Giá sữa sẽ giảm?
Theo đề nghị của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh sữa tại địa phương phải thực hiện rà soát biểu mẫu kê khai và có biện pháp tiết giảm chi phí hạ giá thành sản phẩm, giảm giá bán mặt hàng này.
Trong văn bản được cơ quan quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa phát đi có nội dung yêu cầu Sở Tài chính các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Tài chính về quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Bộ Tài chính yêu cầu các DN và địa phương tìm cách “kìm” giá sữa
Theo đó, công văn yêu cầu khi các Sở Tài chính địa phương tiếp nhận kê khai giá của các DN, phải thực hiện rà soát biểu mẫu kê khai và đề nghị các DN sản xuất, kinh doanh sữa tại địa phương có biện pháp tiết giảm chi phí hạ giá thành sản phẩm, giảm giá bán; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về giá, không điều chỉnh tăng giá khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi.
Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá và thu nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi do vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá theo quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí, lệ phí và hóa đơn; đồng thời, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Trước đó, một số phương tiện truyền thông phản ánh việc Bộ Y tế đưa mặt hàng sữa vào nhóm thực phẩm bổ sung và do đó nó được loại khỏi nhóm hàng hóa cần phải quản lý giá. Vì thế, các DN đã tự ý tăng giá mặt hàng này mà không phải đăng ký với cơ quan chức năng. Nhằm làm rõ những thông tin trên, Thủ tướng đã có yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Y tế có báo cáo.
Hồi tháng 9, Chính phủ giao Bộ Y tế cùng các bộ Tài chính, Công Thương... và các cơ quan có liên quan khẩn trương ban hành danh sách các mặt hàng sữa thuộc sự quản lý của Luật Giá. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính căn cứ danh mục này để thực hiện quản lý giá theo đúng quy định.
Rõ ràng, trên thực tế, giá sữa tại Việt Nam luôn cao ngất ngưởng so với giá trị thật. Để sữa trở về giá trị thật, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng: phải giải quyết bằng các biện pháp kinh tế.
Thứ nhất phải đẩy sản xuất trong nước lên; thứ hai: trong giai đoạn quá độ phải đưa các Tổng Công ty Thương mại có thế lực trở thành Tập đoàn Thương mại lớn nhập sữa về bán. Phải lấy hàng hóa áp đảo hàng hóa, lấy giá cả áp đảo giá cả, lấy hệ thống phân phối áp đảo hệ thống phân phối; thứ ba là nên chọn một vài mặt hàng có giá trị lớn, mặt hàng về nhiều để kiểm tra thật kỹ và có sự phối hợp giữa Hải quan, Biên phòng, Thuế vụ, Quản lý giá và Sở Công Thương; thứ tư là tuyên truyền cho NTD dùng sữa nội; thứ năm là phải làm dài lâu, trường kỳ.
“Làm kinh tế chủ yếu phải làm bằng các biện pháp kinh tế. Khi muốn trấn áp mặt trái của kinh tế phải dùng kinh tế làm là chính”, ông Phú quả quyết.
Thảo Nguyên