Những hình ảnh mới công bố: Cuộc sống thực ở Triều Tiên
Sau khi cho công bố hàng trăm bức ảnh từ 6 chuyến đi, chụp đất nước và con người Triều Tiên, nhiếp ảnh gia người Pháp Eric Lafforgue đã ngay lập tức nhận được lệnh cấm tới đất nước này.
Một tháng sau khi trở về từ chuyến đi, nhiếp ảnh gia nhận được một lá thư kèm ảnh chụp màn hình ảnh của ông. Bức thư có nói rõ, những bức ảnh này không tốt cho Triều Tiên và Lafforgue không thể trở lại Triều Tiên.
Lafforgue đã phát biểu trên tờ Business Insider rằng: Họ biết khi tôi tới và biết tôi chụp ảnh. Họ vẫn muốn thu lợi từ khách du lịch nhưng không muốn những rắc rối xảy ra với người lãnh đạo của mình. Lafforgue nhận thức rất rõ điều này trong suốt những năm ở Triều Tiên, nơi ông đã ghi lại những bức ảnh đáng kinh ngạc về đất nước này.
“Triều Tiên kiểm soát tất cả những gì ra khỏi đất nước của họ”, Lafforgue nói. “Kể cả tôi, khi họ để tôi chụp những bức ảnh đứa trẻ tươi cười thì đó là bởi nó tốt cho đất nước Triều Tiên. Tôi ghi lại những khoảnh khắc này bởi đó là một phần cuộc sống của những con người nơi đây, rằng họ hạnh phúc. Họ có thể bị tẩy não những họ vẫn đang sống như bao người khác trên thế giới này”.
Lafforgue đã chia sẻ những bức ảnh tuyệt vời từ những chuyến đi của mình đến Triều Tiên. Gạt sang một bên vấn đề chính trị, những bức ảnh đã hé lộ một phần cuộc sống còn nhiều bí ẩn của đất nước Triều Tiên.
Sân bay Bình Nhưỡng, nơi nhiếp ảnh gia Lafforgue hạ cánh. Có vẻ như chỉ có một chuyến bay đến Bắc Kinh từ sân bay này.
Mọi khách du lịch đến Triều Tiên đều phải đi theo tour. Theo ông Lafforgue, hướng dẫn viên sẽ chỉ cho bạn nhiều điều thú vị hơn là một nhà báo được chỉ định đi cùng bạn. Vì thế ông thường khai báo mình là khách du lịch.
Mỗi lần đến Triều Tiên, các hướng dẫn viên luôn cố gắng đưa Lafforgue đi theo một hành trình "cổ điển", quen thuộc.
Và để tránh điều này, nhiếp ảnh gia luôn chọn đến Triều Tiên khi có sự kiện đặc biệt diễn ra như Arirang Mass Games chẳng hạn.
Arirang Mass Games được tổ chức thường niên và bao gồm rất nhiều hoạt động trình diễn để kể câu chuyện về đất nước. Đây được coi là vinh dự lớn cho những ai tham gia.
Lafforgue chụp bức ảnh này vào ngày Quốc khánh Triều Tiên.
15/4 hàng năm là kỉ niệm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Il Sung. Khoảng hơn 100.000 vũ công đã biểu diễn chào mừng tại Quảng trường Kim Il Sung.
Ông Lafforgue cho biết, đất nước Triều Tiên đã thay đổi rất nhiều kể từ lần đầu tiên ông đến vào năm 2008. Điều duy nhất không thay đổi đó là những bữa ăn.
Năm 2008, khi lần đầu đến với đất nước này, hầu như không có một du khách nước ngoài nào có mặt ở đây.
Còn hiện giờ, mọi chuyện đã khác, nhiều khách du lịch đã tìm đến với Triều Tiên. Những cô gái này là người gốc Hàn Quốc, lớn lên và sinh sống ở Nhật Bản.
Người dân Triều Tiên hiện giờ được tiếp xúc nhiều hơn với hàng hóa đến từ Trung Quốc như máy tính, đầu DVD và quần áo. Thế nhưng khi ông hỏi một đứa trẻ về hình chuột Mickey in trên ba lô thì em chẳng biết gì về nhân vật hoạt hình nổi tiếng thế giới này.
Lafforgue đã có rất nhiều cuộc nói chuyện thân mật với người dân Triều Tiên. Ngoại trừ chính trị ra, hầu hết họ rất thích nói về thể thao.
Một trong những địa điểm du lịch chính ở Bình Nhưỡng đó là Bảo tàng chiến tranh. Ở đó miêu tả cuộc chiến đấu và giành thắng lợi của Triều Tiên với Mỹ.
