Phải sống chung với ngập lụt đô thị
Vừa qua, TP HCM và các thành phố lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị ngập nặng nhất trong vòng 60 năm qua. Ngập nặng đã gây nhiều thiệt hại cho người dân và đây là bài toán khó cho các thành phố ở miền Nam trong giải quyết chuyện sống chung với lũ. Bên cạnh đó, là câu chuyện quy hoạch đô thị tương lai, vấn đề xung đột trong bảo tồn và phát triển di sản tại các thành phố lớn ở nước ta hiện nay. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái xung quanh các vấn đề này.
PV: Vừa qua, TP HCM và các thành phố ở vùng ĐBSCL như Cần Thơ bị ngập nghiêm trọng nhất trong vòng 60 năm qua. Từ góc độ nhà kiến trúc sư và nhà nghiên cứu đô thị, theo ông chúng ta nên làm gì để ứng phó với vấn đề này trong tương lai?
KTS Nguyễn Hữu Thái: Đó là đề tài mà chúng tôi từng bàn thảo khi gặp mặt các nhà kiến trúc sư châu Á tại Đà Nẵng cách đây 2 năm. Đối với ĐBSCL, nhiều người đề xuất ở vùng nước ngập thì phải sống như thế nào. Những vùng đất cao nên chọn và khoanh vùng lại để dân sinh sống ở đó; những chỗ nửa năm ngập và nửa năm không ngập thì nên xây nhà sàn nhiều tầng, hai hoặc ba tầng. Khi ngập thì lên tầng cao ở, còn không ngập thì ở tầng thấp hơn.
KTS Nguyễn Hữu Thái (Ảnh: Thiên Thanh)
Giờ đây, chúng ta phải xác định là sống chung với lũ. Lũ ở miền Nam mang đến nhiều phù sa cho ruộng vườn. Tuy nhiên cũng có nhiều chuyên gia cho rằng, trong tương lai nên hạn chế trồng lúa nước mà chuyển sang trồng những cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và nuôi trồng thủy sản ở những vùng bị ngập mặn. Cái này phải hỏi GS Võ Tòng Xuân. Ông cũng đang trăn trở nên trồng cây gì, nuôi con gì khi mà ĐBSCL bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng như vậy. Chứ nếu bám mãi theo cây lúa thì chưa hẳn chúng ta sẽ giàu vì với tình trạng nước biển dâng thì khó mà trồng lúa được.
PV: Theo dự báo, khoảng 60% khu vực đã xây dựng tại TP HCM được dự đoán chịu tác động khi nước biển dâng thêm 1m.Chúng ta sẽ phải làm gì để khắc phục và hạn chế việc này thưa ông?
KTS Nguyễn Hữu Thái: Từ thời Pháp quy hoạch đô thị này, họ đã đề xuất không nên làm nhà cửa về phía có vùng ngập. Vùng Phú Mỹ Hưng, quận 8, Cần Giờ, Lê Minh Xuân, Tân Tạo là vùng thấp. Nhưng về sau, chúng ta đều xây nhà cửa tràn về phía đó thì khó tránh khỏi chuyện ngập. Nhưng giờ đây có nhiều vùng ngày xưa không ngập giờ cũng ngập.
Đó là chưa kể, nếu Thủy điện Trị An xả lũ cộng với triều cường thì sẽ ngập rất lớn. Sài Gòn trước sau gì cũng ngập nặng, bằng chứng là trong đợt triều cường vừa qua đã gây nên tình trạng ngập lớn nhất trong vòng 60 năm qua. Do đó, Sài Gòn phát triển nên mở về hướng Đồng Nai, Bình Dương chứ nếu cứ phát triển về hướng Phú Mỹ Hưng, quận 8 thì trong khu trung tâm sẽ ngập nặng vì đây là hướng thoát nước của thành phố ra Cần Giờ.
