Khám phá vườn cây “ngũ quả” của lão nông đất Hà thành
Cam, chanh, quất, bưởi và cuối cùng là phật thủ... đều mọc trên cùng một cây. Người tạo ra loại cây độc nhất vô nhị tại Việt Nam này là lão nông Lê Đức Giáp năm nay đã ngoài 60 tuổi ở Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
ông Giáp đang chăm sóc cho vườn cây ngũ quả chuẩn bị dịp Tết
Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới đến dịp Tết nguyên Đán, nhưng vườn cây cảnh với hơn 100 gốc cây “ngũ quả” độc đáo của gia đình ông Giáp đã có chủ đến đặt mua. Thậm chí không ít người ở tận TP Hồ Chí Minh hay Sơn La, Lào Cai, Hà Nam, Thái Bình... cũng xuống tận vườn để đặt được những cây cảnh ưng ý.
Với những thành công từ những năm trước đây, năm nay ông Lê Đức Giáp còn ghép thêm loại chanh đào, bưởi đỏ tạo nên cây cảnh cho ra tới 7 loại quả “cây thất quả” vô cùng bắt mắt và độc đáo. Hiện nay ông Giáp được coi là nghệ nhân duy nhất ở Việt Nam nắm được bí kíp ghép cây ngũ quả.
Là loại cây chơi trong dịp Tết Nguyên Đán, do vậy mà ngoài sự độc đáo mới lạ, cây “ngũ quả” này được khá nhiều người dân ưa chuộng, mua chơi bởi nó đã tạo không khí ấm áp trong ngày tết. Trung bình giá một cây cảnh cho ra 5 – 7 loại quả, có dáng đẹp, nhiều hoa, lộc có thể lên đến hàng chục triệu. Những cây nhỏ hơn cũng có giá từ hai triệu đồng, đây là những loại cây thích hợp với người có túi tiền vừa và ít.
Một cây ngũ quả đẹp là cây có các loại quả: chanh, cam, quất, phật thủ, bưởi phải chín cùng một lúc, màu sắc rực rỡ và nảy nhiều lộc, hoa ở ngọn và gốc. Ông Lê Đức Giáp cho biết: "Cây gốc thường là cây bưởi Diễn hoặc cam Canh khỏe mạnh, có thân cứng cáp, nhiều cành nhỏ. Tùy đặc tính của loại quả ghép và tình hình thời tiết mà thực hiện ghép ở các thời kỳ khác nhau. Khoảng tháng 4 âm lịch hàng năm, tôi bắt đầu lai ghép quả bưởi lên cây. Đến giữa tháng 5, đầu tháng 6 thì đưa cam và quýt vào. Tầm tháng 9-10 đưa quất và phật thủ lên."
Mỗi cây ngũ quả đều có dáng, vẻ đẹp riêng của mình, chúng có giá dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/cây
Hàng năm, ông Giáp thường đào cây lên rồi hạ xuống 3 lần vì "làm như thế cây sẽ có bộ rễ tốt. Đây là điều quan trọng giúp cây thích nghi với mọi môi trường sống, dù đặt trong chậu hay trồng ngoài vườn, cây vẫn ra hoa và kết trái sai, đúng thời điểm.
Hiện nay các loại quả trên cây vẫn chưa chín nên màu sắc vẫn chưa thực sự bắt mắt khách hàng. Thời gian lý tưởng nhất từ 15 - 20 tháng chạp âm lịch, lúc đó tất cả các loại quả đều chín thì nhìn sẽ đẹp và bắt mắt hơn. Điểm độc đáo của loại cây này là tuy có 5, 7 loại quả cùng được ghép lên một thân cây nhưng nó vẫn giữ được mùi vị đặc trưng của từng loại hoa trái. Sau khi dùng để làm cây cảnh trưng bày trong dịp Tết Nguyên đán, người chơi vẫn có thể chăm sóc và trồng lại để chơi tiếp vào mùa Tết sau.
Thành công là thế, người nông dân này sẵn sàng chia sẻ bí quyết làm giàu từ việc tạo cây cho nhiều loại quả, ông thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc các loại cây ăn quả cho những người làm vườn trong vùng khi họ có nhu cầu được hỗ trợ về kỹ thuật cũng như kiến thức, kinh nghiệm.
Do vậy, hàng năm có tới hàng trăm người làm vườn đã được ông Giáp chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc, tạo quả và nhiều người đã thành công, thoát nghèo, giàu lên từ cây cam, cây bưởi.
Một số hình ảnh ghi lại tại vườn cây độc đáo của ông Lê Đức Giáp:
Vườn cây ngũ quả độc đáo của ông Giáp
Cây có đủ 5 loại cành, một trong những cây ngũ quả có giá đắt nhất vườn ông Giáp
Độc đáo cây có bảy loại quả, giá vài chục triệu đồng
Cây ngũ quả đủ màu sắc, mang nhiều ý nghĩa trong dịp Tết đến xuân về
Giá cây này được bán với giá gần 20 triệu đồng
Cây đã có chủ
Theo ông Giáp cho biết, hơn 60% cây trong vườn đã được khách đặt mua
Quả phật thủ sẽ được chín đúng vào dịp tết
Để cây trông đẹp mắt, ông đã ghép thêm nhiều loại quả vào. Qủa mới ghép sẽ được bọc báo để tránh ánh nắng chiếu vào. Sau một tuần có thể tháo lớp báo này đi.
Những khách hàng đến xem, đặt mua cây có 5 loại quả
Nguyễn Hoan