“Bầu” Kiên bị truy tố với 4 tội danh
Chiều 15/12, Viện KSND Tối cao đã ra cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên), nguyên Phó chủ tịch HĐQT, Phó chủ tịch Hội đồng Sáng lập Ngân hàng ACB về các hành vi: kinh doanh trái phép; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế.
Năng lượng Mới số 283
Trong vụ này, Viện KSND Tối cao cũng truy tố 6 bị can khác, trong đó có 4 người nguyên là lãnh đạo Ngân hàng ACB gồm: Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT; Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc; Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB; 4 người này đều bị truy tố về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Hai bị can Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến, là Giám đốc và Kế toán trưởng Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội bị truy tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, Kiên cùng các đồng phạm Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt của Công ty CP Hòa Phát 264 tỉ đồng. Về hành vi “cố ý làm trái” cáo trạng xác định, thực hiện chủ trương của thường trực HĐQT Ngân hàng ACB và Nguyễn Đức Kiên về việc ủy thác cho các cá nhân gửi tiền VNĐ và USD tại các tổ chức tín dụng; từ tháng 6/2011 đến tháng 9/2011, Lý Xuân Hải đã chỉ đạo và ủy quyền cho Kế toán trưởng ủy thác số tiền hơn 718 tỉ đồng cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiết kiệm vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Viettinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh chiếm đoạt.
Về tội danh trốn thuế của Nguyễn Đức Kiên là tội danh được Cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án. Theo tài liệu, cuối tháng 12/2008, Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B (do bầu Kiên làm Chủ tịch HĐQT) ký hợp đồng ủy quyền cho Ngân hàng ACB thực hiện việc kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam. Từ ngày 25/12/2008 đến 24/6/2009, Công ty B&B đã thu lợi hơn 68,8 tỉ đồng từ hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với Ngân hàng ACB. Tuy nhiên, Công ty B&B chỉ khai nộp thuế hơn 688 triệu đồng. Qua điều tra, cơ quan điều tra xác định, thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh từ hợp đồng ủy thác của Công ty B&B với Ngân hàng ACB là hơn 25 tỉ đồng.
Bước đầu Cơ quan điều tra làm rõ, Nguyễn Đức Kiên đã lợi dụng vào việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009 để chỉ đạo, hướng dẫn thuộc cấp hợp thức hóa thu nhập của Công ty B&B thành thu nhập của cá nhân nhằm trốn thuế.
Riêng về tội kinh doanh trái phép theo Điều 159 Bộ luật Hình sự, cáo trạng xác định: Nguyễn Đức Kiên dùng nhiều thủ đoạn “lách luật” để tham gia thị trường vàng thông qua Công ty CP Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam (công ty này không được cấp phép kinh doanh vàng). Hành vi kinh doanh trái phép của Nguyễn Đức Kiên đã gây thiệt hại lớn cho cả Công ty Thiên Nam và ACB. Cụ thể: Tính đến ngày 30/7/2010 (thời điểm Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tất toán các tài khoản giao dịch vàng ở nước ngoài), Công ty Thiên Nam đã thực hiện 49 giao dịch bằng 150.000 Ounce để đóng tài khoản đã ủy thác. Nhưng vì giá vàng ở thời điểm bán thấp hơn ở thời điểm mua nên Công ty Thiên Nam đã lỗ 21,4 triệu USD. Ngoài ra, Công ty Thiên Nam còn tham gia kinh doanh vàng trong nước với số lượng mua bán là 37.500 lượng vàng SJC và lỗ hơn 9,6 tỉ đồng; kinh doanh vàng ngoài nước với lượng mua bán là 75.000 Ounce và lỗ hơn 4,9 tỉ đồng. Như vậy, tổng cộng Công ty Thiên Nam đã lỗ từ các giao dịch vàng vật chất và vàng trạng thái là hơn 433 tỉ đồng.
Những tội danh trên của Nguyễn Đức Kiên đã được làm rõ và qua đó, bản chất “quyền lực” ngầm của ông “bầu” này cũng đã lộ diện. Ông Trần Xuân Giá - nguyên là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB đã phải thừa nhận trước Cơ quan điều tra rằng, cái chức Chủ tịch HĐQT tưởng như “danh chính ngôn thuận” của ông thực ra không được công nhận là vị trí cao nhất tại Ngân hàng ACB. Ông cũng như các thành viên khác trong HĐQT, Ban Tổng giám đốc chỉ là “con rối” trong tay “bầu” Kiên.