Trước 1975, khi quy hoạch khu Nam Sài Gòn, một bà kiến trúc sư người Mỹ có cách quy hoạch rất hay là để đất trống rất nhiều và để nhiều đường nước thoát ra nhưng giờ đây thấy tấc đất tấc vàng, để cho các công ty bất động sản xây dựng cao ốc, nhà cửa tại các đường thoát nước, chặn đường nước rút thì khó tránh chuyện ngập. Nhiều khu ở quận 7 nước đọng lại sau mưa, chỉ duy có khu trung tâm Phú Mỹ Hưng hồi quy hoạch tôn nền thêm 2m thì không ngập nhưng những khu quy hoạch sau thì ngập hết.
Rồi trong quy hoạch đô thị chúng ta phải chú ý từng chút, ngay cả vỉa hè, đá lát phải có kẽ hở chứ đừng bê tông vỉa hè, nước sẽ không ngấm vào đâu được. Ngay ở Paris hay nhiều thành phố lớn khác trên thế giới, lát vỉa hè người ta cũng làm đá lát có kẽ hở. Rồi phải chú ý những khoảng xanh nho nhỏ trong thành phố cũng là nơi rút nước.
Trong việc quy hoạch và chống ngập cho TP HCM, chúng ta từng thuê các chuyên gia Hà Lan và họ cũng đưa ra nhiều giải pháp nhưng chưa có giải pháp nào khả thi nhất. Ngay Hà Lan, họ cũng tìm giải pháp sống chung với lũ vì họ không thể ngăn những nguồn nước trong nội địa dâng lên. Do đó, không chỉ TP HCM mà các thành phố lớn trong tương lai có nguy cơ bị ngập bởi nước biển dâng, phải tìm cách sống chung với lũ. Riêng ở nước ta thì phải hạn chế các thủy điện nhỏ. Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và duyên hải miền Trung phát triển thủy điện tràn lan mà không tính toán vấn để xả lũ thì dân hạ lưu lãnh đủ.
PV: Đó là vấn đề ngập đô thị, còn trong vấn đề quy hoạch phát triển đô thị hiện nay, dường như các thành phố lớn ở Việt Nam vẫn đang lúng túng xác định mô hình thích hợp. Vừa qua, TP HCM có đưa ra đề án thí điểm chính quyền đô thị, có thể là mô hình tốt?
KTS Nguyễn Hữu Thái: Theo tôi biết là chưa thấy mô hình nào như đề án của TP HCM trình Quốc hội vừa qua. Trung Quốc cũng đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Nhưng chính quyền đô thị mà có thị trưởng chỉ phù hợp ở mô hình các nước dân chủ, có bầu cử, ứng cử riêng. Nó tiêu biểu cho Đảng và phe phái nào đó và có chương trình hành động riêng. Nếu hết nhiệm kỳ mà thị trưởng đó làm không hiệu quả thì bị phế truất, sẽ bầu cử người khác lên thay. Lẽ nhiên, trong chính quyền đô thị có những phó, những viên chức chính trị. Nên ông thị trưởng có thể thay đổi, bãi nhiệm nhưng người phó ít khi thay đổi. Họ làm nghề nghiệp về hành chính - quản lý. Do đó, có chức vụ bầu và chức vụ không bầu. Trung Quốc cũng đang xây dựng mô hình chính quyền đô thị, có thị trưởng, nhưng thực ra là Chủ tịch UBND thành phố trước đây giờ tăng thêm quyền lực thôi.
TP HCM ngày càng ngập nặng
PV: Ông có thể nói về kinh nghiệm phát triển đô thị lõi và vùng đô thị ở những nước phát triển mà ông từng sống?
