Tiếng Concerto đầu đàn đã tắt…
GS-TS- NSND Quang Hải - người được biết đến là “cánh chim đầu đàn” của nền âm nhạc bác học Việt Nam đã qua đời ở tuổi 79.
Sau một thời gian lâm bệnh, NSND Quang Hải đã qua đời vào ngày 3/11 tại nhà riêng, hưởng thọ 79 tuổi. Cả một đời sống và cống hiến cho nghệ thuật, ông được biết đến là cánh chim đầu đàn của nền âm nhạc bác học Việt Nam. NSND Quang Hải cũng là người viết nhiều bản concerto với một mong muốn tột bậc là nâng tầm thể hiện cho nhạc cụ dân tộc lên một tầm cao mới.
NSND Quang Hải sinh ra và lớn lên trên quê hương Tiền Giang. Đây được xem như một trong những cái “nôi” của nhạc tài tử cải lương. Vì thế, suốt cuộc đời đeo đuổi con đường âm nhạc bác học, ông vẫn cứ đau đáu với âm nhạc dân tộc. Có lẽ chính vì sự nặng tình đó mà người ta luôn thấy trong những sáng tác của ông cài cắm, đan xen giữa hai dòng nhạc này.
Chỉ cần nhìn vào “gia tài” ông để lại, cũng đủ thấy cống hiến lớn lao của con người này. Với 3 tổ khúc giao hưởng tầm cỡ, 7 bản concerto cho nhạc cụ độc tấu với dàn nhạc giao hưởng, một số bản fantasie, variation, giao hưởng – đại hợp xướng, giao hưởng thanh xướng kịch… Và các chùm tác phẩm concerto cho đàn tranh, cùng với những công trình nghiên cứu lý luận âm nhạc… Cho thấy, sức lao động và tình yêu nghệ thuật bền bỉ ở ông.
GS - TS- NSND Quang Hải
Đương thời, người nghệ sĩ này từng tâm sự: “Lúc nào tôi cũng như cảm thấy mình đang mắc nợ”. Chính ý nghĩ đó đã thôi thúc ông viết và sáng tác bằng chính những nhạc cảm của mình. Vậy nên, âm nhạc của GS-TS-NSND Quang Hải là sự thể nghiệm độc đáo khi ông để khí nhạc Việt Nam và khí nhạc phương Tây hòa quện làm một. Từ sáng tạo này đã làm nên một phong cách và ngôn ngữ âm nhạc mới trong các tác phẩm khí nhạc Việt Nam hiện đại.
Ông không chỉ là một nhà giáo, nhà nghiên cứu và còn là một nghệ sĩ thực thụ. Chỉ có tình yêu lớn lao dành cho âm nhạc, mới có thể khiến ông lao động miệt mài đến thế. Người ta vẫn gọi ông là bậc thầy trong nền âm nhạc bác học của Việt Nam, đặc biệt là việc sáng tác những nhạc phẩm trầm hùng dưới thể loại concerto và biến tấu (variation) cho nhạc cụ dân tộc độc tấu tài tình cùng dàn nhạc giao hưởng.
Chính thể loại này đã cho phép nhạc cụ dân tộc có dịp thể hiện tất cả những tố chất, khả năng của mình để thi thố cùng dàn nhạc giao hưởng như các nhạc cụ violin, piano, clarinet… của phương Tây. Vậy nên, không sai khi nói ông là người sáng tác nhiều nhất những bản concerto ở Việt Nam bởi chỉ riêng việc nắm giữ hơn 10 tác phẩm đã là một con số kỷ lục.
Thành quả là năm 2007, ông đã được Vietbook công nhận là “Người có tác phẩm độc tấu nhạc khí dân tộc hòa với dàn nhạc giao hưởng (concerto, variation) nhiều nhất Việt Nam”. Với cách làm này, những giai điệu âm nhạc cổ điển của ông tuy không mang tính chất dân gian nhưng rất gần gũi, dễ cảm và rất Việt Nam.
Đã ghi dấu ở nhiều thành tích, đã thử sức ở nhiều bản nhạc... nhưng công chúng vẫn nhớ đến ông với đóng góp là người viết nhiều bản concerto nhất Việt Nam. Chính công lớn lao của NSND Quang Hải đã bắc cầu nối cho mối lương duyên của hai nền âm nhạc, kéo thứ âm nhạc bác học tưởng xa xôi gần lại hơn với đại chúng Việt. Vậy nên, sự ra đi của ông, đã để lại khoảng trống lớn trong đời sống của hai nền âm nhạc...!
GS-TS-NSND Quang Hải tên thật là Huỳnh Tấn Sĩ. Ông sinh năm 1935 tại xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ông tham gia Cách Mạng từ rất sớm vào năm 1945. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, rồi năm 1956, ông được cử đi học tại Liên Xô. Đến năm 1963, ông tốt nghiệp khoa Chỉ huy giao hưởng và nhạc kịch tại Nhạc viện Léningrad (St. Petersburg). Năm 1968, ông tốt nghiệp nghiên cứu sinh chỉ huy dàn nhạc và nhận bằng tiến sĩ lý luận âm nhạc tại Nhạc viện Léningrad. Từ năm 1970 đến năm 1975 và làm Giám đốc Nhạc viện TPHCM từ năm 1975 đến năm 1997. Năm 1981, ông được phong hàm Phó giáo sư, năm 1991 được phong hàm Giáo sư. Năm 1993, ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Từ năm 1982 đến 1999 GS-TS-NSND làm việc ở nhiều vị trí: Ủy viên Hội đồng Âm nhạc quốc gia (thành viên của Hội đồng Âm nhạc quốc tế), Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa III (1983 - 1989), Ủy viên Hội đồng Học hàm ngành văn hóa nghệ thuật (1981 - 1999). Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục làm việc trong vai trò Ủy viên Hội đồng Khoa học Nhạc viện TPHCM. Với sự đóng góp, cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà, GS-TS-NSND Quang Hải đã vinh dự đón nhận các phần thưởng: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng ba; Huân chương Hữu nghị Hoàng gia Campuchia; Huân chương Lao động hạng nhất; các huy chương vàng, huy chương bạc tại Hội diễn toàn quốc và khu vực phía Nam; các giải nhất, nhì, ba về Sáng tác khí nhạc và hợp xướng toàn quốc và khu vực; Giải thưởng Nhà nước năm 2001. |
Huy An