Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm - dược phẩm thế giới: Báo động toàn cầu!
Ngay thời điểm một viên chức cấp cao Chính phủ Trung Quốc tổ chức họp báo với khoảng 130 phóng viên trong - ngoài nước tại Bắc Kinh ngày 12/6/2013, khẳng định rằng, nhiều năm qua, Trung Quốc đã xây dựng “những phương pháp rất hoàn hảo và rất tốt” để kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, thì lại có tin 13% các sản phẩm chế biến từ ớt của Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn an toàn! Cùng lúc cũng xuất hiện nhiều thông tin liên quan đến thuốc dỏm Trung Quốc. Nói không quá lời, cả thế giới đang nhốn nháo trước tình trạng khủng hoảng vệ sinh an toàn thực - dược phẩm, tất nhiên không chỉ ở Trung Quốc…
Năng lượng Mới số 268
Đụng đến đâu, “chết” đến đó!
Theo Mercury News, khi bỏ viên vitamin C vào miệng, ít người biết rằng, nó được sản xuất từ Trung Quốc. Trong thực tế, nhiều loại vitamin đang bày bán khắp thế giới đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Gần một thập niên qua, Trung Quốc chiếm 90% thị trường vitamin C tại Mỹ (nhà máy sản xuất vitamin C cuối cùng tại Mỹ đã đóng cửa vào năm 2005); và công nghiệp dược Trung Quốc cũng chiếm thị phần thế giới một cách đáng kể ở các sản phẩm kháng sinh, thuốc giảm đau, enzyme và amino acid.
Cụ thể hơn, Trung Quốc hiện sản xuất 70% penicillin thế giới; 50% xaspirin và 35% acetaminophen (được bán dưới thương hiệu Tylenol); chưa kể các loại vitamin A, B-12, C, E. Công nghiệp vitamin Trung Quốc đang trở thành một trong những lĩnh vực hốt bạc đậm nhất công nghiệp dược Trung Quốc nói chung, với khoảng 2 triệu công ty - cơ sở sản xuất, xuất khẩu lượng hàng trị giá 2,5 tỉ USD vào năm 2006. Chẳng có gì đáng nói nếu tất cả doanh nghiệp dược Trung Quốc làm ăn đàng hoàng và có lương tâm. Mới đây, Trung Quốc cho biết họ đang điều tra vụ sản xuất protein máu (còn được gọi là albumin) giả…
Đến nay, người tiêu dùng thế giới chẳng còn lạ gì trăm ngàn thủ thuật ma mãnh bất lương của không ít nhà sản xuất Trung Quốc, từ sữa bột giả (gây tử vong ngay tại Trung Quốc), rượu giả (gây tử vong tại Quảng Đông), dùng chất nhuộm đỏ sudan I gây ung thư (bị Chính phủ Trung Quốc cấm từ năm 1996) để nhuộm màu cho tương ớt và thậm chí mì gói (2005); đến thuốc tây giả (10 nạn nhân Trung Quốc chết bởi Armillarisni A vào tháng 5/2006)… Đầu năm 2006, Tổ chức Greenpeace từng kiểm tra rau tại hai cửa hàng Hongkong (Parknshop và Wellcome) và phát hiện hơn 70% mẫu thử đều chứa nhiều loại hóa chất “quái đản” nhằm làm rau tươi lâu.
Thật ra có quá nhiều vụ liên quan vệ sinh an toàn thực - dược phẩm Trung Quốc đến mức không thể kể hết. Đầu năm 2013, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) từng tung ra báo cáo cho thấy vấn đề kiểm soát vệ sinh an toàn thực - dược phẩm Trung Quốc đã đến đỉnh điểm báo động. Ngay Cơ quan Quản lý thực - dược phẩm Trung Quốc cũng công bố khảo sát đầu năm 2013 cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đều lo ngại về mức độ an toàn thực phẩm.
