Những kiến nghị của đồng đội
Sau phóng sự điều tra về “một liệt sĩ mà không được liệt sĩ ” ở xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An (đăng trên Báo Năng lượng Mới số 278 ra ngày 29/11/2013), chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến của các cựu chiến binh rất bức xúc trước tình cảnh gia đình thân nhân của liệt sĩ trước danh dự con mình bị xúc phạm suốt 40 năm nay.
Năng lượng Mới số 284
Đọc rất kỹ những văn bản mà Quân đoàn 4 gửi cho gia đình, trong đó có bản gốc trích lục trong danh sách những liệt sĩ thuộc Trung ương Cục miền Nam hy sinh năm 1972-1973 có tên liệt sĩ Lê Văn Bá và biên bản xác nhận liệt sĩ của Quân đoàn 4. Tôi được đồng chí Thiệu Trợ lý chính sách Quân đoàn 4 cho biết: “Đây là một việc thuộc công tác chính sách đòi hỏi phải rất cẩn trọng, sau khi truy lục hồ sơ lưu trữ của Trung ương Cục miền Nam bàn giao có tên Liệt sĩ Lê Văn Bá, sinh năm 1953, quê quán: xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An; nhập ngũ tháng 5/1972, cấp bậc: Binh nhất; chức vụ: Chiến sĩ; đơn vị C1, D1, Lữ 24, Đoàn 75 thuộc Trung ương Cục miền Nam (nay là Lữ 434/QĐ4); hy sinh: ngày 4/7/1973, tại Lộ Đỏ, Kà Tum, Tây Ninh. Bộ Tư lệnh Quân đoàn đã tổ chức cuộc họp gồm đại diện của Phòng Chính trị Quân đoàn, của Lữ 24 và Lữ 434 kết luận, lập văn bản xác nhận Quân nhân Lê Văn Bá là liệt sĩ. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 đã có Công văn số 502, ngày 14/12/2010 gửi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An (công văn này cũng được gửi cho gia đình liệt sĩ và nội dung cũng đã được báo đăng tải, đã đến với bạn đọc trong cả nước).
Ngôi mộ của Lê Văn Bá an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ TP HCM
Cựu chiến binh Trần Văn Hoàng và một số cựu chiến binh ở xã Long Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An đã nói rằng: “Chúng tôi trân trọng gọi quân nhân Lê Văn Bá (thuộc Tiểu đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Lữ 24, Đoàn 75 pháo binh Biên Hòa, thuộc Trung ương Cục miền Nam (nay là Lữ 434/QĐ4) hy sinh ngày 4/7/1973 tại mặt trận suối Ba Chiêm, ngã ba Cây Sấy, đường Lộ Đỏ, thuộc tỉnh Tây Ninh là liệt sĩ, mặc dù hơn 40 năm qua (kể từ ngày hy sinh gia đình không nhận được giấy báo tử); bởi bạn đọc đã trực tiếp xem đầy đủ các văn bản, giấy tờ và ảnh (1 bản sao trích lục hồ sơ có tên Liệt sĩ Lê Văn Bá trong danh sách liệt sĩ của Trung ương Cục miền Nam (nay là Quân đoàn 4) hy sinh trong những năm đánh Mỹ, 1 bản sao Xác nhận quân nhân Lê Văn Bá là liệt sĩ của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4; 1 phiếu mộ và 2 tấm ảnh chụp phần mộ của Liệt sĩ Lê Văn Bá an táng tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh) được đăng tải trên báo. Chúng tôi khẩn thiết kiến nghị các cơ quan chức năng trong và ngoài quân đội cần trả lại ngay danh dự cho liệt sĩ và gia đình thân nhân liệt sĩ”. Hơn 50 người lính già là đồng đội cùng tiểu đội, cùng đại đội, cùng tiểu đoàn, cùng lữ đoàn ngày ấy rất bức xúc đã làm đơn kiến nghị với Cục Chính sách, Cục Người có công và các cơ quan chức năng với nội dung như sau:
Kính gửi: Phòng Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An
Kính gửi: Cục Chính sách Bộ Quốc phòng
Kính gửi: Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Trong 2 ảnh trên: 14 cựu chiến binh thay mặt cho Hội Đồng đội kiến nghị lên cơ quan chức năng khẩn trương báo tử và làm chế độ cho Liệt sĩ Lê Văn Bá
Đồng chí Lê Văn Bá cùng chúng tôi là những đồng đội nhập ngũ cùng một ngày vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Đợn vị C1, D1, Lữ 24, F75, thuộc Trung ương Cục miền Nam; nay là đơn vị 434 pháo binh Quân đoàn 4. Đồng chí Lê Văn Bá hy sinh ngày 4/7/1973 tại Lộ Đỏ, Kà Tum, tỉnh Tây Ninh. Đồng chí Lê Văn Bá hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Chúng tôi là đồng đội trực tiếp mai táng đồng chí Lê Văn Bá. Sau ngày giải phóng đơn vị đã quy tập mộ đồng chí Bá về Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh. Vậy mà đến nay gia đình vẫn chưa được hưởng chế độ gia đình liệt sĩ và các chính sách của Đảng và Nhà nước. Thật bất công nên anh em đồng đội chúng tôi làm đơn này kiến nghị Phòng Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, Cục Chính sách Bộ Quốc phòng và Cục Người có công xem xét chế độ giải quyết chế độ chính sách cho liệt sĩ Lê Văn Bá.
Có gì sai sót chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Ông Nguyễn Văn Đờn, ông Trần Ngọc, ông Nguyễn Ngọc Trân ở Ban Tuyên huấn, Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An; ông Vũ Toàn, ông Văn Vượng Chi hội Cựu chiến binh phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội đều có chung ý kiến hết sức bức xúc: “Vô trách nhiệm quá, “muộn còn hơn không có”, đề nghị đơn vị (của liệt sĩ Lê Văn Bá) và các cơ quan chức năng sớm vào cuộc giải quyết dứt điểm cần báo tử và trả lại danh dự cho Liệt sĩ Lê Văn Bá”.
Bản thân tôi (người đi làm phóng sự điều tra này) rất lấy làm lạ. 40 năm rồi, trong đó có gần 4 năm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhận được công văn của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 về xác nhận quân nhân Lê Văn Bá là liệt sĩ, gần 3 năm gia đình Cụ Lê Văn Ba gửi hồ sơ lên Ban Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, Cục Chính sách, UBND huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An đề nghị tặng bằng Tổ quốc ghi công xác nhận liệt sĩ… đến nay vẫn bặt vô âm tín! Không hiểu tại sao những người làm công tác chính sách lại không trăn trở, không hề chạnh lòng trước cảnh những người cha, người mẹ tuổi đã kề miệng lỗ mà phải mòn mỏi đi tìm danh dự cho con mình?
Thuận Thắng