Vài sự thật buồn về SEA GAMES
Không chỉ nóng chuyện mặc cả, chia chác huy chương - tinh thần thể thao cao thượng cũng là khái niệm xa vời ở các kỳ Đại hội thể thao các nước Đông Nam Á.
Meghan đã dìu đối thủ về đích để "không ai bỏ cuộc". Những hình ảnh đầy nhân văn, cao thượng như thế này không xuất hiện trong lịch sử hơn nửa thế kỷ tồn tại của SEA Games.
Tôi xin bắt đầu bài viết bằng câu chuyện trong một giải đấu thể thao ở bang Ohio, nước Mỹ năm 2012.
Nhà vô địch nội dung 1.600m Meghan bước vào tranh tài ở nội dung chạy 3200m nữ. 20m cuối cùng là quãng đường tạo kịch tính, gay cấn và bứt phá để về đích thì bỗng dưng Meghan thấy đối thủ của mình là Arden McMath quỵ xuống vì kiệt sức. Thay vì tận dụng cơ hội để vượt lên và về đích, Meghan đã dừng lại, dìu Arden.
Cả 2 cô gái về đích cuối cùng nhưng cả sân vận động phải đứng dậy vỗ tay và ngày hôm sau hình ảnh 2 người tràn ngập trên các phương tiện truyền thông nước Mỹ.
Thể thao Mỹ trong suốt một thời gian dài xem hành động của Meghan là biểu thị đẹp cho tinh thần nhân văn và cao thượng của thể thao. Cô gái này nói rất đơn giản: “Chúng tôi đã cùng nhau về đích, vậy là không ai bỏ cuộc - điều tối kỵ của thể thao”.
Nhìn hình ảnh đẹp trên, hẳn bạn sẽ phải chạnh lòng khi nghĩ về những câu chuyện ăn thua cay cú, xử ép trong sân chơi SEA Games. Những chuyện xử ép hay bức xúc của vận động viên (chỉ tính riêng của VĐV Việt Nam) ghi ra cũng đã mất cả chục trang giấy.
Trước hết, tôi xin nói về cú đá vào… mông trọng tài của vận động viên vật Lê Duy Hợi tại SEA Games năm 2007.
Trận đấu vật giữa Lê Duy Hợi và Kwannai Surachet (Thái Lan) là hình ảnh rõ ràng nhất thể hiện chất “ao làng” của SEA Games. Trong trận đấu, Hợi liên tục tấn công và ghi điểm ngoạn mục - cả sân đấu “chắc mẩm” là tỉ số khoảng 5-0 nghiêng về VĐV Việt Nam.
Ai ngờ, cuối cùng, trọng tài lại công bố điểm đó là của Surachet. VĐV Việt Nam bị xử thua 1-3. Quá ức chế mà không làm gì được, Hợi không chịu đứng lên, ngồi luôn trên sàn để phản đối.
Sau đó, trong một phút nóng nảy, Hợi chạy đến trọng tài và đá vào... mông ông này. Trận đấu đã phải dừng hơn 40 phút để ban tổ chức và đoàn Việt Nam cãi vã nhau ngay trong nhà thi đấu. Cuối cùng thì lôi băng ghi hình ra mổ xẻ, Chủ tịch Liên đoàn Vật châu Á cùng Ban tổ chức đã ngỏ lời xin lỗi đoàn Việt Nam.
Tuy nhiên, kết quả trận đấu thì vẫn “an bài” vì lời khuyên" nên chấp nhận lời xin lỗi vì thành công chung của cả kỳ SEA Games.
Ở bộ môn karatedo, võ sỹ Hoàng Hiệp đã xuất sắc giành quyền vào chơi chung kết. Tuy nhiên, ở trận đấu cuối cùng, võ sĩ của Việt Nam đã không thể cưỡng được… trọng tài, đành ngậm ngùi nhìn tấm HCV lọt vào tay võ sĩ Dharmawan của nước chủ nhà Indonesia.
Khuôn mặt tội nghiệp của võ sỹ Hoàng Hiệp sau khi bị xử thua oan ức.
Tương tự ở SEA Games 23, VĐV vật Phan Đức Thắng chiếm thế thượng phong hoàn toàn và hạ đo ván VĐV nước chủ nhà trong hiệp 1. Hiệp 2, Thắng tiếp tục dẫn với tỷ số đậm 3-0 và chỉ còn cách chiến thắng trong gang tấc. Nhưng ông trọng tài đã đổi trắng thay đen bằng cách xử thua tuyệt đối VĐV Việt Nam sau một miếng đánh hoàn toàn đúng luật. VĐV vật Phan Đức Thắng đã bật khóc nức nở như một đứa trẻ.
Trước đó là SEA Games ở Thái Lan, bộ đôi nữ xạ thủ Đặng Thị Đông và Ngô Ngân Hà đã thi đấu xuất sắc, vượt qua đối thủ chủ nhà Thái Lan để giành HCV với 1 điểm nhiều hơn. Tuy nhiên, sau đó, tổ trọng tài lại tuyên bố Việt Nam chỉ giành HCB với lý do tính thiếu điểm cho VĐV Thái Lan 3 điểm, tính thiếu cho VĐV Việt Nam chỉ có 2 điểm…
2 nữ VĐV Đặng Thị Đông và Ngô Ngân Hà đã khóc hết nước mắt trước tổ trọng tài tráo trở.
Không kỳ SEA Games nào lại không có những giọt nước mắt ấm ức vì sự mất công bằng.
Nước mắt trong thể thao - những giọt nước mắt tiếc nuối vì thất bại hay sung sướng vì chiến thắng - những giọt nước mắt đó được trân trọng như là nỗ lực vươn cao hơn, xa hơn, mạnh hơn, vượt qua giới hạn thể chất của con người.
Thay vì những giọt nước mắt đáng trân trọng đó, SEA Games lại đầy những giọt nước mắt ấm ức.
Đây là tôi chỉ nói chuyện của VĐV Việt Nam, nếu tính cả 9 đoàn VĐV khác, không hiểu nỗi ấm ức còn lớn đến nhường nào. Không kỳ SEA Games nào kết thúc mà không có cả tá những câu chuyện về việc mất công bằng. Công bằng là tiêu chí của thế giới văn minh, sân chơi thể thao là nơi thể hiện ước mơ thượng võ của con người - khi sân chơi SEA Games không còn mang tải được tinh thần thượng võ - cũng có nghĩa là thể thao đã tự kết thúc sứ mệnh của mình.
(Còn tiếp)
H.C.T