Quản lý tài nguyên khoáng sản: Yếu và thiếu minh bạch
Việc quản lý tài nguyên khoáng sản (TNKS) ở Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập do cấp phép tràn lan, quản lý chồng chéo khiến tài nguyên cạn dần, nguy hại hơn là sự tàn phá môi trường hết sức nghiêm trọng. Vì vậy, để việc quản lý TNKS tốt hơn, sử dụng tốt hơn, hiệu quả hơn, tăng nguồn thu, giảm thất thoát cho ngân sách quốc gia… là những yêu cầu bức thiết đang đặt ra hiện nay.
Năng lượng Mới số 278
Quản lý chồng chéo, lãng phí tài nguyên
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) hiện cả nước có khoảng 5.000 mỏ, điểm quặng với trên 60 loại khoáng sản. Một số loại khoáng sản có tiềm năng đủ để khai thác, chế biến quy mô công nghiệp với thời gian lâu dài như: bauxit, titan-zircon, đất hiếm, than, apatit, đá hoa trắng, cát trắng, đá vôi làm nguyên liệu xi măng, nước khoáng - nước nóng. Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nêu rõ, từ năm 2000 đến nay, ngành khai khoáng đóng góp vào khoảng 11% tổng GDP quốc gia và gần 25% thu ngân sách hằng năm của Nhà nước. Ngành khai khoáng cũng đã tạo được nhiều việc làm, thu hút hơn 430.000 lao động.
Từ những báo cáo thực tế từ cuộc Hội thảo mang tên gọi “Quản trị khoáng sản: Việt Nam đang ở đâu?” với sự tham dự của nhiều chuyên gia trong nước mới thấy rằng, TNKS nước ta đang tồn tại rất nhiều bất cập. Đó là, khai thác và xuất khẩu thô tài nguyên vẫn là tình trạng phổ biến, hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, tỷ lệ thất thoát cao và để lại nhiều hậu quả đối với môi trường và xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến những yếu kém đó là do sự thiếu minh bạch trong quá trình quản lý, cấp phép, khai thác và sử dụng TNKS như nhiều báo cáo và nghiên cứu đã chỉ ra.
Khai thác vàng trái phép ở Sơn La
Tính đến tháng 5/2013, cả nước có 79 giấy phép thăm dò khoáng sản do Bộ TN&MT cấp; 503 giấy phép khai thác khoáng sản do các cơ quan Trung ương cấp còn đang hoạt động, chưa kể 4.200 giấy phép do UBND các tỉnh, thành cấp đang có hiệu lực. Tuy nhiên, số lượng giấy phép được cấp nhiều như vậy nhưng chỉ khoảng 30-40% số doanh nghiệp (DN), tổ chức và cá nhân khai thác khoáng sản báo cáo định kỳ, song ngay cả thông tin trong báo cáo cũng chưa đầy đủ, chưa chính xác. Bởi vậy, Nhà nước không kiểm soát được sản lượng khai thác thực tế của DN, đồng nghĩa với việc không nắm được thực trạng tài nguyên khoáng sản, nguồn lực phát triển đất nước.
Thực tế cho thấy, công tác quản lý về tài nguyên khoáng sản hiện nay còn rất yếu. Với tình trạng quản lý chồng chéo như hiện nay, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an Lê Văn Cương cho rằng, nên thống nhất việc quản lý TNKS về một mối. “Việc gì cũng cần một đầu mối, một cơ quan và người đứng đầu phải có trách nhiệm. Việc quản lý này phải giao cho Bộ TN&MT”, ông Cương nói. Theo đó, khi đã gắn trách nhiệm phải giao đủ quyền cho họ và dứt khoát phải tạo điều kiện để tập thể, cá nhân đó thực hiện, nếu làm không tốt thì sẽ xử lý nghiêm.
Số lượng giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đang khá lớn, nhưng lực lượng, kinh phí cho công tác thanh tra, kiểm tra của Trung ương cũng như địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, trung bình 2 năm mới thanh tra, kiểm tra định kỳ một lần nên hoạt động khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương.
Thực tế này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu chỉ số quản trị tài nguyên tại 58 quốc gia do Viện Giám sát nguồn thu quốc tế (Mỹ) thực hiện và công bố. Theo đó, với 41 điểm trên thang điểm 100, Việt Nam xếp thứ 43, thuộc nhóm yếu kém về quản trị tài nguyên. Một số tiêu chuẩn khác, như công khai thông tin (Việt Nam xếp thứ 40), đặc biệt là tiêu chuẩn về năng lực kiểm tra, giám sát (xếp thứ 50), đứng gần cuối bảng.
Cần những giải pháp đột phá
Theo ông Lại Hồng Thanh - Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản, mục tiêu chung của quản lý khoáng sản là tổ chức bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả khoáng sản phục vụ nhu cầu của các ngành kinh tế. Mục tiêu cụ thể là nắm chắc, đầy đủ thông tin về khoáng sản (chất lượng, trữ lượng, sản lượng…) trong khai thác để thu đúng, thu đủ các loại thuế, phí, lệ phí theo quy định và để phân chia hài hòa lợi ích thu được từ khoáng sản. Đây cũng chính là yêu cầu của quản trị tài nguyên khoáng sản.
Tuy nhiên, kết quả công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản thời gian qua cho thấy, công tác này còn một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 với nhiều quy định mới trong cấp phép hoạt động khoáng sản nhằm tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về khoáng sản, tuy nhiên công tác ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm. Công tác lập, phê duyệt quy hoạch khoáng sản; công tác thẩm định, cấp phép hoạt động khoáng sản; thanh tra kiểm tra... cũng còn nhiều bất cập.
Vấn đề lớn nhất hiện nay là sau 14 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 1996, công tác quản lý khoáng sản vẫn còn nhiều tồn tại. Số lượng các mỏ khoáng sản, số lượng các doanh nghiệp tham gia hoạt động khoáng sản tăng nhanh, nhưng không có chiều sâu; doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư công nghệ, thiết bị để thu hồi tối đa, sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản, tổn thất khoáng sản còn lớn, sản lượng khoáng sản khai thác thực tế hàng năm khó kiểm soát… Do đó, cần phải có những giải pháp mang tính đột phá để khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong quản lý khoáng sản thời gian qua. Việt Nam cần sớm nghiên cứu lộ trình tham gia “sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng”, học hỏi kinh nghiệm quản trị TNKS của các nước trên thế giới và khu vực nhằm quản trị tốt hơn TNKS đất nước trong thời gian tới.
Nguyễn Kiên