“Bảng tương tác” có thay thế bảng đen, phấn trắng?
(Petrotimes) - Có lẽ trong 5 đến 7 năm nữa thì nhiều học sinh ở các thành phố lớn sẽ không còn biết bảng đen- phấn trắng là gì. Những bài hát về bụi phấn cũng tự nó không thể tồn tại vì giờ là thời của “bảng tương tác”, “bảng thông minh”. Nhưng liệu rằng những chiếc bảng kỹ thuật số này có thể hoàn toàn thay thế bảng đen – phấn trắng?
Nói thế nhưng cũng không dễ dàng gì vì những trường ở vùng sâu vùng xa của nước ta, tấm bảng đen – phấn trắng vẫn hiện hữu. Nhiều ngôi trường cột xiêu – vách nứt, có một tấm bảng cho ra ngô ra khoai để viết ngay hàng thẳng lối đã là mừng. Thế nhưng, trường học ở các thành phố giờ đã khác nhiều, bảng tương tác, bảng thông minh đang thay thế cho bảng đen- phấn trắng.
Còn nhớ, cách đây trên 10 năm, Công ty Sách - thiết bị trường học sản xuất bảng làm bằng nhôm, sơn tĩnh điện và theo đề nghị của Sở Giáo dục – Đào tạo phải có kẻ ô li giúp giáo viên tiểu học viết đẹp và thẳng hàng. Đặc biệt, tấm bảng có thêm chức năng chống lóa, học sinh ngồi hướng nào cũng nhìn thấy rõ ràng. Ngày đó, những trường mới xây được trang bị tấm bảng mới, thầy trò vui, phụ huynh mừng vì không còn phải xin đổi chỗ ngồi cho con do bị chói ánh sáng mặt trời không đọc được chữ trên bảng.
Bảng tương tác sẽ dần thay bảng đen - phấn trắng (Ảnh minh họa)
Nắm bắt tâm lý này, một số trường học vận động phụ huynh và xã hội để thay tấm bảng đen cũ. Đến năm 2000 thay sách giáo khoa, một công ty Hàn Quốc tặng bảng nhôm chống lóa cho tất cả trường tiểu học trên toàn quốc. Hiện nay, chiếc bảng này được cải tiến rất nhiều. Tại Hàn Quốc, tấm bảng có ba lớp lùa, tấm bảng thông minh (tương tác) nằm trong các lớp bảng lùa để khi cần thì sử dụng.
Còn ở các trường tiểu học của nhiều nước như Đức, Tây Ban Nha, Úc, Singapore, Anh… chiếc bảng thông minh mà ở ta gọi là tương tác được treo bên cạnh tấm bảng lớp, hay ở trong một góc của lớp học như một phương tiện dạy học. Khi cần, giáo viên sẽ đem ra sử dụng với nội dung được cài đặt với nội dung phải phù hợp chương trình giảng dạy nhằm đạt hiệu quả giáo dục cao nhất mà phương tiện truyền thống không thể hiện được.
Ở ta, trong mấy năm trở lại đây rộ lên câu chuyện bảng tương tác, bảng thông minh, lớp học tương tác, lớp học thông minh… Riêng trong năm học 2012-2013, tại TPHCM có 5 trường tiểu học là Lê Ngọc Hân (quận 1), trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (quận 3), trường tiểu học Trần Bình Trọng (quận 5), trường tiểu học Dương Minh Châu (quận 10) và trường tiểu học Bành Văn Trân (quận Tân Bình) được chọn nhận sản phẩm tài trợ từ một đơn vị cung cấp. Bảng tương tác, laptop, máy chiếu, thiết bị kiểm tra trắc nghiệm, phần mềm soạn giáo án và giảng dạy, bộ giáo án mẫu của khối lớp 1 (giáo viên có thể chỉnh sửa được), bộ tài nguyên với hơn 20.000 hình ảnh, âm thanh và video để áp dụng trong việc soạn và và giảng dạy của giáo viên, hệ thống loa và các phụ kiện kèm theo giải pháp.
Khi những tấm bảng thông minh đi vào các trường tiểu học, học sinh được học bằng phương tiện mới, tương tác trên mặt bảng điện tử và đem lại hiệu ứng tức thời về kết quả đúng - sai cũng như số liệu, hình ảnh phong phú, màu sắc đẹp giúp bài học dễ hiểu, dễ thực hành. Học sinh say mê, cha mẹ dự giờ học với con cũng tỏ ra thích thú và lan đến các bậc cha mẹ lớp khác, cùng rủ nhau đóng góp để lớp của con mình cũng được có tấm bảng thông minh.
Mô hình bảng tương tác trong lớp học
Tuy nhiên, giá cho bảng tương tác và lớp học tương tác không hề rẻ chút nào, lên đến gần 150 triệu 1 bộ.
Cô giáo Đào Thị Minh Xuân ở trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (quận 3), người trực tiếp đứng lớp giảng dạy các em thì cho rằng thiết bị thiết kế có thẩm mỹ, trắc nghiệm hay, giáo án biên soạn công phu, thư viện hình ảnh phong phú tuy nhiên bút điện tử viết trên bảng tương tác trơn nên khó viết, do đó chữ khó đẹp, trong khi các em đang độ tuổi tập viết thì cần viết đúng, viết đẹp...
Ông Nguyễn Hoài Chương – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng: “Công nghệ thông tin hay lớp học tương tác chỉ là một công cụ, quan trọng nhất là giáo viên đứng lớp phải biết sử dụng một cách... thông minh nếu sử dụng không khéo thì dễ biến một tiết dạy thành ngôn ngữ kỹ thuật máy móc thì rất nguy hiểm. Do đó, trong một lớp học, thành công hay không là sự tương tác giữa giáo viên và học sinh chứ không phải là sự tương tác giữa học sinh và chương trình phần mềm…”
Sau vài năm triển khai thì đến thời điểm này vẫn chưa có công trình nghiên cứu, khảo sát về hiệu quả giáo dục đem lại cho học sinh đến đâu khi dạy tiếng Anh và các môn học khác bằng bảng tương tác. Đây cũng là nỗi lo của các hiệu trưởng khi nhận bảng tương tác: dạy nội dung gì, bài nào, dạy thế nào, kết quả mong đợi ra sao?... Thiết nghĩ, ngành giáo dục cần hướng dẫn, triển khai với mục tiêu, yêu cầu cụ thể để các trường thông báo, giải thích và trả lời thỏa đáng các thắc mắc của phụ huynh học sinh, từ đó dẫn tới sự đồng thuận và sẵn sàng đóng góp với ngân sách nhà nước trang bị bảng tương tác.
Và phải tính toán sao cho hợp lí để “bảng tương tác” không đè thêm gánh nặng đóng góp của các bậc phụ huynh trong thời buổi còn quá nhiều khó khăn về kinh tế như hiện nay. Nên chăng, bảng tương tác chỉ là phương tiện giảng dạy bổ trợ bên cạnh chiếc bảng đen – phấn trắng truyền thống để những giờ học thật sự là quá trình trao đổi, tương tác giữa giáo viên và học sinh như lâu nay?!
Nguyệt Anh