Có thể nói thêm rằng, việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực - dược phẩm Trung Quốc gặp trở ngại bởi yếu tố cơ chế quản lý chồng chéo. Có đến 10 cơ quan nhà nước liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến vệ sinh an toàn thực - dược phẩm và sức khỏe người tiêu dùng (Bộ Y tế, Cơ quan Quản lý thực - dược phẩm, Cơ quan Quản lý dược phẩm, Bộ Nông nghiệp, Cơ quan Quản lý thương mại - công nghiệp, Tổng cục Kiểm dịch - Thanh tra - Giám sát chất lượng, Bộ Thương mại, Bộ Khoa học - Kỹ thuật, Viện An toàn thực phẩm và dinh dưỡng…).
Vấn đề theo dõi và kiểm soát vệ sinh an toàn thực - dược phẩm càng ngày càng khó khăn, ở thời toàn cầu hóa, khi việc thông thương mậu dịch trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết. Trong bài viết trên Los Angeles Times, Steve Ettlinger kể rằng, mình rất bất ngờ khi thử tìm hiểu thành phần trong chiếc bánh quy bày bán khắp nước Mỹ gồm có những gì (chỉ riêng đề tài này, Ettlinger đã viết hẳn thành quyển sách mang tựa đề Twinkie, Deconstructed). Tưởng chừng trong chiếc bánh quy ròn rụm và ngọt thơm chỉ có đậu, bột, hạt… (những thành phần chủ yếu từ thiên nhiên) nhưng ít người biết rằng, nó có cả thiamine mononitrate (chiết xuất từ dầu hỏa… Trung Quốc!).
Cách đây không lâu, khi cơn sốt nhiễm Salmonella enteritidis bùng lên tại nhiều bang ở Mỹ, người ta nhận thấy nguyên nhân chính xuất phát từ một nông trại xoài ở Brazil. Tại đây, người ta bỏ xoài vào các thùng lớn ngâm trong nước ấm để tránh ruồi nhặng. Tuy nhiên, trong các bồn nước, có đầy cóc nhái lẫn chim chóc và chúng vừa rỉa xoài vừa xịt phân vào bồn (mỗi năm Mỹ nhập hơn 40% các loại trái cây tươi từ khắp thế giới). Dùng trái cây nhập có nghĩa người ta phải chịu ảnh hưởng của đất, khí hậu, điều kiện vệ sinh, cách canh tác, vận chuyển, xử lý… của địa phương xuất khẩu.
Ngoài ra, cách dùng thuốc trừ sâu, kháng sinh cũng như vài loại biệt dược kích thích sai quả cũng góp phần tạo ra dòng vi khuẩn mới có khả năng chống lại thuốc kháng sinh. Cuộc kiểm tra mẫu thịt gà, gà tây và thịt lợn tại các siêu thị ở Washington DC vào năm ngoái cho thấy, có đến 1/5 mẫu chứa Salmonella enteritidis và 84% trong chúng có thể kháng chọi ít nhất một loại kháng sinh (có dòng Salmonella có thể địch lại 12 loại kháng sinh!). Trong khi đó, nhiều nông trại Mỹ cũng như châu Âu gần đây có thói quen cho vật nuôi uống kháng sinh. Tổ chức Y tế Thế giới từng cảnh báo vấn đề này và Liên minh châu Âu từ năm 1999 cũng nghiêm cấm dùng kháng sinh cho vật nuôi…
Đạo đức của nhà quản lý?
