Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội:
“Án oan, sai khó tránh trong tố tụng hình sự”
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiết lộ, sau khi Bộ Chính trị ra Nghị quyết về chiến lược cải cách tư pháp năm 2005, án oan, sai trong tố tụng hình sự đã giảm nhiều, cho dù vẫn còn một tỉ lệ nhất định…
PV: Các cơ quan tư pháp cũng thừa nhận vẫn tồn tại một tỷ lệ oan sai nhất định. Ông nghĩ sao về thực tế trên?
Ông Nguyễn Đình Quyền: Cũng không thể tuyệt đối hóa được. Vấn đề bây giờ là tố tụng công khai, minh bạch, và cần được đảm bảo trên thực tế, nhất là vào giai đoạn điều tra, truy tố, tạm giữ đối tượng. Có nhiều vụ án rất phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân. Bởi vậy, cả cơ quan điều tra, hay Viện kiểm sát – các đồng chí đều phải xem tất cả các giai đoạn của tố tụng xem có vi phạm gì không? Để xảy ra oan sai, thì đó là lỗi của tất cả các giai đoạn điều tra, truy tố, nhất là xét xử.
Lâu nay người ta cứ nói án tại hồ sơ. Không phải! Án tại hồ sơ nhưng cơ quan chức năng phải đối chiếu với những tài liệu có trong hồ sơ và những cái thẩm vấn tại phiên tòa. Ít nhất cơ quan chức năng phải thông qua hoạt động thẩm vấn, đối chiếu những tình tiết khi phỏng vấn có ăn khớp với tình tiết ở hồ sơ hay không. Điều đó hết sức quan trọng. Người ta nói đó là niềm tin nội tâm của thẩm phán, nó liên quan đến việc xem xét đánh giá chứng cư.
Ông Nguyễn Đình Quyền
PV: Từ năm 2005 đến nay chúng ta đang thực hiện cải cách tư pháp theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Vậy từ đó đến nay tỷ lệ oan sai có giảm đáng kể không, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Quyền: Ngày càng giảm chứ, chắc chắn rồi. Trong đó, án oan hình sự phải sửa ít nhất. Nếu các vụ án hình sự ngày xưa tỷ lệ oan sai không phải nhỏ. Những năm gần đây án sai phải sửa có nhưng án oan thì rất ít. Việc cân đối giữa tránh lọt, tránh oan cơ bản tốt. Đặc biệt từ khi ban hành Nghị quyết 388 về bồi thường thiệt hại cho hoạt động tố tụng càng giảm.
Nhưng từ đó lại xuất hiện chiều hướng các cơ quan tố tụng quá thận trọng. Điều đó rất tốt vì nó liên quan đến quyền cơ bản của công dân. Nhưng quá thận trọng lại dễ xảy ra bỏ lọt tội phạm. Nhiều người phản ánh tình trạng bị bức cung, nhục hình. Đối với vụ 10 năm tù oan vừa rồi, người bị kết án cũng nói có chuyện đó. Nhưng đó chỉ là thông tin một chiều, tìm ra bằng chứng rất khó.
PV: Ở nước ngoài phòng hỏi cung có lắp đặt camera giám sát. Ở Việt Nam có nghĩ đến việc này không, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Quyền: Không có, bởi vì trong quá trình tố tụng hình sự ở Việt Nam, luật sư được tham gia ngay từ giai đoạn bị tạm giữ chứ chưa nói tạm giam. Trong quá trình hỏi cung luật sư cũng đều được tham gia. Vấn đề ở đây là vai trò của luật sư trong quá trình tố tụng hình sự cần phải được nâng cao. Một điều nữa là về phía cơ quan công quyền, cơ quan điều tra phải tạo điều kiện cho luật sư thực hiện quyền của mình trong việc bảo vệ thân chủ.
Từ vụ án có dấu hiệu oan ở Bắc Giang (ông Nguyễn Thanh Chấn bị xử án chung thân, đã ngồi tù 10 năm) nhiều người nhận định rằng, nó đang kéo lùi kết quả cải cách tư pháp. Ý kiến của ông thế nào về vấn đề này?
Nói như Bộ trưởng Bộ Công an thì xảy ra oan sai là điều rất đáng tiếc. Nhưng cuộc cải cách tư pháp phải nhìn trên tổng thể. Không thể lấy cái cá thể mà đánh giá trong cả quá trình cải cách tư pháp. Vì tiến trình cải cách tư pháp ngày hôm nay ai cũng thấy dân chủ hơn, công khai hơn, minh bạch hơn, chặt chẽ hơn, đảm bảo quyền con người hơn…
Còn ở đâu đó có những vụ việc nào đó vi phạm thì thuộc về những cá nhân trong quá trình đánh giá chứng cứ và trách nhiệm chưa được tăng cường đúng mức. Không thể lấy cái cá biệt để đánh giá cả quá trình cải cách tư pháp có vấn đề được.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Lê Tùng (ghi)