Cuộc chiến với tội phạm công nghệ cao
Kinh doanh trên Internet có thể mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp cũng như thuận lợi cho khách hàng, tuy nhiên, đi kèm với nó là không ít nguy cơ như lừa đảo quốc tế, gian lận thẻ tín dụng, rửa tiền bằng thẻ tín dụng...
Mấy năm gần đây, hoạt động thương mại điện tử ở nước ta khá phát triển, đặc biệt là các giao dịch thương mại và tài chính được thực hiện thông qua các phưng tiện như trao đổi dữ liệu điện tử, chuyển tiền điện tử và các hoạt động gửi, rút tiền bằng thẻ ngân hàng... Tuy nhiên, song hành cùng với sự phát triển của hoạt động này, loại hình tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng và thanh toán điện tử cũng có những diễn biến hết sức phức tạp.
Việt Nam được nhận định là "mảnh đất màu mỡ" của các loại tội phạm công nghệ cao.
Một thống kê của Hiệp hội Tiêu dùng quốc gia và Hiệp hội An ninh mang của Hoa Kỳ cho thấy, cứ 10 người tiêu dùng mua hàng trên mạng thì có 1 người trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến.
Còn ở Việt Nam - một trong những thị trường thẻ thanh toán quy mô tuy nhỏ nhưng lại được đánh giá là năng động hàng đầu thế giới, với mức tăng trưởng khoảng 18,5%, giới chuyên gia đánh giá: Việt Nam là nước có quy mô dân số trẻ, cùng với sự phát triển của công nghệ và xu hướng thương mại điện tử ngày càng thịnh hành chính là những yếu tố khiến thị trường thẻ thanh toán ở Việt Nam, cả thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ phát triển nhanh.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo: Dịch vụ thanh toán bằng thẻ, thương mại điện tử... do các ngân hàng cung cấp hiện vẫn còn nhiều sơ hở trong việc bảo đảm an ninh, bảo mật thông tin, quản lý nhân viên, quy trình hoạt động...
Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao (C50), trong 2 năm 2011 và 2012, đã phát hiện hơn 10 vụ trộm cắp qua thẻ tín dụng. Thủ đoạn của những đối tượng này là dùng thông tin thẻ tín dụng trộm cắp được sao thành các phiên bản thẻ giả, cùng hộ chiếu giả để mua sắm những mặt hàng giá trị cao ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... nhằm chiếm đoạt nhiều tỉ đồng.
Gần đây nhất, công an Thanh Hóa vừa phối hợp với cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) tiến hành khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Đinh Xuân Lợi (32 tuổi, trú tại phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa). Đinh Xuân Lợi cũng bị khởi tố để điều tra về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn của Lợi và đồng phạm là dùng CMND giả, sau đó đến các đại lý yêu cầu nhân viên nhà mạng thay đổi thông tin thuê bao rồi thực hiện hành vi "cướp sim". Có trong tay số điện thoại di động, chúng dùng mã số thẻ ngân hàng (OTP) của chủ thuê bao rồi thực hiện các giao dịch mua hàng qua mạng Internet. Ngày 10/5/2013, Lợi cùng đồng phạm đã chiếm đoạt 30 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của anh Đặng Thanh Hải (ở quận 6, TP Hồ Chí Minh). 5 ngày sau, nhóm này tiếp tục chiếm đoạt gần 75 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng của anh Vũ Minh Nhật (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội)...
Theo đánh giá của C50, việc mua, bán trên mạng chủ yếu dựa vào lòng tin nên rất dễ xảy ra chuyện lừa đảo, thanh toán bằng thẻ tín dụng trọm cắp... Cơ quan này cũng cho rằng, quản trị mạng chỉ có thể kiểm soát mua – bán hàng cấm, hàng nhạy cảm chứ không thể kiểm soát được các hành vi lừa đảo.
Cũng theo C50 thì các vụ trộm cắp tiền từ thẻ tín dụng có một số đặc điểm như: Người bị hại không phát hiện ngay khi bị mất tiền trong tài khoản; hàng hoá mua bằng thẻ tín dụng bị trộm cắp thường được chuyển qua người trung gian trước khi chuyển về cho hacker nên rất khó phát hiện; các đối tượng sử dụng “tài khoản chùa” không trực tiếp đột nhập vào cơ sở dữ liệu của ngân hàng để trộm cắp thông tin về tài khoản của chủ thể mà chỉ sử dụng thông tin thẻ ngân hàng lấy được công khai trên các trang web, forum...
Ngoài ra, thủ đoạn của tội phạm trên mạng cũng thường xuyên thay đổi, sử dụng tên, địa chỉ ảo, giả và luôn có sự phối hợp với tội phạm ở các nước khác, tạo thành băng nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động xuyên quốc gia nên rất khó phát hiện.
Kỳ sau: Những chiêu trò "cướp" thẻ ngân hàng
Thanh Ngọc