tỉnh miền Tây, tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm trái phép diễn ra khá nhộn nhịp. Người dân vận chuyển gia cầm sống từ các tỉnh miền Tây lên TP HCM buôn bán diễn ra rất phổ biến. Họ hoạt động không kể ngày đêm, gây rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát. Đây cũng là địa bàn có hoạt động buôn bán gia cầm trái phép khá xôm tụ. Nhiều trường hợp khi lực lượng chức năng tiến hành bắt giữ, chủ hàng lăn xả vào chống đối khiến công tác chống gia cầm trái phép gặp rất nhiều khó khăn.
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh
Tình trạng kinnh doanh gia cầm trái phép diễn biến phức tạp khiến nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm ngày càng đáng báo động. Đặc biệt là thời điểm cuối năm, khi nhu cầu sử dụng gia cầm tăng mạnh do người dân sử dụng trong các bữa cơm tết. Đáng lo ngại hơn là thời gian qua tại một số tỉnh thành miền tây, nơi mà nguồn gia cầm trái phép được đưa về TP HCM tiêu thụ đã ghi nhận những trường hợp nhiễm cúm gia cầm và tử vong. Điều này càng khiến cho nguy cơ bùng phát dịch trở nên đáng lo ngại hơn.
“Thói quen sử dụng gà sống làm sẵn trong dịp tết cộng với điều kiện thời tiết chuyển mùa sẽ khiến việc kinh doanh gia cầm trái phép diễn biến thêm phần phức tạp hơn trong dịp tết. ”- ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM nhận xét.
Nắm bắt được nguy cơ này, đại diện Chi cục Thú y TP HCM cho biết từ nay đến cuối năm sẽ chủ động trong việc ngăn chặn cúm gia cầm, trong đó tích cực thực hiện các biện pháp ngăn ngừa dịch từ xa như chủ động phối hợp với CSGT, quản lý thị trường trong công tác chốt chặn, kiểm soát chặt nguồn gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập vào thành phố thông qua các trạm đầu mối kiểm dịch động vật, nhất là từ vùng có dịch.
Trong một diễn biến mới nhất, trước nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm vào thời điểm cuối năm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát vừa ra chỉ thị về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N1, H7N9 và H10N8.
Theo đó, các địa phương, bộ ngành tập trung triển khai công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn lây nhiễm bệnh cúm gia cầm qua biên giới.
Các địa phương ở biên giới tổ chức giám sát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm dịch động vật; lấy mẫu để giám sát sự lưu hành của virus cúm A/H5N1, H7N9 và H10N8 đối với gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, nhập khẩu từ các nước có dịch; không cho phép mọi hình thức buôn bán, vận chuyển qua biên giới gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa qua xử lý nhiệt, không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc…
Thùy Trang