Theo các thông tin mà ông Giá khai báo trước Cơ quan điều tra, từ năm 2008, mặc dù Nguyễn Đức Kiên không tham gia HĐQT Ngân hàng ACB nhưng là người có ảnh hưởng và chỉ đạo, quyết định nhiều hoạt động của Ngân hàng ACB. Các ý kiến của Nguyễn Đức Kiên trong các cuộc họp HĐQT sau đó đều trở thành nghị quyết. Thậm chí, ai cũng biết đến một câu chuyện: nhằm tạo áp lực đối với các thành viên thường trực HĐQT, trong các cuộc họp, “bầu” Kiên thường gảy gót: “Hiện tôi không tham gia gì trong HĐQT, tôi nói nhăng nói cuội gì các anh nghe hay không nghe thì tùy, nhưng tôi có quyền cách chức các anh”. Có lúc nóng lên, “bầu” Kiên còn đe: “Vai trò tư vấn của tôi, thành viên hội đồng sáng lập đã được quy định trong quy chế hoạt động của hội đồng sáng lập, tôi nói muốn nghe thì nghe, không nghe thì thôi. Nhưng với tư cách cổ đông lớn, tôi có quyền triệu tập đại hội cổ đông bất thường và cách chức các anh ra khỏi thành viên HĐQT”.
Ông Trần Xuân Giá, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB khai: Ngày 22/3/2010, Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB có họp bàn về chủ trương ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB dùng tiền đồng và USD gửi vào các tổ chức tín dụng. Trong cuộc họp này ông Trần Mộng Hùng đề nghị giảm bớt lãi suất huy động để giảm số tiền huy động của dân, vì thời điểm đó Ngân hàng ACB đã huy động được nhiều tiền nhưng không cho vay được mà lại phải trả lãi. Tuy nhiên, Nguyễn Đức Kiên đã thể hiện quyền lực của mình bằng cách gạt đi với quan điểm: “Làm gì thì làm, không được giảm tổng tài sản của Ngân hàng ACB”. Lý Xuân Hải - Tổng giám đốc đã phải tìm cách xoa dịu “bầu” Kiên bằng phương án ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB gửi USD và tiền vào các tổ chức tín dụng. Phương án này được thường trực HĐQT thông qua, giao cho Tổng giám đốc thực hiện. Chính ý tưởng “làm vui lòng anh Kiên” này đã đẩy Tổng giám đốc Lý Xuân Hải vào vòng lao lý.
Chủ trương không được giảm tổng tài sản của ACB là chỉ đạo xuyên suốt của Nguyễn Đức Kiên trong hoạt động của Ngân hàng ACB. Chủ trương cấp tín dụng cho Công ty ACBS mua cổ phiếu của ACB cũng do Nguyễn Đức Kiên đề xuất và đương nhiên được thường trực HĐQT Ngân hàng ACB đồng ý thông qua. Thường trực HĐQT còn ủy quyền cho Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch Hội đồng Đầu tư chỉ đạo trực tiếp thực hiện việc đầu tư.
Mặc dù từ năm 2008, Nguyễn Đức Kiên đã rút khỏi HĐQT và ban điều hành nhưng để duy trì quyền lực, ông ta đề xuất thành lập Hội đồng Sáng lập như một “đại hội cổ đông thu nhỏ”. Đây chính là bài bản giúp Kiên áp đặt ảnh hưởng của mình trong các cuộc họp của HĐQT, thường trực HĐQT và ban điều hành. Thế nhưng, “khôn ngoan không lại với trời”, Nguyễn Đức Kiên lại gặp phải một “siêu lừa” là Huỳnh Thị Huyền Như. Số tiền gần 718 tỉ đồng mà Kiên chỉ đạo nhân viên Ngân hàng ACB mang đi gửi bên ngoài đã bị chính Huỳnh Thị Huyền Như nẫng gọn.
Minh Hiền