Tên của Taberd, từ Contans, Ravier đến AJ.L
Bạn đọc: GS Phan Ngọc cho biết tên của tác giả quyển Từ điển An Nam La Tinh (Dictionarium Anamitico-latinum) ấn hành tại Serampore năm 1830 là “Contans Taberd” còn bìa của quyển từ điển này do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và NXB Văn học in lại năm 2004 thì ghi tác giả đó là “AJ.L.Taberd”. Nhưng nếu là Contans thì phải viết “C” (CJ.L.Taberd) chứ sao lại là “A” (AJ.L.Taberd)? Xin ông An Chi cho biết lý do. Xin cảm ơn. Nguyễn Hữu Tín (TP Biên Hòa)
Học giả An Chi: Vì quá “mê tín” đối với ông Phan Ngọc, “vua dịch giả biết hàng chục ngoại ngữ” (Tít bài chạy trên vietnamnet.vn ngày 24/10/2012) nên bạn mới cho rằng phải là “C” thay vì “A” chứ thực ra thì, ở đây cả ông vua này lẫn “cố vấn” tiếng La Tinh của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học (hay của Nxb Văn học?) đều nhầm lẫn!
Trong Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh (in lần thứ hai, Hà Nội, 1989) do mình bổ sung và sửa chữa, vua ngoại ngữ Phan Ngọc cho biết:
“Trong trường hợp tiếng Việt chưa có từ điển Việt -Việt, thì phải giảng bằng những quyển […], quyển Dictionarium anamitico-latinum của Contans Taberd in lần đầu ở Serampor năm 1838 và in lần thứ hai năm 1877 do Hội truyền giáo Bắc Kỳ xuất bản” (Sđd, tr.16).
Thực ra thì Phan Ngọc đã nhầm to khi khẳng định rằng “quyển Dictionarium anamitico - latinum của Contans Taberd in lần đầu tại Serampor năm 1838 và in lần thứ hai năm 1877 do Hội Truyền giáo Bắc Kỳ xuất bản”. Đây là hai quyển hoàn toàn khác nhau. Quyển 1838 mới đích thị là của Taberd chứ quyển 1877 thì lại là của Theurel. Dictionarium anamitico - latinum in năm 1838 tại Serampore là do Taberd hoàn tất từ công trình viết tay cùng tên (1772-1773) của Pigneaux de Béhaine. Vì vậy nên bản 1838 mới được giới thiệu như sau: “Dictionarium anamitico - latinum, primitus inceptum ab Illustrissimo et Reverendissimo P.J. Pigneaux (...) dein absolutum et editum a J.L. Taberd (...)”, nghĩa là “Từ điển An Nam - La Tinh, nguyên là do Đức P.J. Pigneaux tối hiển danh và tối tôn kính khởi thảo, rồi do J.L. Taberd hoàn tất và công bố”. Còn khi bản Ninh Phú được ấn hành năm 1877 thì nó lại được giới thiệu như sau: “Dictionarium anamitico - latinum, ex opere Ill. et Rev. Taberd constans, necnon ab Ill. et Rev. J.S. Theurel (...) recognitum et notabiliter adauctum”, nghĩa là “Từ điển An Nam - La Tinh, cấu thành từ công trình của Đức Taberd tối hiển danh và tối tôn kính, rồi còn do Đức J.S. Theurel tối hiển danh và tối tôn kính hiệu đính và bổ sung một cách đáng kể”.
Như vậy thì rõ ràng đứng tên bản 1772-1773 là Pierre Pigneaux de Béhaine, bản 1838 là Jean Louis Taberd còn bản 1877 là Joseph Simon Theurel. Và theo cách nói của chính ông thì vua ngoại ngữ Phan Ngọc chỉ có điều kiện dùng quyển 1877 của Theurel để tra cứu chứ không có quyển 1838 của Taberd. Tác giả Hoàng Dũng cũng nhận xét rằng “Phan Ngọc đã sử dụng cuốn 1877, chứ không phải cuốn 1838” (“Đè trong Truyện Kiều nghĩa là gì?”, Ngôn ngữ & Đời sống, số 1-1998, tr.18). Chính việc sử dụng bản 1877 của Theurel mới làm cho Phan Ngọc lầm tưởng rằng tên của Taberd là “Contans” (viết đúng chính tả thì phải là “Constans”) chỉ vì bản này đã được giới thiệu là “ex opere Ill. et Rev. Taberd constans” (cấu thành từ công trình của Đức Taberd tối hiển danh và tối tôn kính), trong đó có từ “constans”. “Constans”, phân từ của động từ “constare” (cấu thành), đã bị vua ngoại ngữ Phan Ngọc, tiếng La Tinh đầy mình, cách cái mạng thành tên của Taberd. Nếu ông dùng bản 1838, mà tên họ của tác giả đã được ghi rõ là “J.L. Taberd” thì ông đã chẳng có điều kiện thực tế nào để đổi tên cúng cơm của Taberd từ Jean Louis thành “Contans”.
