Không sợ Trịnh Công Sơn cười sao?
Tôi vẫn còn ấm ức chuyện “Vu Lan” mà tôi cho là ông An Chi chưa trả lời… hết ý chung quanh bài của ông Vương Trung Hiếu.
Bạn đọc: Tôi vẫn còn ấm ức chuyện “Vu Lan” mà tôi cho là ông An Chi chưa trả lời… hết ý chung quanh bài của ông Vương Trung Hiếu. Ông Hiếu viết:
“Ông An Chi bác bỏ ý kiến cho rằng, lễ Vu Lan và lễ cúng cô hồn là một. Theo ông hai lễ cúng này khác nhau, nhưng “được cử hành trong cùng một ngày” (ngày Rằm tháng Bảy). Khi nhận định hai lễ cúng này khác nhau thì ông An Chi đã đúng chuyện đời xưa nhưng lại sai chuyện ngày nay”.
Sau đó, ông Hiếu tiếp tục nêu quan niệm của Đạo giáo và Phật giáo, rồi nêu cả Wikipedia để kết luận:
“Tóm lại, hai lễ này đã được sáp nhập chung tại nước ta từ rất lâu và đã trở thành đại lễ, được tổ chức hằng năm vào ngày Rằm tháng Bảy âm lịch. Do đó, việc tách riêng hai lễ này theo quan điểm của ông An Chi có thể xem là xưa rồi Diễm ơi”.
Xin ông An Chi cho biết quan điểm của ông đã xưa hay là chưa. Trong bài của mình trên Kiến thức Ngày nay số 89 (01/08/1992), ông đã nói rõ ràng trong kết luận: “Trở lên, dù sao cũng chỉ là ý kiến thô thiển của cá nhân. Nó đúng hay sai thì còn phải chờ ở sự thẩm xét của các nhà chuyên môn, trước hết là các nhà Phật học và các nhà Phạn học”. Còn ông Hiếu thì đã làm cho người đọc nhức đầu, hoa mắt với sự triển lãm kiến thức về tiếng Sanskrit:
“Động từ trong tiếng Sanskrit có 10 loại (gaṇas, गण), chia thành 2 nhóm lớn (có nguyên tố chủ âm và không nguyên tố chủ âm). Động từ vô cùng đa dạng với tiền tố, trung tố, hậu tố và cả hiện tượng láy âm. Khá nhiều gốc từ có 3 cấp độ: guna (गुण), vṛddhi (वृद्धि) và zero, trong khi đó nguyên âm của động từ lại thay đổi tùy theo cấp. Còn danh từ thì có rất nhiều biến tố tùy theo giống đực, giống cái hay trung tính hoặc theo số ít, số nhiều hay số kép. Danh từ lại có đến 8 cách: danh cách (प्रथमा), hô cách (आमन्त्रण), đối cách (द्वितीया), công cụ cách (द्रव्यद्वैत hay पञ्चमी), li cách/đoạt cách (अपादान), tặng cách (चतुर्थ), sở hữu cách (षष्ठी hay प्रथमा) và vị trí cách (अधिकरण), ấy là chưa kể đến 5 biến cách của danh từ, sự nhấn giọng và hợp biến âm (संधि) trong lúc nói”, v.v và v.v...
Vậy chắc ông Hiếu cũng là một người Phạn học?
Hai Nổ (TP Vũng Tàu)
Học giả An Chi: Chúng tôi chỉ biết rằng, chép lại những kiến thức về tiếng Sanskrit thì dễ nhưng có hiểu được những điều mình chép hay không thì lại là một chuyện hoàn toàn khác. Sau khi diễn thuyết về tiếng Sanskrit bằng cái đoạn mà chính bạn đã dẫn lại trên đây và một số đoạn khác nữa, ông Hiếu viết tiếp:
“ (…) “ana” không phải là hậu tố chỉ hành động khi kết hợp với “lamb”. Nếu là thành phần độc lập thì ana là danh từ giống đực, có nghĩa là hơi thở hay sự hô hấp. Do ullambana không có thật nên chúng tôi đưa ra một thí dụ khác cũng có hai thành phần giống là lamb लम्ब् và ana अन. Khi hai thành phần này kết hợp sẽ thành “lambana” (लम्बन). Lambana là danh từ có trên 10 nghĩa, trong đó có một nghĩa quan trọng liên quan tới khái niệm chúng ta đang bàn, đó là “sự treo ngược”.
Với cái đoạn trên đây của ông Hiếu thì những ai bập bẹ tiếng Sanskrit cũng thấy được rằng ông không hề hiểu những gì mình đã viết. Vừa mới khẳng định rằng “ana” không phải là hậu tố chỉ hành động khi kết hợp với “lamb” thì ông liền tự phủ nhận mà nói rằng khi hai thành phần “lamb” và “ana” kết hợp với nhau thì sẽ thành “lambana”, mà “lambana” có một nghĩa quan trọng là “sự treo ngược”. Nếu “ana” không phải là hậu tố chỉ hành động thì làm thế nào mà danh từ “lambana” do ông đưa ra lại có thể có nghĩa là “sự treo ngược” (Nhưng sự thực thi chỉ là “treo” trơn tru thôi!)?
