Hà Nội: Gấp rút triển khai công tác phòng chống bão
Trước diễn biến của cơn bão Haiyan nhiều khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Nội, mực nước hồ điều hoà Yên Sở đã được hạ về mức 1,50m. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão (PCLB) Hà Nội và Công ty Thoát nước đã triển khai các phương án, chủ động ứng phó trước mọi diễn biến của cơn bão.
Trước đó, ngày 8/11, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương đã có công điện khẩn yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB Hà Nội triển khai các biện pháp phòng chống úng ngập trên địa bàn TP, đặc biệt là khu vực nội thành. Bởi theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của cao áp lạnh lục địa tăng cường, kết hợp với siêu bão Haiyan đang hoạt động trên biển Đông, từ chiều nay 10/11, tại khu vực Đồng bằng Bắc bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Theo đó, các công ty thủy lợi đã kiểm tra, rà soát các phương án đảm bảo an toàn hồ đập, sẵn sàng vận hành các trạm bơm tiêu úng hiệu quả, bảo vệ cây trồng vụ đông. Ban Chỉ huy PCLB TP cũng yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo kiểm tra hệ thống đê kè, cống, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố về đê điều. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra. Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Công an TP tổ chức phân luồng, đảm bảo giao thông tại những điểm xảy ra úng ngập khi có mưa lớn.
Dự báo khoảng chiều tối và đêm 10/11, khi bão Haiyan vào giữa vịnh Bắc Bộ thì sẽ có ảnh hưởng trực tiếp, đổ bộ vào các tỉnh Bắc Trung Bộ và nam đồng bằng Bắc Bộ, nhiều khả năng mưa lớn ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Nội.
Trong chương trình đặc biệt về siêu bão số 14 phát trên VTV tối qua 9/11, ông Bùi Minh Tăng – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương – đã trả lời, làm rõ nhiều thông tin rước những dự báo cho rằng Hà Nội có khả năng tái diễn trận lụt lịch sử năm 2008, ông Tăng nhận định: “Theo nhận định của chúng tôi, đến thời điểm này (tất nhiên tình hình có thể thay đổi), vì bão đi thẳng vào vùng Bắc Bộ với trọng tâm là các tỉnh Bắc Trung Bộ và nam đồng bằng Bắc Bộ, sau đó tàn dư của cơn bão có thể đi thẳng vào Bắc Bộ nên có thể gây ra một đợt mưa lớn trên diện rộng, trọng tâm ở các tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi phía Bắc, với lượng mưa lên đến vài ba trăm milimet trong vòng chỉ 1 – 2 ngày”.
“Với lượng mưa lớn như thế thì tình hình ngập úng sẽ xảy ra ở một số địa phương, kể cả Thủ đô Hà Nội. Tất nhiên là tôi xin nhấn mạnh, dự báo mưa là một dự báo rất khó, đặc biệt là cho một địa điểm, cho một thành phố thì lại càng khó khăn. Lượng mưa có thể lớn nhưng dự báo cụ thể bao nhiêu milimet là rất khó. Chúng ta cần có hướng đề phòng vì Hà Nội không ít lần chỉ cần mưa từ 70 – 100mm, thậm chí ít hơn, cũng đã có nơi bị ngập úng rồi. Đây là cơn bão ảnh hưởng trực tiếp chúng ta càng cần phải đề phòng. Không chỉ riêng Hà Nội mà các địa phương khác cũng cần đề phòng ngập úng do cơn bão Haiyan này gây ra”, ông Tăng nói.