KTS Nguyễn Hữu Thái: Theo kinh nghiệm tôi biết thì ở các quốc gia phát triển cách tổ chức các chính quyền đô thị và cả quy hoạch đều có thành phố lõi trung tâm và xung quanh là các đô thị vệ tinh chứ không quy hoạch theo mô hình thành 4 trung tâm đô thị như đề án mình đã đưa ra. Ví như thành phố tôi từng ở là Montréal (Canada). Có thành phố lõi trung tâm và xung quanh là các thành phố nhỏ, độc lập. Mỗi cái độc lập nên công tác hành chính đơn giản, nhẹ nhàng chứ không rườm rà, phức tạp. Thường thành phố lõi trung tâm thì không lớn nhưng họp lại quy định chính sách trung tâm của thành phố thì đông. Hay Toronto cũng vậy, thành phố rất rộng, đường chính số nhà lên đến mười mấy ngàn cây số.
Tôi cho rằng, Việt Nam gặp những vấn đề khá khó khăn trong quy hoạch đô thị. Vì chúng ta đi từ kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường thì đáng lẽ cho nhiều thành phần kinh tế khác tham gia chứ cứ theo kiểu áp đặt từ trên xuống dưới thì sẽ bị vỡ. Đến giờ, khái niệm quy hoạch đô thị vẫn nặng về bao cấp, có dịp đến các thành phố ở nước ta đều thấy trung tâm hành chính to quá. Những tỉnh miền Bắc sau giải phóng, chia tỉnh nhỏ lại nhưng cũng xây dựng đại lộ hoành tráng, các trung tâm hành chính quá lớn nhiều khi đường vắng tanh.
Những công trình công cộng phải làm sao cho gần dân, chứ cứ bao bọc và nghĩ về vấn đề an ninh như thời chiến thì không còn hợp lý. Các tòa thị chính ở nước ngoài không bao giờ có hàng rào, nên dân chúng cũng thấy rất gần gũi và ra vào rất tiện. Ở mình tòa nhà hành chính kiên cố, có quan chức ngồi trong đó, một khái niệm rất quan liêu, gây tốn kém cho nhà nước. Trong quy hoạch đô thị chúng ta đang tranh cãi việc có nên tập trung hay không tập trung các sở, ban, ngành vào một chỗ. TP Đà Nẵng thí điểm tập trung hành chính cũng bị chỉ trích.
Tại một hội nghị kiến trúc sư ở Mỹ, các chuyên gia đều cho rằng, trong tương lai con người sẽ sống phân tán về nông thôn và có nhiều cây xanh chứ không tập trung đô thị như bây giờ. Rồi con người dùng năng lượng sạch là chính, đi lại chủ yếu là phương tiện công cộng để hạn chế kẹt xe. Họ dự đoán vài chục năm tới xe ôtô chạy bằng xăng dầu sẽ dần biến mất. Do đó, giờ đây các thành phố thông minh dùng điều khiển tự động, xe buýt là chính. Ngay học hành cũng không cần đi du học nhiều, mà họ mở rộng trường học quốc tế tại các quốc gia. Công nghệ thông tin làm giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà… Và nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia cũng dự báo, trong các đô thị tương lai sẽ không còn các xa lộ to lớn, các thành phố sẽ phân tán về nông thôn, chỉ để lại phần lõi trung tâm. Nước mình giờ chạy theo làm xa lộ lớn, rất tốn kém tiền của.
PV: Một bài toán khó nữa trong quy hoạch và phát triển đô thị ở Việt Nam hiện này là chưa giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Nhất là những thành phố có bề dày lịch sử, có nhiều di sản như Hà Nội, Huế, Hội An… Theo ông, chúng ta phải ứng xử ra sao cho hợp tình hợp lý?