Đến bản của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và NXB Văn học 2004 thì tên của Taberd lại bị cách cái mạng một lần nữa, lần này theo một kiểu đặc biệt khác, thành “AJ.L.” Chỉ có Jesus Christ mới biết chữ “A” ở đây là gì vì tên của Taberd là Jean Louis, viết tắt thì chỉ là “J.L.” mà thôi. Hẳn đây là sáng chế của cố vấn tiếng La Tinh, không biết thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học hay Nxb Văn học. Số là nơi trang tên sách của bản 1838 này đã có một câu giới thiệu kỹ càng, trong đó có đoản ngữ “EDITUM A J. L. TABERD”. Đoản ngữ này có nghĩa là “do J.L. Taberd biên soạn” nhưng cố vấn ta, không biết tiếng La Tinh có đầy mình hay không, lại ghép chữ “A” vào chữ “J” phía sau mà đặt tên cho Taberd thành “AJ.L.”.
Thực ra, trong đoản ngữ trên đây, “A” là một giới từ, đâu có dính dáng gì đến tên của Taberd. Huống chi, nếu A là chữ viết tắt từ tên của Taberd thì ngay sau nó phải có dấu chấm [thành A.], như đối với J [thành J.] và với L [thành L.] chứ đâu có thể chỉ là “A” trơn tru! Chúng tôi đã giật mình trước cái sai về văn hóa, chữ nghĩa đáng hổ thẹn này nên đã gọi điên thoại gấp cho đại diện của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học để đề nghị dán bít hoặc tìm cách xóa chữ “A” trơ trẽn đó trước khi cho phát hành rộng rãi quyển từ điển - nghe nói một tổ chức văn hóa bên Mỹ đặt mua đến 100 quyển - nhưng người ta lại thấy đây chỉ là chuyện bình thường, chẳng hề làm xấu mặt giới văn hóa nước nhà trước sự đánh giá của giới văn hóa quốc tế. Đáng kinh ngạc hơn nữa là sau đó, khi một vài quyển sách khác của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học được ấn hành thì ở bìa 4 vẫn thấy giới thiệu tên tác giả quyển từ điển là “AJ. L. Taberd”!
Quyển từ điển của Taberd do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học liên kết ấn hành không chỉ có cái lỗi “hoành tráng” đã nói ở bìa 1. Tại trang ghi nhận cuối sách, nó lại được gọi là “Từ điển annamitico-latinum” với hai chữ “n” sau chữ “a” đầu tiên của từ “annamitico”. Một sự ghi nhận bất nhất như thế này về tên một quyển từ điển danh tiếng thì không thể xem là “Chuyện nhỏ!” trong lĩnh vực văn hóa. Nhưng còn “lớn chuyện” hơn nhiều với “An Nam Đại Quốc Họa Đồ” đính kèm theo sau quyển từ điển của Taberd do Trung tâm này ấn hành. Dưới dòng chữ ghi tên của tấm bản đồ này bằng tiếng La Tinh còn có một dòng phụ (cũng bằng tiếng La Tinh) và dòng phụ này vốn là AB AUCTORE DICTIONARII LATINO-ANAMITICI DISPOSITA, nghĩa là “do tác giả [của] Từ điển La Tinh - An Nam vẽ”. DICTIONARII, với 2 chữ “I” cuối sau chữ “R” ([R]II), là sinh cách (genitivus) của danh từ DICTIONARIUM ( = từ điển), đã bị sửa thành DICTIONARH trên bản đồ do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Nxb Văn học ấn hành! Hai chữ “I” cuối của DICTIONARII đã bị sửa thành chữ “H” một cách thông minh ngoại hạng nên trở thành một chữ ma trong từ vựng của La ngữ. Người ta ngỡ hai chữ “I” (II) là chữ “H” bị mờ nét nên đã phục hồi nó!
Cuối cùng, xin nói thêm với bạn rằng Taberd còn có một cái tên nữa là “Ravier” và tên này là do tác giả Trần Nghĩa đặt ra trong bài “Một bộ từ điển Việt - La Tinh viết tay vào cuối thế kỷ XVIII vừa sưu tầm được”, đăng trên Nghiên cứu Hán Nôm, 1984, tr.127. Nhưng tại sao Trần Nghĩa lại đặt tên cho Taberd là “Ravier”? Số là bên cạnh quyển Dictionarium anamitico - latinum (Từ điển An Nam - La Tinh) của J.S. Theurel ấn hành năm 1877, còn có một quyển từ điển La Tinh - An Nam ấn hành năm 1880, cũng tại Ninh Phú. Đó là quyển Dictionarium latino - annamiticum của M.H. Ravier. Trần Nghĩa đã lấy họ của Marcel-Henri (M.H.) là “Ravier” để đặt tên cho Taberd.
Với những sự thật trên đây thì, để kết thúc, chúng tôi chỉ còn có thể ghi ba chữ “Miễn bình luận” mà thôi!
A.C