Công nhân Nguyễn Văn Long ( Xí nghiệp thoát nước 1) nạo vét tuyến cống trên đường Liễu Giai trưa 10/11
Trao đổi với phóng viên PetroTimes, ông Hoàng Thế Hùng, Phó giám đốc Xí nghiệp thoát nước số 1, Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, từ ngày 9/11, chúng tôi đã cho hạ mực nước toàn bộ các hệ thống kênh mương trên địa bàn công ty quản lý theo dự báo lượng mưa từ 200-300 mm, dưới trạm Yên Sở đã hạ xuống cốt 1,50m. Trong sáng nay, xí nghiệp đã đôn đốc kiểm tra những điểm chưa đạt yêu cầu để kịp thời khắc phục một cách nhanh nhất bằng mọi biện pháp. Hiện nay, chúng tôi đã bố trí 100% quân số, lực lượng xung kích, các loại máy bơm nhỏ 290 m3/giờ, xe téc sẵn sàng túc trực tại các điểm trũng sẵn sàng ứng phó mọi diễn biến khi bão về.
Khẩn trương nạo vét hệ thống cống thoát nước tuyến Kim Mã - Liễu Giai
Cũng theo tin chúng tôi vừa nhận được, Công ty Thoát nước Hà Nội đã lên phương án kiểm tra các công trình chống úng ngập, giải tỏa các vật cản, tăng cường năng lực tiêu thoát úng cho nội thành và có giải pháp cụ thể đối với các điểm thường xuyên úng cục bộ.
Tổng Công ty Điện lực Hà Nội lên phương án cung cấp đủ nguồn điện ổn định cho các trạm bơm tiêu hoạt động hết công suất, đặc biệt đảm bảo an toàn về điện, khắc phục nhanh các sự cố. Công ty Công viên cây xanh tổ chức lực lượng kịp thời giải tỏa cây đổ khi mưa bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và không làm ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt của nhân dân.
Công ty công viên cây xanh cắt tỉa, chặt hạ cành cây trên đường Đội Cấn
Trước diễn biến của cơn bão sẽ về trong ít giờ tới, các Phòng, Ban nghiệp vụ, các Xí nghiệp trực thuộc Công ty Thoát nước Hà Nội sẽ thường xuyên cập nhật, theo dõi chặt chẽ diễn tiến của cơn bão, sẵn sàng nhận nhiệm vụ theo yêu cầu của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão. Khi có mưa bão, yêu cầu các đơn vị bố trí 100% lực lượng công nhân thực hiện ứng trực tại các vị trí theo phương án thoát nước mùa mưa năm 2013 đã được duyệt.
Các phòng nghiệp vụ giám sát việc tổ chức ứng trực của đơn vị báo cáo với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và bộ phận thông tin liên lạc của Công ty, bố trí lái xe ứng trực phục vụ Ban Giám đốc Công ty kiểm tra hiện trường.
Đối với Xí nghiệp Cụm trạm bơm đầu mối Yên Sở: Hạ mực nước hồ điều hoà Yên Sở về mức 1,50m. Xí nghiệp Cụm trạm bơm đầu mối Yên Sở, Xí nghiệp XLNT chuẩn bị sẵn sàng thực hiện phương án PCLB đã được phê duyệt.
Các Xí nghiệp duy trì 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7: Chủ động hạ mực nước tại các hồ điều hoà do đơn vị quản lý đến mức thấp nhất theo quyết định số 414/TNHN ngày 24/04/2013 của Công ty, rà soát các công trình đang thi công trên địa bàn quản lý, thanh thải dòng chảy, tháo dỡ các trường hợp làm thu hẹp dòng chảy, bố trí đầy đủ lực lượng ứng trực có đầy đủ phương tiện, công cụ dụng cụ, thiết bị cơ giới để giải quyết thoát nước tại các vị trí được phân công.
Kiểm tra và xử lý các sự cố bất cập của ga thu trên các tuyến phố đảm bảo khả năng thu nước. Chuẩn bị vật tư đóng cọc căng dây cảnh báo nguy hiểm trên hệ thống sông mương.
Đối với Xí nghiệp Thi công cơ giới xây lắp, xí nghiệp Dịch vụ, hiện đã đảm bảo đầy đủ các phương tiện máy móc thiết bị trong tình trạng sẵn sàng hoạt động giải quyết thoát nước tại các vị trí được phân công và chủ động giải quyết các điểm phát sinh khi có yêu cầu của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Công ty và các Xí nghiệp quản lý thoát nước trên địa bàn.
Nguyễn Kiên