KTS Nguyễn Hữu Thái: Vừa rồi chúng tôi làm đề tài: “Kinh nghiệm trong phát triển đô thị bền vững” để Huế tham khảo. Vì Huế đang chuẩn bị “nâng đời” thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó lõi của đô thị Huế khoảng 300 ngàn dân với khoảng 70km nhưng cả Thừa Thiên - Huế có diện tích 5.000km, lớn hơn Hà Nội và TP HCM vì vùng nông thôn họ ghép vào chung. Muốn thành phố trực thuộc Trung ương thì phải đô thị hóa toàn bộ Thừa Thiên - Huế nhưng trên thực tế, lực về tiền bạc và lực về tài nguyên ở đâu mà làm. Thứ hai, bố trí mô hình quản lý như thế nào nên tôi lấy kinh nghiệm một số thành phố trên thế giới ngang tầm với Huế, đế đô cũ Tây An (Trường An - Trung Quốc) có lịch sử mấy ngàn năm; TP Kyoto (Nhật) trước khi dời đô về Tokyo; TP Sankt - Peterburg (sau này gọi là Leningrad - Nga); TP Montréal (Canada).
Nhà thờ Đức Bà (TP HCM) - một di sản kiến trúc bị bao quanh bởi những tòa nhà cao tầng hiện đại
Kinh nghiệm của các thành phố có di sản trên thế giới là họ không tham vọng đô thị hóa toàn vùng. Lõi TP Kyoto cổ kính là thành phố di sản vẫn giữ, có cho xây dựng và cải tạo thì phải đúng quy trình, kiến trúc cổ không được phá vỡ cảnh quan công trình kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên. Có thể nói Kyoto đẹp là nhờ cảnh quan thiên nhiên vẫn còn giữ nét cổ. Còn những thành phố xung quanh Kyoto được hiện đại hóa.
Theo tôi, Huế nên làm theo mô hình một số thành phố di sản khác trên thế giới, ngay như TP S. Peterburg đang hiện đại hóa nhưng họ vẫn giữ khu trung tâm như Cung điện mùa đông, Cung điện mùa hè, bảo tàng và các di sản khác, giờ những di sản này hằng năm thu hút khách du lịch rất lớn. Còn Canada, TP Montreal, những năm 60 chính quyền thành phố định phá khu phố cổ và xây dựng hiện đại nhưng dân chúng phê phán và Hội đồng thành phố ra quyết định là tiếp thu góp ý của dân, đồng thời mở cuộc thi thiết kế kiến trúc, cuối cùng vẫn giữ lại khu phố cổ Vieux-Montréal khoảng 1km2 nhưng giờ nó là con gà đẻ trứng vàng cho Montréal vì kiến trúc văn hóa của thế kỷ XVI còn giữ nguyên, rất có giá trị.
PV: Việt Nam, có phố cổ Hội An cũng làm tốt mô hình vừa bảo tồn di sản, vừa phát triển và đảm bảo sinh kế của người dân trong khu phố cổ.
KTS Nguyễn Hữu Thái: Có thể nói chính quyền và nhân dân Hội An đồng lòng nhau làm rất tốt, còn Huế không được như Hội An thì đáng tiếc. Nhưng Hội An hiện nay đang báo động tình trạng dân bản địa bán nhà và dân vùng khác giàu có đến mua nhà và sống tại Hội An. Hội An đẹp bên cạnh cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc là con người sinh ra và lớn lên ở đó có văn hóa riêng. Giờ đây, nếu dân đại gia các vùng mua nhà và sinh sống ở Hội An thì chính con người Hội An trong tương lai sẽ biến mất. Nhiều nước họ làm là nhà nước hợp tác cùng người dân, trùng tu di tích, nhà cửa trong khu di sản rồi tạo điều kiện cho người dân kinh doanh trong môi trường đó để họ sinh sống được mà vẫn giữ nét cổ. Lúc đầu Hội An cũng làm được nhưng sau nhiều người đã bán nhà đi nơi khác sống.
Nhà văn Nguyên Ngọc cũng báo động, một thế hệ nữa thì cư dân Hội An chính gốc không còn và chính điều đó sẽ làm mất đi tính cách của người Hội An. Hay trường hợp Hà Nội đang bế tắc, bảo vệ di sản nhưng phải có cách làm sao để người dân có thể sống trong đó và mưu sinh được chứ không đặt một di sản chết được giống như Đường Lâm - người dân đang đòi trả di tích. Do đó phải có quy chế riêng cho các khu di sản, di tích trong quá trình bảo tồn và phát triển.
