Bảo hiểm xe cơ giới là điều kiện phát triển vận tải liên quốc gia
Trong khuôn khổ Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN lần thứ 16 (AIRM16) và Hội nghị hội đồng bảo hiểm ASEAN lần thứ 39 (AIC39) diễn ra từ ngày 4 – 6/12/2013, nhiều nội dung quan trọng liên quan đến hoạt động bảo hiểm đã được đưa ra thảo luận, chia sẻ.
Thông tin từ Bộ Tài chính, theo chương trình làm việc, các Hội nghị diễn ra hàng loạt những cuộc họp kỹ thuật và sự kiện liên quan như: Họp thảo luận chuyên đề nhóm kỹ thuật về chủ đề “Hệ thống cảnh báo sớm, giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ”; Hội đồng các cơ quan quốc gia ASEAN về thực hiện Nghị định thư số 5 về bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới cũng đã nhóm họp lần thứ 14 (COB 14).
Ngoài ra, khối doanh nghiệp cũng đã tổ chức các cuộc họp của Ủy ban giáo dục ASEAN lần thứ 11 (AEIC 11), nhóm chia sẻ nghiên cứu về thảm họa cũng lần thứ 6 (ANDREWS 6) nhằm trao đổi, thảo luận kết quả triển khai và định hướng trong năm tới về hoạt động giáo dục bảo hiểm và nghiên cứu về bảo hiểm thảm họa. Đồng thời, trong ngày 4/12/2013, khối doanh nghiệp cũng đã tiến hành phỏng vấn, bình chọn giải thưởng Lãnh đạo điều hành trẻ ngành bảo hiểm ASEAN (Young ASEAN Insurance Manager Award – YAMA).
Toàn cảnh Hội nghị.
Theo đánh giá của các đại biểu tham dự, hoạt động kinh doanh bảo hiểm với vai trò lá chắn của nền kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, góp phần thúc đẩy và duy trì sự phát triển bền vững của nền kinh tế xã hội nên được cơ quan quản lý nhà nước chú trọng quản lý, giám sát nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, sự an toàn về tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm và sự phát triển lành mạnh, ổn định của thị trường bảo hiểm. Các công cụ cơ bản hỗ trợ cho việc quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm bao gồm hệ thống pháp luật, hệ thống giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ.
Tại mỗi quốc gia, bất kể thị trường bảo hiểm đã phát triển hay đang phát triển, cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm luôn phải sử dụng các công cụ giám sát nêu trên, đồng thời thường xuyên đánh giá, cập nhật, đảm bảo phù hợp với sự phát triển của thị trường đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát. Chính vì vậy, tại Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm lần thứ 16 tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam, trên cơ sở đề xuất của nước chủ nhà và được sự đồng thuận hưởng ứng của các nước thành viên, đại diện cơ quan quản lý bảo hiểm các nước cùng nhau họp nhóm kỹ thuật vào ngày 4/12/2013 để chia sẻ về hệ thống cảnh báo sớm, giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, tại Hội nghị, các nước đã chia sẻ về mô hình vốn và biên khả năng thanh toán đang áp dụng, giới thiệu về hệ thống chỉ tiêu giám sát hoặc hệ thống cảnh báo sớm của nước mình, bao gồm cả các chỉ tiêu định lượng và các tiêu chí định tính, và biện pháp của cơ quan quản lý khi các chỉ tiêu nằm ngoài giới hạn thông thường. Ngoài ra, các nước còn chia sẻ về các cuộc kiểm tra tại chỗ, từ công tác chuẩn bị và quá trình kiểm tra, đồng thời những lưu ý trong quá trình quản lý từ xa và thanh tra, kiểm tra tại chỗ.
Kết quả thảo luận, trao đổi giữa các nước thành viên cho thấy ở các nước có mô hình vốn tối thiểu thì chỉ áp dụng nguyên tắc giám sát trên cơ sở tuân thủ pháp luật; trong khi đó các nước có mô hình vốn trên cơ sở rủi ro sẽ áp dụng giám sát trên cơ sở rủi ro tương ứng.
Cuộc họp cũng tiến hành chia sẻ thông tin về hệ thống các công cụ giám sát từ xa, bao gồm các chỉ tiêu giám sát và cảnh báo sớm. Về cơ bản, các quốc gia đều sử dụng các chỉ tiêu để đánh giá tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, để xem xét các bước quản lý, giám sát phù hợp sau đó. Trên cơ sở phân tích, đánh giá các chỉ tiêu giám sát, phần lớn các quốc gia đều có biện pháp nhắc nhở và can thiệp khi phát hiện các chỉ tiêu nằm ngoài giới hạn.