Về lễ Vu Lan và lễ cúng cô hồn, sau khi trưng nhiều cứ liệu từ Đạo giáo và Phật giáo, rồi nêu cả Wikipedia, ông Hiếu khẳng định:
“Kể từ đó, lễ Vu Lan kết hợp chung với lễ cúng cô hồn, hành lễ vào ngày 15 tháng 7 âm lịch. Như vậy, có thể nói rằng hai lễ này tuy hai mà một. Chính vì thế mà hiện nay trong Wikipedia Trung văn, người ta nhập chung hai lễ này trong một đề mục và gọi là Trung Nguyên tiết dữ Vu Lan bồn tiết 中元節與盂蘭盆, có nghĩa là «Lễ cúng cô hồn hay lễ Vu Lan bồn»”.
Ông Hiếu chỉ nhớ câu “Mình với ta tuy hai mà một” nhưng lại quên bẵng câu “Ta với mình tuy một mà hai”. Xin nêu một thí dụ đơn giản và sơ đẳng cho ông dễ thấy được vấn đề. A có hai người bạn là B và C có sinh nhật trong cùng một tháng mà cũng gần ngày với nhau. Thế là A bèn chọn một ngày giữa hai ngày sinh kia để đãi mừng sinh nhật bạn cùng một lúc. B và C vui vẻ nhận lời. Không biết đối với ông Hiếu thì ngày sinh của B và C chỉ là một hay đó vẫn là hai ngày khác nhau? Ông còn dịch sai cái nhan đề của Wikipedia từ [中元節與盂蘭盆] (Trung nguyên tiết dữ Vu Lan bồn) thành “Lễ cúng cô hồn hay lễ Vu Lan bồn”. Thực ra, chữ “dữ”[與] trong cái nhan đề này chỉ có nghĩa là “và/với” chứ không hề có nghĩa là “hay/hoặc” và nhan đề này chỉ có nghĩa là “Lễ cúng cô hồn và lễ Vu Lan bồn”. Chữ “hay” mà ông Hiếu dùng để dịch (thay cho “và”) chỉ là biểu hiện của một sự xuyên tạc để phục vụ cho cái ý “tuy hai mà một” của ông mà thôi.
Ông Hiếu say mê với việc dùng Wikipedia tiếng Tàu để củng cố chuyện “tuy hai mà một” của mình nên không ngờ rằng chính Wikipedia cũng đã góp phần phản bác ông. Vậy xin dẫn nguồn này - nghe nói ở một số nước, học sinh không được dẫn báchkhoa thư mở Wikipedia - mục “Cúng cô hồn” (tính đến ngày 23-11-2013) để cho ông thấy rõ vấn đề hơn:
“Có những gia đình làm kinh doanh, họ cúng cô hồn nhiều lần trong năm, thường vào các ngày 2 và 16 âm lịch mỗi tháng. Trong các dịp cúng giỗ, ngoài cúng vái tổ tiên, người ta còn làm một mâm cỗ để cúng cô hồn. Dịp cúng cô hồn lớn nhất là ngày Rằm tháng Bảy, trùng với lễ Vu Lan của Phật giáo. Một số người tin rằng việc cúng cô hồn bắt nguồn từ ngày lễ Vu Lan này”.
Đấy, Wikipedia của ông Hiếu đấy. Mà chẳng cần đến Wikipedia thì bàn dân thiên hạ vẫn thừa biết rằng ở trong Nam, cúng cô hồn là một tục lệ có thể được thực hiện bất cứ vào ngày nào trong năm, nhưng thường là vào mồng 2 hoặc 16 hằng tháng, đặc biêt tập trung thành một lễ lớn vào ngày rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm. Chẳng cần nói chi cho xa, chỉ xin lấy thí dụ lúc qua đường. Trên đường đi, có khi ta thấy chủ xe hàng hoặc tài xế bày mâm cúng ở đầu xe; đó là cúng cô hồn, chắc là do đã hoặc suýt gặp tai nạn giao thông trước đó. Vậy đã là cúng cô hồn thì nói chung là không hẹn ngày. Ông Hiếu khẳng định lễ cúng cô hồn và lễ Vu Lan chỉ là một nhưng chúng tôi sợ rằng dân chúng lương thiện không ai lại chấp nhận đồng hóa cha mẹ, ông bà và tổ tiên đã mất của mình với… cô hồn không nơi nương tựa, chẳng ai thờ cúng. Thế nhưng ông vẫn kiên quyết kết luận:
“Tóm lại, hai lễ này đã được sáp nhập (sic) chung tại nước ta từ rất lâu và đã trở thành đại lễ, được tổ chức hằng năm vào ngày Rằm tháng Bảy âm lịch. Do đó, việc tách riêng hai lễ này theo quan điểm của ông An Chi có thể xem là xưa rồi Diễm ơi”.
Ông Hiếu nói như thế mà không sợ dưới suối vàng, Trịnh Công Sơn cười mình vận dụng tên bản nhạc “Diễm xưa” của Trịnh không đúng chỗ hay sao?
A.C