Chân dung của hai nhà lãnh đạo Kim Il Sung và Kim Jung Il hiện diện khắp mọi nơi.
Hàng năm, lễ hội hoa Bình Nhưỡng được tổ chức để kỉ niệm ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Jung Il.
Có rất nhiều "khu vui chơi" ở Bình Nhưỡng và các thành phố khác.
Hình ảnh hẹn hò giữa hai người yêu nhau ở Triều Tiên là vô cùng hiếm hoi. Thường thì đàn ông và phụ nữ không tụ tập nơi công cộng cùng với nhau.
Lafforgue cho biết, có rất nhiều cặp sinh hai, sinh ba được gửi vào trại trẻ mồ côi như ba cô bé đang tập hát này. Lý do là những bậc cha mẹ không đủ khả năng để nuôi 2-3 đứa trẻ cùng một lúc.
Một giáo viên mầm non ở trường Kim Jong Suk, Bình Nhưỡng đang giúp học trò của mình đoán ra tên của các con vật. Các em học sinh khác không được giúp đỡ bạn khi chưa được sự cho phép.
Hầu hết trẻ em đều được ghi danh vào chương trình "tiên phong". Các em sẽ tham gia nhiều hoạt động, ví dụ như giúp đỡ công việc trên cánh đồng.
Đàn ông Bắc Triều Tiên phải phục vụ cho quân đội ít nhất 6 năm. Trong khoảng thời gian này, sự liên lạc với gia đình là tối thiểu.
Vào những dịp đặc biệt, người dân mang theo một cành hoa nhựa đặc biệt có tên "kimjonglia".
Một người lính đừng nhìn khách sạn Ryugyong từ xa. Được xây dựng từ năm 1987 nhưng cho đến nay, khách sạn vẫn chưa mở cửa hoạt động. Công ty Orascom có trụ sở ở Ai Cập đã đề nghị giúp đỡ việc hoàn thành khách sạn để đổi lấy quyền cung cấp dịch vụ điện thoại ở Triều Tiên.
Rất nhiều người dân đã sở hữu điện thoại di động. Orascom cho biết, dịch vụ của họ chiếm khoảng 75% thị phần ở Triều Tiên. Tuy nhiên, điện thoại di động chỉ có thể nghe gọi trong nước và mọi liên lạc với nước ngoài đều không thực hiện được.
Thường thì những người dân ở nông thôn tỏ ra không mấy tin tưởng vào người nước ngoài. Một phần là do trình độ học vấn. Với nhiếp ảnh gia Lafforgue, người phụ nữ này là một ngoại lệ, bà rất thân thiện.
Bãi biển Chilbo có những ngôi nhà ven biển rất đẹp để phục vụ khách du lịch. Nhưng cách đó không xa lại là một ngôi làng nghèo.
Một cặp vợ chồng nơi có nhà nghỉ cho khách du lịch.
Trưởng ngôi làng biển Chilbo cho Lafforgue xem ảnh của con ông. Anh sẽ ở lại trong quân đội cho đến khi nhiệm vụ "đất nước thống nhất" được hoàn thành.
Người dân đọc tin tức trong khi đợi tàu tại ga Puhung. Puhung ở đây có nghĩa là tái thiết, phục hồi. Có tất cả 17 trạm tàu điện ngầm ở Bình Nhưỡng và chúng có cái tên rất kêu như Tái Thiết, Trở về chiến thắng, Thiên đường, Vinh quang...
Thành phố Bình Nhưỡng là nơi hưởng nhiều ưu tiên nhất.
Nhưng không phải tất cả mọi địa điểm ở Bình Nhưỡng đều được đầu tư. Rất nhiều tòa nhà không có hệ thống lò sưởi hay nước máy.
Một con đường ở Triều Tiên.
Trong chuyến đi thứ sáu của mình, Lafforgues cuối cùng cũng đến được Chongjin, nằm ở miền Bắc đất nước. Ông đã thấy cuộc sống của nhiều người ở đây nghèo đói đến cùng cực. Những người hướng dẫn đã giữ máy ảnh của ông và những khách du lịch khác trong phần lớn chuyến đi.
Trong chuyến đi kể trên, Lafforgue chỉ ra ngoài chụp ảnh hai lần. Ông nói, nếu bạn cư xử như khách du lịch thì các nhà chức trách sẽ không làm phiền bạn.
Lafforgue tâm sự, ông rất thích chụp ảnh ở Triều Tiên bởi ông muốn nắm bắt cảm xúc thật của những con người nơi đây. Họ không phải là rô bốt.
An Bình