Đại diện các nước tham dự Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN lần thứ 16 (AIRM16)
Trao đổi cụ thể về vấn đề thực hiện bảo hiểm bắt buộc với xe cơ giới, Bộ Tài chính cho biết: Nghị định thư số 5 về chương trình bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới của ASEAN được các Bộ trưởng Tài chính ASEAN ký ngày 8/4/2001, tại Kuala Lumpur (Malaysia) nhằm thực hiện Hiệp định khung ASEAN về tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá quá cảnh giữa các nước (Hiệp định AFAFGIT). Phạm vi áp dụng của Hiệp định là vận tải quá cảnh và vận tải liên quốc gia áp dụng đối với vận tải hàng hóa.
Căn cứ nội dung Nghị định thư số 5, các nước ASEAN đã thành lập cơ quan quốc gia thực hiện Nghị định thư số 5 (Bộ Tài chính Việt Nam đã thành lập Cơ quan quốc gia Việt Nam thực hiện Nghị định thư số 5 là VINABAI). Hàng năm, Hội đồng các cơ quan quốc gia về bảo hiểm xe cơ giới ASEAN đều tổ chức các Hội nghị nhằm triển khai thực hiện các nội dung cụ thể của Nghị định thư số 5 (Hội nghị COB). Ngay trong ngày 4/12/2013, Hội nghị COB lần thứ 14 (COB 14) cũng đã được tổ chức, đại diện các nước đã thảo luận và thống nhất một số nội dung như sau:
Thứ nhất, đề cử Phó chủ tịch chuyên trách. Theo thông lệ, đại diện nước chủ nhà tổ chức Hội nghị COB sẽ làm Chủ tịch Hội nghị. Tuy nhiên, để đảm bảo tính liên tục, kế thừa và hiệu quả trong việc thực hiện các đề xuất của các Hội nghị COB cũng như theo dõi, cập nhật tình hình triển khai Nghị định thư số 5, các đại biểu đã thống nhất đề cử một Phó chủ tịch chuyên trách. Hội nghị đã nhất trí cử đại diện Thái Lan giữ vị trí Phó chủ tịch Hội nghị COB với nhiệm kỳ 3 năm kể từ năm 2013.
Thứ hai, nghiên cứu đề xuất thành lập nhóm công tác của COB (đại diện của các nhóm pháp lý của các nước ASEAN). Các đại biểu tham dự Hội nghị đã thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định thư số 5 thời gian qua. Hiện tại, 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan và Campuchia đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện bảo hiểm bắt buộc cho xe qua lại biên giới. Lào và Thái Lan đã hoàn thành việc kết nối phần mềm chung và thực hiện bán chéo bảo hiểm cho xe của 2 nước khi đi sang lãnh thổ của nhau. Dự kiến năm 2014, Việt Nam và Campuchia sẽ ký Thỏa thuận hợp tác về việc bán bảo hiểm cho xe qua lại biên giới giữa 2 nước. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện Nghị định thư số 5 là sự khác nhau trong quy định pháp lý về bảo hiểm, giao thông, hải quan v.v... Vì vậy, Hội nghị đề xuất thành lập Nhóm công tác nhằm nghiên cứu việc hài hòa hóa quy định giữa các nước để đẩy nhanh thực hiện Nghị định thư số 5.
Thứ ba, sáng kiến Dự án hỗ trợ hội nhập khu vực ASEAN do EU tài trợ (ARISE - ASEAN regional integration support from the EU). Dự án này hỗ trợ thực hiện các sáng kiến hội nhập khu vực ASEAN với trong 4 năm (2012- 2016). Hiện tại, Dự án đang thực hiện thí điểm tại 3 nước Singapore, Malaysia và Thái Lan trong việc kết nối thủ tục hải quan cho hàng hóa vận chuyển quá cảnh. Trong thời gian tới, Dự án sẽ hỗ trợ các nước ASEAN thực hiện Nghị định thư số 5. Do đó, Hội nghị thống nhất phối hợp với Dự án ARISE thực hiện Nghị định thư số 5.
Thứ tư, các đại biểu cũng đề nghị, để tạo thuận lợi cho xe qua lại biên giới giữa các nước theo Nghị định thư số 5, các nước cần cử đại diện Bộ giao thông vận tải tham gia nhóm làm việc COB ASEAN và tăng cường sự phối hợp giữa các ngành liên quan (hải quan, công an, giao thông v.v...).
Dự kiến Hội nghị COB 15 năm 2014 sẽ được tổ chức tại Brunei.
Thanh Ngọc