Chủ tịch Quốc hội:
Không thể “vẫn đang làm” mãi được!
Kết luận phiên chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu như vậy khi vấn đề sắp xếp, bố trí cuộc sống mới cho bà con di dân phục vụ xây dựng thủy điện vẫn chưa hoàn tất dù nhiều nhà máy đã phát điện và kỳ họp nào đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng chất vấn các tư lệnh ngành…
“Một đại biểu miền núi đã từng phát biểu rằng, cách đây 3 kỳ họp Bộ trưởng từng hứa sớm sắp xếp, bố trí cuộc sống mới cho bà con di dân phục vụ thủy điện. Tuy nhiên, đến nay công tác đó vẫn chưa được thực hiện rốt ráo, dù kỳ nào cũng chất vấn. Ví dụ như đường điện, nước sạch vẫn không thể đến được người dân. Người dân nằm giữa 2 thủy điện lớn nhất Đông Nam Á (Thủy điện Sơn La và Thủy điện Lai Châu) mà chưa có… điện các đồng chí ạ!” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề.
“Hôm qua, ĐBQH chất vấn hai Bộ trưởng Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì Bộ trưởng nông nghiệp nói vẫn… đang làm. 3 kỳ rồi vẫn đang làm, như vậy thì lâu quá. Nhân đây tôi đề nghị hai Bộ trưởng xem xét lại công tác trên để sớm ổn định người dân, đặc biệt là kiến nghị lên Thủ tướng để sớm ra Nghị quyết riêng về vấn đề này”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Chủ tịch Quốc hội cũng tiếp tục chỉ ra một loạt công việc ngành nông nghiệp cần phải làm ngay trong thời gian tới: “Các đồng chí phải nghiên cứu đầu tư cho nông nghiệp, năm sau phải cao hơn năm trước 15-20% mới mong đến 2020 nông nghiệp tăng trưởng gấp đôi hiện nay. Chúng ta hiểu về tam nông dựa trên thực tiễn, theo từng vấn đề, bởi nơi đây đang có tới 73% nhân dân sinh sống. Nhiều vấn đề được Bộ trưởng giải đáp cụ thể, nhưng rốt cục lãi vẫn… cần-phải-nghiên-cứu-sâu hơn để đưa ra giải pháp căn cơ!?”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, để cải cách nông nghiệp toàn diện, từ trồng trọt, chăn nuôi đến nuôi trồng thủy hải sản, lâm nghiệp, ngành nông nghiệp cần phải xây dựng cho bằng được chuỗi sản phẩm quốc gia tái cơ cấu từ sản xuất ngay trên cánh đồng, đến chế biến rồi khâu cuối (tiêu thụ, thị trường) làm lợi cho người nông dân.
Chủ tịch Quốc hội cảm thông với người nông dân, quanh năm vất vả, lam lũ mà thu nhập chẳng được bao nhiêu, đồng thời đề nghị đến 2014, ngành nông nghiệp phải báo cáo lại trước Quốc hội bước đầu quá trình tái cơ cấu tổng thể.
Riêng với vấn đề hồ thủy lợi, hồ đập đang vào thời kỳ xuống cấp, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý. Về trách nhiệm, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ, trách nhiệm trước tiên thuộc về Chủ tịch UBND các tỉnh, sau đó mới là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trước đó, lý giải về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát đưa ra thông tin nước ta hiện có 6.800 hồ, trong đó có khoảng 1.200 hồ xuống cấp cần phải được tu bổ, nâng cấp, sửa chữa. Năm nay có 317 hồ là hư hỏng, vừa qua Chính phủ đã bỏ ra hơn 500 tỷ hỗ trợ cho các địa phương để sửa được hơn 90 hồ, nhưng vẫn còn hơn 200 hồ nữa.
“Chúng tôi đã hướng dẫn các địa phương, trong mỗi trận bão chúng tôi có thông báo rất cụ thể cho từng địa phương là hồ nào của các đồng chí nguy hiểm, đề nghị cử người đến đấy gác và nguy hiểm thì phải có biện pháp xử lý ngay, đặc biệt phải có cảnh báo cho nhân dân để đề phòng. Nhưng rõ ràng chúng tôi thấy về lâu dài phải tăng cường quản lý.
Thủ tướng Chính phủ đã giao và chúng tôi đang cùng với các Bộ sửa đổi nghị định về quản lý an toàn hồ, đập để làm chặt chẽ hơn và thực hiện chặt chẽ hơn những quy định có liên quan. Mặt khác, chúng tôi cũng đề nghị với Quốc hội quan tâm dành một phần kinh phí như năm nay chúng tôi cần khoảng 3.000 tỷ đồng để sửa chữa hơn 200 hồ cho các địa phương sửa chữa” – Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Nghe ý kiến của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: "Con số 1.200 cái đập có thể Bộ trưởng cần suy nghĩ thêm xem liệu nó có vỡ không? Phải bảo đảm không được vỡ, nếu vỡ thì gay. Nếu chưa có tiền thì phải tìm cách báo cáo Chính phủ, Quốc hội để tính. Nếu Bộ trưởng nói như vậy phải sửa mà không sửa thì rất nguy hiểm, phải tính thêm".
Tiếp tục đề cập đến vấn đề hồ đập khi tổng kết phần chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng và UBND các tỉnh khẩn trương báo cáo ngay với Thủ tướng Chính phủ xem trong 1200 đập đó cái nào an toàn, cái nào không an toàn để gia cố, đầu tư với tinh thần đảm bảo an toàn.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, khi làm ra những con đập này ta đã tính toán đến độ an toàn, kể cả khi xảy ra động đất, giờ nó xuống cấp phải rà soát lại. Đối với hồ thủy điện sẽ do Bộ Công Thương phụ trách, còn hồ thủy lợi thì do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với UBND các địa phương rà soát.
Lê Tùng