Cơ giới hóa khai thác than: Lao động giảm - Năng suất tăng
Cơ giới hóa, hiện đại hóa các mỏ than và khoáng sản là 1 trong 10 chương trình khoa học công nghệ trọng điểm giai đoạn 2011-2015 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Tập đoàn đã có chủ trương phát triển ngành than bền vững theo hướng đổi mới công nghệ, triển khai áp dụng cơ giới hóa các khâu khấu than, chống giữ lò chợ, vận tải và đào lò tại những khu vực điều kiện địa chất cho phép, trong đó cơ giới hóa khai thác và đào chống lò đóng vai trò quan trọng.
Xu hướng tất yếu
Hiện nay, Vinacomin đang tập trung nghiên cứu và phát triển áp dụng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ khấu than trong các lò chợ dài, lò chợ ngắn ở hầu hết các mỏ than hầm lò, với mục tiêu tăng gấp hơn 2 lần năng suất lao động và sản lượng lò chợ đã đạt được hiện nay bằng công nghệ nổ mìn, chống lò bằng các loại giá thủy lực di động trong cùng một điều kiện. Năm 2002, mỏ than Khe Chàm đã sử dụng máy khấu com-bai kết hợp giá thủy lực di động và năm 2005 đưa vào thử nghiệm lò chợ cơ giới hóa đồng bộ sử dụng máy khấu com-bai kết hợp giàn chống tự hành. Năm 2007, Công ty than Vàng Danh đã triển khai áp dụng thử nghiệm công nghệ cơ giới hóa khai thác bằng máy com-bai khấu than và giàn chống tự hành Vina alta. Sau đó, vào năm 2010, công nghệ này được áp dụng tại Công ty than Nam Mẫu. Bên cạnh việc thực hiện cơ giới hóa trong khai thác, thời gian qua, 13 mỏ hầm lò (Mông Dương, Vàng Danh, Dương Huy...) cũng triển khai áp dụng cơ giới hóa đào lò bằng máy com-bai AM-45 và AM-50Z.
TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ (KHCN) mỏ cho rằng, việc khai thác than hầm lò trở thành xu hướng tất yếu bởi lẽ các mỏ than lộ thiên hiện không còn nhiều. Cơ giới hóa trong khai thác than hầm lò sẽ giúp nâng cao năng suất, nâng cao độ an toàn, đồng thời giảm tổn thất tài nguyên trong khai thác than. Việc áp dụng cơ giới hóa trong lò chợ cho phép công nhân làm việc trong điều kiện tốt hơn, ít nặng nhọc hơn do các khâu chính trong quy trình công nghệ được thực hiện bằng thiết bị cơ giới hóa, từ đó giảm số lượng công nhân làm việc trực tiếp tại gương lò chợ. Áp dụng cơ giới hóa, số công nhân sẽ giảm 1,5-2 lần và năng suất lao động tăng 1,5-2,5 lần, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cao hơn hẳn so lò chợ thủ công. TS Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết, với công suất khai thác hiện nay, vào năm 2015 số lao động có thể tăng lên 50.400 công nhân. Ðể hạn chế tăng số lượng công nhân khai thác nhưng vẫn tăng sản lượng than khai thác, nhất thiết phải triển khai áp dụng mạnh mẽ cơ giới hóa trong khai thác và đào lò. Ngoài ra, việc áp dụng cơ giới hóa trong lò chợ cho phép công nhân làm việc trong điều kiện tốt hơn, ít nặng nhọc hơn do các khâu chính trong quy trình công nghệ như tách phá than và chống giữ được thực hiện bằng thiết bị cơ giới hóa, từ đó giảm số lượng công nhân làm việc trực tiếp tại các gương lò chợ.
Bền vững tương lai
Để làm tốt mục tiêu cơ giới hóa trong khai thác than, Vinacomin đang chỉ đạo phát triển áp dụng rộng rãi đồng bộ thiết bị đào lò bằng dàn khoan, máy bốc xúc hoặc máy liên hợp đào lò với đồng bộ dây chuyền vận tải phù hợp để tăng tốc độ đào lò đá trên 100m/tháng. Áp dụng rộng rãi các loại vì neo bê tông cốt thép, neo dẻo cốt thếp, bê tông phun ở các đường lò; giải quyết hiệu quả, an toàn vấn đề vận tải, đổ thải, thoát nước cũng như mối quan hệ khai thác hầm lò - lộ thiên đối với các mỏ lộ thiên xuống sâu và khai thác hầm lò dưới đáy các mỏ lộ thiên.
Theo quy hoạch phát triển ngành than, sản lượng than khai thác sẽ tăng nhanh lên khoảng 64,7 triệu tấn năm 2015 (tương ứng tăng trung bình 6,4%/năm), 74,6 triệu tấn năm 2020 (tăng 25,2% so với năm 2015) và đạt khoảng 82 triệu tấn năm 2025. Trong đó, sản lượng than khai thác hầm lò tăng dần từ 20,4 triệu tấn hiện nay lên 40,6 triệu tấn năm 2015 (tăng trung bình 14,7%/năm giai đoạn 2010-2015) và chiếm hơn 80% tổng sản lượng toàn ngành vào năm 2025. Theo thống kê của Viện KHCN Mỏ, tổng trữ lượng các vỉa than có khả năng cơ giới hóa trong khai thác tương đối lớn, riêng ở khu vực bể than Đông Bắc là 740,839 triệu tấn, chiếm khoảng 13% so với tổng trữ lượng tài nguyên đã xác minh ở bể than này (5.572 triệu tấn).
Muốn thế, việc thực hiện chương trình thiết kế, chế tạo nội địa hóa các sản phẩm cơ khí, chế tạo máy, thiết bị điện, điện tự động hóa là rất cần thiết. Trong đó đẩy mạnh tập trung nghiên cứu, đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ sửa chữa và chế tạo ở các nhà máy cơ khí, đặc biệt ở các khâu kiểm soát chất lượng vật liệu và sản phẩm, khâu đúc, hàn…; đầu tư nghiên cứu thiết kế dây chuyền công nghệ sản xuất chính ở các mỏ lộ thiên, hầm lò. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý và tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ ở các đơn vị trực thuộc.
Trong lộ trình, ngành than thực hiện một số chế độ, chính sách đãi ngộ đối với thợ lò nhằm tạo điều kiện ổn định cuộc sống người lao động, giảm khó khăn về thiếu nguồn công nhân lao động, việc áp dụng lò chợ cơ giới hóa có năng suất lao động cao, tiêu hao nhân công thấp là giải pháp thiết thực, lâu dài và ổn định trong quá trình sản xuất của mỏ.
Hải Hà