Tăng gia ở các khu chung cư: Chuồng bên cạnh - vườn trên đầu
Trước thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề báo động nghiêm trọng thì rất nhiều người đã tìm ra giải pháp “tự cung tự cấp” để bảo đảm chất lượng bữa ăn cũng như sức khỏe của mình theo phương châm: “Không ai cứu mình thì tự mình phải cứu lấy mình trước”. Họ trồng rau, nuôi gà… dù ở bất kỳ không gian, môi trường nào…
Năng lượng Mới số 267
VAC vào chung cư
So với các khu dân cư, phải nói rằng, khu đô thị mới, chung cư là nơi “phát huy” mô hình này nhất. Họ tận dụng tối đa từng mét đất, khoảng không để có thể trồng rau, thậm chí nuôi gia cầm. Vào bất cứ một khu đô thị mới hay chung cư nào, đặc biệt là những khu còn nhiều khoảng đất trống hay có không gian bao quanh, sẽ thấy ngay những mô hình tự cung tự cấp này.
Khu đô thị Việt Hưng là một nơi vẫn còn nhiều đất quy hoạch nhưng chưa xây dựng do nguồn đầu tư khó khăn. Nếu như đối với doanh nghiệp quản lý, đây là một nỗi lo gây “đau đầu nhức óc” thì đối với các hộ dân sống ở đây lại là điều “lý tưởng” bởi họ có thể tận dụng đến mức chỉ thiếu nước xây dựng “VAC” (vườn, ao chuồng), một mô hình tự cung tự cấp khép kín được áp dụng rộng rãi ở nông thôn và đối với một số hộ dân có diện tích đất ở thành phố thời bao cấp. Họ “khai hoang vỡ đất” một cách đúng nghĩa đối với những khu đất trống vì cỏ mọc lút đầu người rồi trồng rau, nuôi gà ở đó. Như nhà CT10, khu nhà được xem là mới nhất ở khu đô thị Việt Hưng, bao quanh là những con đường nội địa trải nhựa mượt như nhung. Thế nhưng cạnh ngay những con đường nội địa ấy là những khu đất trống hoang sơ, nhỏ nhất cũng phải gần 100m2, còn không phải hàng nghìn m2 đã được dân vỡ đất để trồng trọt.
Chỗ đất trống nào trong khu chung cư cũng được tận dụng trồng rau
Trước hết, họ làm sạch cỏ, sau đó rào chắn bởi các cành cây rất đơn sơ để tạo thành những khu vườn nhỏ. Vì đông người nên họ tự chia đất trồng trên nguyên tắc, ai ra trước thì được trước; ai chiếm được nhiều thì được nhiều. Bởi vậy, ở đây, có thể thấy liền một dải đất dài nhưng được chia ô bằng cách giới hạn nhờ những hàng rào chỉ là các cành cây đan xéo nhau rồi chia cho mọi người. Ở đó, mùa nào thức nấy, người ta trồng đủ các loại rau xanh như mồng tơi, rau ngót, dền cơm, rau muống, cà chua, rau bí… Chỉ có điều, vất vả hơn nông dân trồng rau chuyên nghiệp ở chỗ: họ phải xách nước từ các tầng cao của khu nhà CT10 xuống để tưới tắm cho rau.
Chiều nào cũng thế, khi những tia nắng gay gắt đã dịu xuống, chỉ còn lại là màu vàng nhạt, cảnh người dân ở khu CT10 nối đuôi nhau xách bình ô doa sóng sánh nước xuống tưới rau ở những khu vườn đã trở thành quen thuộc. Bác Nguyễn Thị Thanh, 60 tuổi tay vừa xách can nước để xuống tưới rau vừa vui vẻ nói: “Từ ngày tự trồng rau ăn, không chỉ “đỡ” bao nhiêu tiền mà còn được ăn rau sạch”. Còn ông Trần Văn Thanh, gần 80 tuổi thì tâm sự, chẳng ngờ đến cuối đời không những được ở trong một khu nhà hiện đại, một căn hộ tiện nghi, ông lại còn có được mảnh vườn tự tay chăm sóc để cung cấp rau ăn mà trước kia, nằm mơ cũng không bao giờ ông nghĩ tới.
Không chỉ người dân CT10 mà ở tòa nhà nào trong khu đô thị Việt Hưng, người dân cũng cố gắng có “mảnh vườn riêng” dù dưới hình thức nào. Có khi là mảnh đất được “khai hoang” cũng có khi chỉ là những thùng xốp hoặc bất kể cái gì có thể chứa được đất và chịu được nước… rồi đổ đất vào đó trồng rau. Mà trồng theo hình thức này nhiều chẳng kém gì so với trồng rau trên những mảnh đất hoang. Chỉ có điều trồng rau trong những chậu, thùng xốp… phải lựa chọn loại cây dễ sống như rau cải, mồng tơi, rau dền, các loại rau thơm, ớt… Những loại cây ấy cũng được họ chăm bón như đối với loại rau trồng trong những mảnh vườn thực sự. Họ cũng tưới tắm, chăm bón, cũng được che chắn khi nắng, mưa… Đến khi rợp lá thì họ chỉ việc hái rau ăn như mùa thu hoạch.