Cũng nhấn mạnh yếu tố kiểm soát vệ sinh an toàn thực - dược phẩm mỗi lúc khó khăn, BusinessWeek cho thấy 76 triệu ca bệnh và 5.000 ca tử vong tại Mỹ mỗi năm đều do ngộ độc thực phẩm. Trong khi đó, hàng nhập từ các nước vẫn ồ ạt đổ vào Mỹ và Cơ quan Quản lý thực - dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chỉ có thể kiểm soát không đến 1% nguyên liệu thực - dược phẩm nhập! Vài trường hợp lại xảy ra từ nguyên nhân khó lường. Tháng 2/2007, ConAgra Foods Inc buộc phải thu hồi sản phẩm bánh bơ đậu phộng Peter Pan bởi chứa khuẩn salmonella. Nguyên nhân: mái nhà tại nhà máy ở Sylvester (bang Georgia) bị dột, khiến đậu phộng bị ẩm và lên mốc (ConAgra phải chi hơn 15 triệu USD để khắc phục sự cố trên!)… Có thể hiểu tại sao cách đây không lâu, Thượng viện Mỹ đã hối hả chuẩn y dự luật cho phép FDA có nhiều quyền hạn cũng như trách nhiệm hơn.
Tuy vậy, như Trung Quốc, việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực - dược phẩm tại Mỹ cũng trở ngại bởi sự chồng chéo quyền hạn. Trong khi FDA kiểm soát gần như tất cả, Bộ Nông nghiệp (USDA) lại “giành” quyền kiểm soát thịt; với lượng thanh tra viên nhiều gấp 10 so với FDA, USDA có quyền từ chối nhập khẩu từ bất kỳ công ty nào không đạt tiêu chuẩn an toàn và họ cũng có quyền hạn chế số lượng nhập cũng như chỉ định cảng nào được nhập để tiện kiểm soát. Vai trò bao trùm của USDA đã khiến trói tay FDA ở nhiều vụ điều tra. Phần mình, doanh nghiệp Mỹ bắt đầu thiết lập tiêu chuẩn riêng khi nhập nguyên liệu nước ngoài (chỉ làm việc trực tiếp với người bán chứ không qua trung gian). Ý tưởng này không mới.
Năm 2002, Quốc hội Mỹ từng bàn đến dự luật COOL (country-of-origin labeling - nêu rõ xuất xứ quốc gia nhập hàng). Ngay thời điểm hiện tại, người tiêu dùng Mỹ vẫn chưa hết lo. Chưa hết, nhiều quốc gia cũng xôn xao khi Hiệp hội Nước đóng chai quốc tế (IBWA) thông báo rằng, có khả năng hóa chất bị “rỉ” ra từ vỏ chai nhựa trong công nghiệp đóng chai nói chung!
Trong hầu hết trường hợp, vấn đề vệ sinh an toàn thực - dược phẩm cần được đề cập với trách nhiệm không thể biện bạch của giới quản lý trực tiếp. Năm 1999, loạt nông trại ở Bỉ đã được lệnh giết sạch gia súc vì tình nghi chúng được nuôi bằng thức ăn nhiễm dioxin. Vụ việc bùng lên sau khi người ta phát hiện các máng ăn gia súc bị dính dioxin vì trước kia từng được sử dụng trong ngành công nghiệp dầu và khai thác khoáng. Ngoài ra, người ta cũng cho rằng các loại thức ăn tổng hợp đã góp phần đáng kể vào chuyện gia súc bị nhiễm bệnh. “Không gà, không lợn, không bò, không trứng” - hàng tít to trên nhật báo Bỉ La Derniere Heure đã làm công chúng nước này phải sống trong tình trạng “khan hiếm lương thực” giả tạo vì không dám ăn gì, ngoài rau, bơ, bánh mì và pho mát (cảnh sát từng được trưng dụng để giám sát việc thu hồi thịt cũng như trứng ở các quầy hàng). Điều tra Liên minh châu Âu cho biết, Chính phủ Bỉ từng biết việc này nhưng đã tìm cách bưng bít mà không thông báo với châu Âu!
Người ta đã nói rất nhiều đến “đạo đức kinh doanh” khi nhắc đến những doanh nghiệp hám lợi, bất chấp sinh mạng đồng loại. Bây giờ cũng cần thiết nhấn mạnh đến “đạo đức” của những kẻ giết người gián tiếp khi bưng bít thông tin, ở vai trò nhà quản lý và kiểm soát vệ sinh an toàn thực - dược phẩm!
Cao Minh