9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH năm 2014
Báo cáo Dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2014 của Chính phủ đã được trình bày trong Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điều hành, từ sáng 23/12 đến hết ngày 24/12…
Nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị, hôm nay (23/12) các địa phương đã nghe đại diện Chính phủ nêu rõ tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 vừa được Quốc hội thông qua. Có thể điểm nhanh, đó là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế.
Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh. Bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Quang cảnh Hội nghị tại đầu cầu Trung ương (Ảnh: Nhật Bắc/VGP)
Các chỉ tiêu chủ yếu đề ra cho năm 2014, bao gồm phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động...
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trong đó tập trung thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm; phát triển trị trường, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu;...
Thứ hai, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó tập trung tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất; rà soát, sửa đổi bổ sung, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách thể chế; đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng...
Thứ tư, đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
Thứ năm, sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ sáu, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thứ bảy, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Thứ tám, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.
Thứ chín, tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội.
Lê Tùng