Hình vị và nghĩa của từ AVALAMBANA
Bạn đọc: Trên PetroTimes, bàn về danh từ Sanskrit “avalambana”, ông An Chi đã viết về ông Vương Trung Hiếu nguyên văn như sau: “Ông Hiếu bàn chuyện liên quan đến ngữ học nhưng ngay đến một khái niệm ngữ học cơ bản là “hình vị” ông cũng không nắm vững: Ông đã nhầm lẫn về cả số lượng hình vị lẫn ranh giới của hình vị. Từ “avalambana” chỉ có 3 hình vị mà thôi và đó là ava, lamb và ana”. Ông chỉ viết gọn lỏn như vậy mà không phân tích. Xin mạn phép hỏi: Đây là kết quả một sự bộc phát của ông trong khi viết hay đó là sự thật? Chín Hay Lo Xa (đường Nguyễn Văn Đậu, P.11, Q.Bình Thạnh, TP HCM)
Học giả An Chi: Chúng tôi còn sợ ông Vương Trung Hiếu không nắm được “âm tiết” là gì nữa ấy chứ! Xin nhắc lại nguyên văn của ông ấy trong bài “Tìm hiểu thuật ngữ Vu Lan bồn” thuộc phần “Ngôn ngữ” của vanchuongviet.org ngày 28/02/2012:
“Theo chúng tôi (ông Hiếu - AC), từ có khả năng nhất để phiên âm thành Ô lam bà nã 乌 蓝 婆 拿 và Ô lam bà noa 烏藍婆拏 chính là avalambana (अवलम्बन), một danh từ có nghĩa là “sự treo ngược” và cũng có bốn hình vị (ava-lam-ba-na) tương ứng với bốn chữ Ô lam bà nã hay Ô lam bà noa. Trong The Concise Oxford Dictionary of World Religions (1997) của John Bowker và những từ điển tiếng Phạn mà chúng tôi tham khảo đều ghi nhận avalambana có nghĩa là sự treo ngược”.
Cứ theo kiểu ông Hiếu “tháo rời” danh từ Sanskrit “avalambana” thành 4 đơn vị là “ava”, “lam”, “ba” và “na” thì ta không thể cấp cho chúng một cái tên chung nào được biết đến trong ngữ học đại cương. Nếu là âm tiết, gọi một cách bình dân là “tiếng”, thì “avalambana” có đến 5 tiếng: a - va - lam - ba - na. Âm tiết là đơn vị phát âm ngắn nhất trong chuỗi lời nói . Cái được ông Hiếu “tháo” ra thành “ava” thì có hai âm tiết là “a” và “va” cho nên cái tên “âm tiết” (tiếng) không thích hợp để gọi “ava”. Còn nếu gọi “ava” là “hình vị” - đây đúng là một hình vị - thì “lam”, “ba” và “na” chỉ là những âm tiết vô nghĩa chứ không phải là hình vị vì hình vị là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa. Cho nên cả “âm tiết” lẫn “hình vị” đều không thể là cái tên chung cho 4 thứ phụ tùng mà ông Hiếu đã tháo rời. Như chúng tôi đã nói trên PetroTimes, từ “avalambana” chỉ có 3 hình vị mà thôi và đó là “ava”, “lamb” và “ana”. “Ava” là một tiền động từ chỉ hướng từ trên xuống dưới; LAMB là căn tố chỉ nghĩa “treo”, còn “ana” là hậu tố chỉ hành động do tiền động từ và căn tố biểu hiện. Ông Hiếu đã tháo “b” của LAMB mà ráp với “a”, bị tháo ra từ “ana”, để tạo nên cái âm tiết “ba” mà ông gọi là “hình vị” nên đã phá vỡ hai hình vị đích thực là LAMB và “ana”.
Liền sau đó, ông còn viết tiếp:
“Trong The Concise Oxford Dictionary of World Religions (1997) của John Bowker và những từ điển tiếng Phạn mà chúng tôi tham khảo đều ghi nhận avalambana có nghĩa là sự treo ngược”.
Thực ra, “avalambana” chỉ đơn giản có nghĩa là “sự treo lên”, bất kể treo “thuận” từ đầu đến chân hoặc treo “ngược” từ chân đến đầu, và bất kể là treo con gì hay vật chi. Dictionnaire sanskrit-franais của N. Stchoupak, L. Nitti, L. Renou (Paris, 1932) thậm chí còn không cấp cái nghĩa “treo” cho danh từ “avalambana” mà chỉ ghi cho nó những nghĩa “fait de s’appuyer sur; support, point d’appui; arrêt, séjour” (sự dựa [tựa] vào; điểm tựa, giá đỡ [vật đỡ]; sự dừng lại, nơi ở lại). A Sanskrit English Dictionary của M. Monier - Williams (Reprint: Delhi, 1999) thì cho: “hanging on, clinging to; leaning against; hanging down (…)” (sự dựa vào, sự bám lấy; sự chống vào; sự rủ xuống). Các nguồn khác nhau trên mạng cũng đều dịch như thế. Chủ yếu là “hanging down”, nghĩa là sự rủ xuống. Còn thảng hoặc có chỗ dịch thành “hanging upside down”, tức “treo ngược” thì đó chẳng qua chỉ là suy diễn, gán ghép cho hợp tuồng, hợp tích mà thôi.
A.C