Dương Chí Dũng: "Có người gọi điện bảo tôi tránh đi một thời gian"
(PetriTimes) – Trả lời câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tại phiên xét xử về lý do bỏ trốn, bị cáo Dương Chí Dũng nói: “Trước khi bỏ trốn, bị cáo nhận được một cuộc điện thoại nói, hãy tránh đi một thời gian...”.
Có người gọi điện bảo trốn
Sáng ngày 13/12, phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Cổ ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam tiếp tục với phần xét hỏi.
Khi đại diện Viện Kiểm sát nhân dân hỏi bị cáo Dương Chí Dũng về lý do bỏ trốn thì bị cáo này cho rằng: “Trước khi bỏ trốn, bị cáo nhận được một cuộc điện thoại nói, hãy tránh đi một thời gian...”.
Bị cáo Dương Chí Dũng.
Khi hỏi về người gọi điện, bị cáo Dương Chí Dũng nói: Tôi đã khai báo việc này trước cơ quan công an rồi, tôi không muốn khai ở đây. Nếu tòa buộc phải khai thì khai vì việc này nhiều người ở đây chưa biết.
Khi hỏi về khoản tiền để bỏ trốn và trốn đi đâu, bị cáo Dương Chí Dũng nói: không có ai đưa tiền cả mà tiễn bị cáo có sẵn và chỉ biết trốn càng xa Hà Nội càng tốt.
Thế nhưng, tại buổi xét hỏi diễn ra vào chiều ngày 12/12, bị cáo Dương Chí Dũng đã khai với Hội đồng xét xử rằng, khi nhận được thông tin về việc, cơ quan điều tra ra lệnh bắt nên bị cáo hoảng loạn bỏ trốn chứ không phải trốn tránh trách nhiệm.
Ngay sau đó, chủ tọa phiên tòa Ngô Thị Ánh thẩm vấn việc đi nước ngoài của bị cáo là để trốn trách trách nhiệm hay còn lý do gì khác, liệu có móc nối với tổ chức nào để chống phá nhà nước. “Vấn đề đi trốn là tác động từ cú điện thoại, ngoài ra tôi không có mục đích gì khác. Còn nói chống phá nhà nước thì không, tôi mà làm thế thì chống lại bố mẹ mình, bố mẹ vợ và cả lý tưởng của mình. Có cho tôi biệt thự ở New York, Washington (Mỹ) tôi cũng không ở” – bị cáo Dũng khai.
Cũng tại phiên xét xử, Hội đồng xét xử xét hỏi bà Phạm Thị Mai Phương (vợ Dương Chí Dũng) về việc căn nhà ở Nguyên Hồng thế nào?. Bà Phương nói, đây là nhà của tôi mua do một phần tiền của mẹ chồng, mẹ tôi cho. Giờ cơ quan điều tra kê biên. Mọi người khai là tiền mang đến nhà mẹ đẻ tôi và mang đến cho anh ấy ở SG nhưng tiền ở đâu tôi không thấy. Anh ấy về nhà thời điểm đó là con em gái tôi đang đẻ nên nói không có ai là không đúng. Còn tiền anh ấy mua hai căn nhà cho cô Thảo thì đó là tiền của tôi, anh ấy lấy của tôi và tiền của những bạn bè tôi.
Dự án mua ụ nổi có từ rất lâu
Khi được hỏi về quyết định mua ụ nổi 83M, bị cáo Dương Chí Dũng khai nhận, chủ trương xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển có từ năm 2006 khi bị cáo còn là Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam do Hội đồng quản trị đề xuất xuất phát từ nhu cầu của ngành vận tải biển. Sau khi lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, được sự thống nhất của Hội đồng quản trị, dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển ở phía Nam đã được xây dựng với 80% số vốn là của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam. Và số vốn này được vay và sẽ được trả bằng cách huy động vốn từ bên ngoài thông qua việc bán cổ phần.
Về dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu phía Nam được triển khai khi chưa có chấp thuận của Chính phủ, bị cáo Dương Chí Dũng khai, trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới nhận thức được việc làm của mình là sai, còn trước đây thì không hiểu như vậy. Việc quyết định mua ụ nổi 83M, bị cáo nhận tờ trình do Tổng Giám đốc Mai Văn Phúc và thấy đề xuất mua ụ nổi là phù hợp với dự án nhà máy sửa chữa tàu ở phía Nam nên đã chấp thuận.
Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc phủ nhận việc nhận tiền "hoa hồng" trong thương vụ ụ nổi 83M.
Khi chủ tọa phiên xét xử hỏi Dương Chí Dũng về việc có định hướng và chỉ đạo việc mua ụ cũ hay không thì bị cáo này cho biết mình hoàn toàn không định hướng và chỉ đạo bất kỳ ai mua ụ mới hay ụ cũ ?. Câu hỏi này, Dương Chí Dũng cho rằng, việc mua ụ nổi 83M. Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đã thành lập một đoàn khảo sát sang Nga kiểm tra tình trạng ụ nổi. Sau khi đoàn khảo sát từ Nga về cũng qua phòng của bị cáo Dương Chí Dũng để chào và có quà biếu là một chai rượu. Đoàn khảo sát về có báo cáo là ụ nổi đó chỉ hỏng ít và có thể sửa chữa để phù hợp với yêu cầu của Cục Đăng kiểm chứ không có bất cứ báo cáo nào riêng.
Thế nhưng, khi được hỏi tại sao các bị cáo lại quyết định mua ụ nổi ở Nga, bị cáo Dương Chí Dũng cho biết: “Thông qua việc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam mua 2 ụ nổi của Nga trước đó và trên đường lai dắt về Việt Nam đã bị chìm cả nên mới biết sang Nga mua. Sau khi mua ụ nổi về, bị cáo không chỉ đạo gì thêm và cũng không can thiệp vào việc của anh em do mối quan hệ cá nhân với ông Mai Văn Phúc không tốt.
Bị cáo Dũng thừa nhận sai phạm về thủ tục trình tự đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam cũng như việc mua ụ nổi. “Còn tham ô thì bị cáo không” – Dương Chí Dũng trình bày.
Liên quan đến khoản tiền tham ô, bị cáo Mai Văn Phúc, một trong số 4 bị cáo bị truy tố về tội danh này, đã phản bác lời khai của bị cáo Sơn. Theo lời khai của bị cáo Trần Hải Sơn - nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, sau khi Sơn nhận khoản tiền “lại quả” hơn 1,66 triệu USD từ ông Goh Hoon Seow – Giám đốc Công ty AP đã chia cho Phúc 10 tỉ đồng. Theo lời khai của Sơn tại phiên tòa chiều 12/12, Sơn đưa cho Phúc số tiền 10 tỉ chia làm 3 đợt, trong đó lần đưa cuối cùng diễn ra vào dịp gần Tết (âm lịch) của năm 2008.
Tại tòa, bị cáo Phúc nói rằng, việc giao dịch mua ụ nổi 83M được thực hiện từ năm 2006. Giao dịch này liên quan chặt chẽ tới việc Công ty của Nga ký hợp đồng với Công ty AP và phân chia các khoản tiền này. Bị cáo Phúc biện minh thời điểm Phúc bắt đầu giữ chức Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam thì hợp đồng mua ụ nổi đã được thống nhất. Phúc không liên quan đến vụ việc này. Còn việc ai đại diện nhận tiền, bàn bạc ăn chia, bị cáo không biết. Bị cáo Phúc cũng cho rằng, chỉ những người biết hợp đồng, biết khoản tiền thì mới được hưởng lợi.
Theo ghi nhận của PetroTimes ngày xét xử thứ hai (13/12) việc phản ánh về phiên tòa của báo chí đã dễ dàng hơn khi được lực lượng an ninh cho phép mang theo đồ tác nghiệp như máy tính, máy ảnh và ghi âm vào khu xét xử. Mặc dù không được vào trực tiếp phòng xét xử nhưng qua màn hình nối từ phòng xử, mọi người thấy chất lượng âm thanh tốt hơn. Trong ngày xét xử đầu tiên, toàn bộ đồ nghề tác nghiệp của phóng viên phải gửi lại bên ngoài, chỉ được mang theo giấy, bút vào khu xét xử. |
Thiên Minh