Bên cạnh khu đô thị Việt Hưng, nhiều khu chung cư, đô thị khác, người dân cũng áp dụng “mô hình” tự cung tự cấp như vậy. Như ở Trung Yên, Linh Đàm, Văn Quán… Dịp giáp tết còn thấy các khu nhà này có cả lồng gà nuôi… trước cửa. Nếu không ở một góc tường nào đó, khuất lối đi qua lại, người dân dựng tạm bợ một chiếc chuồng để nuôi gia cầm.
Tính năng mới của… nhà ở
Từ việc trồng rau, chăn nuôi để tự cung tự cấp trên đây mới thấy nó chẳng khác thời kỳ bao cấp đã cách đây khoảng hơn 30 năm là mấy. Hồi ấy, người ta cũng tìm đủ mọi cách để trồng rau nuôi gà, vịt, lợn trên diện tích chật hẹp, đặc biệt là ở thành thị. Còn nhớ căn nhà vỏn vẹn chục mét vuông và chiếc sân rộng chưa đến 3m2, chủ căn nhà thu hẹp tối đa diện tích sinh hoạt còn tăng tối đa diện tích “VAC” theo cách nói vui để “cải thiện” cuộc sống. Vì hồi đó, kinh tế khó khăn, ăn còn không đủ no nói gì đến chuyện ăn ngon. Nên chăn nuôi gia cầm như vậy, nhưng họ chỉ ăn một phần, còn một phần mang bán lấy tiền chi trả những sinh hoạt phí khác.
Rồi cả chuyện nuôi lợn trong căn hộ tập thể, không ai có thể tưởng tượng được trong một diện tích có thể nói một người xoay còn không nổi thế mà phần phụ được ngăn ra để lấy chỗ nuôi lợn, nuôi cả chim cút. Như nhà ở khu tập thể Giảng Võ, thời kỳ bao cấp, có nhà ngăn hẳn nửa diện tích rồi làm lồng sắt chạy dài bám theo bức tường và cao từ dưới đất lên đến trần. Sau đó ngăn thành từng tầng để nuôi chim cút. Cho nên bước vào những căn hộ tập thể như vậy với mùi hôi thối của phân chim, phân gà cùng với lông chim, lông gà… bay tứ tung sau mỗi lần chúng rũ cánh, có cảm giác đó là chỗ dành cho gia cầm hơn là cho người!
Nói chung, cuộc sống khốn khó đã làm người ta phải nghĩ đủ mọi cách, phải chịu đủ mọi cực khổ theo kiểu “biến nhà thành chuồng”, bỏ qua cả những thứ được cho là văn minh để bảo đảm cuộc sống tối thiểu mà trong đó tự cung tự cấp là một hình thức. Còn bây giờ khác với thời bao cấp ở chỗ tự cung tự cấp không phải là để “ăn lấy no” mà là để giữ gìn sức khỏe bằng những thực phẩm sạch trước thực trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm trọng. Nhưng dù vì lý do gì, dưới hình thức nào “tự cung, tự cấp” kiểu này kết cục chung sẽ đều làm cho đô thị trở nên nhếc nhác, bẩn thỉu, trái ngược với sự văn minh, phát triển của thủ đô.
Lý hay tình?
Từ 5 năm nay đã có hẳn một văn bản là Quyết định 08/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng về “Những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng nhà chung cư (Điều 23), bởi vậy việc tăng gia trong khu chung cư là không được phép.
Nhưng về tình, thì ai ở trong hoàn cảnh an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay mà không tìm đến mô hình tự cung tự cấp. Nếu không làm được thì chẳng qua là không tận dụng được diện tích, không gian mà thôi. Thế nên cái lý: “Không ai cứu mình thì tự mình phải cứu mình trước” của dân có vẻ là không sai.
Cũng từ đây mới thấy một việc, công tác quản lý của các cơ quan chức năng đối với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cực kỳ kém: từ sự phân chia quản lý giữa các ngành đến nội dung quản lý, điều luật đều chồng chéo, bất cập. Sự phối hợp thì “mạnh ai người nấy làm”; Văn bản quy định có khi lại mâu thuẫn với thực tế, khó có thể thực hiện được. Mà những điều này đã nói mãi, bản thân các ngành cũng biết nhưng mãi… vẫn chưa được rút kinh nghiệm?!
Có một điều là khi một quy định, quyết sách ra đời nếu phù hợp với hoàn cảnh thực tế, hợp lòng dân thế nào cũng thực hiện được. Nhưng trong trường hợp ngược lại, chắc chắn sẽ khó đi vào cuộc sống.
Vì vậy, để Quyết định 08 có hiệu quả tuyệt đối, để việc “tự cung tự cấp” không phải là mô hình bộc phát, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nói chung của nhiều người thì nguyên nhân sâu xa: an toàn vệ sinh thực phẩm phải bảo đảm phải được giải quyết đầu tiên và triệt để. Và giải quyết như thế nào, câu hỏi này xin được gửi tới các bộ, ngành quản lý. Nếu không sự nỗ lực, phấn đấu mấy chục năm qua cho môi trường, cảnh quan đô thị, chất lượng cuộc sống của con người… lại trở về số 0 có khi chỉ vì chuyện “tự cung tự cấp”.
Nguyễn Anh