Theo tôi phải vừa bảo tồn, cải tạo và phát triển. Với Huế phải có quy chế riêng trong xây dựng, trùng tu như thế nào; hay ngay như khu phố Tây lâu nay ta thả lỏng làm các tòa cao ốc, hay thôn Vĩ Dạ cũng bị phá vỡ. Không ai cấm chúng ta đô thị hóa các vùng xung quanh nhưng phải tùy vào nguồn lực tài chính và sức dân. Còn lại nhất quyết phải giữ vùng lõi đô thị, khu di sản. Do đó Huế không đòi hỏi phát triển như Đà Nẵng ngay được vì Đà Nẵng có tiềm lực kinh tế.
Do đó, mâu thuẫn đối kháng giữa bảo tồn và phát triển rất khó. Điều này nước nào cũng gặp phải chứ không riêng gì Việt Nam. Chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới đã làm và thành công như Kyoto (Nhật Bản), Sankt - Peterburg (Nga), Montréal (Canada), Paris (Pháp)… Đây là bài toán vừa kinh tế vừa văn hóa. Trong vấn đề chiến lược vừa bảo tồn vừa phát triển thì chính quyền chỉ chỉ đạo chung còn về chuyên môn nên để các nhà nghiên cứu làm thì khả năng thành công cao hơn.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Các chuyên gia dự báo, nước biển dâng cao thêm 50cm vào năm 2050, sẽ gây ra hậu quả tàn phá nặng nề hơn, làm cho những cánh đồng bị ngập lụt trong thời gian dài hơn và những vùng châu thổ ngập nước với những cánh đồng và nguồn nước uống bị xâm nhập mặn. Đáng chú ý, ở Đồng bằng sông Cửu Long tất cả diện tích đất quan trọng nằm dưới 2m so với mực nước biển, đặc biệt bị nguy hiểm. Cụ thể, tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (sản xuất khoảng 50% tổng sản lượng nông nghiệp của Việt Nam), khi nước biển dâng 30cm, có thể xảy ra sớm vào năm 2040, có thể gây thiệt hại khoảng 12% sản lượng gạo. Sản xuất thủy hải sản bị ảnh hưởng, chi phí để các loài tôm và cá da trơn thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 130-190 triệu USD mỗi năm. Các thành phố vùng duyên hải, với sự tập trung dày đặc về mật độ dân số và tài sản vật chất, cũng đang bị đặt trước nguy cơ những cơn bão cường độ mạnh, nước biển dâng trong thời gian dài và những trận bão ven biển bất ngờ. TP HCM cùng với Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Indonesia), Manila (Philippines), và Yangon (Myanmar) là những thành phố được dự đoán sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Khoảng 60% khu vực đã xây dựng tại TP HCM được dự đoán chịu tác động khi nước biển dâng thêm 1m. Bà Anjali Acharya, Trưởng nhóm Môi trường của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam cho hay, báo cáo này chưa đưa ra khuyến nghị chính sách cụ thể, chỉ đưa ra các bằng chứng khoa học, để thúc đẩy thảo luận ở Việt Nam, theo hướng giảm carbon, hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững hơn. Đồng thời khuyến cáo Việt Nam có nghị trình về biến đổi khí hậu, bao gồm thích ứng và giảm thiểu, đầu tư hệ thống cảnh báo sớm ở Đồng bằng sông Cửu Long. WB cũng có chương trình hỗ trợ Việt Nam trong quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường, giúp Việt Nam nghiên cứu giống lúa chịu mặn, các ngành công nghiệp carbon thấp, tham gia chương trình giảm phá rừng. Bà Anjali Acharya cũng lưu ý Việt Nam đang dịch chuyển trong nấc thang sử dụng năng lượng, đang trong quá trình đô thị hóa gia tăng. |
Thiên Thanh (thực hiện)