Ủy ban Tư pháp của Quốc hội:
Mới chỉ phát hiện các vụ tham nhũng vặt
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chỉ rõ, dù công tác trên đã được Chính phủ cùng các cơ quan chức năng đẩy mạnh, tuy nhiên kết quả như mong muốn vẫn chưa có nhiều.
Báo cáo thẩm tra khẳng định, cơ quan thanh tra của các địa phương, các ngành rất yếu. Có cơ quan thanh tra tiến hành rất nhiều cuộc thanh tra nhưng lại phát hiện được rất ít tham nhũng (có một số địa phương trong hơn 2 năm thực hiện 804 cuộc thanh tra nhưng chỉ phát hiện được 01 đến 02 vụ tham nhũng nhỏ và kiến nghị xử lý kỷ luật, hành chính...).
Đây chính là hạn chế đã được nêu ra nhiều lần trong báo cáo của Chính phủ, Quốc hội nhưng tiến triển chậm, mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý và xử lý cán bộ, công chức, viên chức. Theo Báo cáo của Chính phủ thì chỉ có Ngân hàng Nhà nước tự phát hiện được 45 vụ việc vi phạm pháp luật với số tiền sai phạm trên 917 tỉ đồng, đã thu hồi được trên 23 tỉ đồng, đạt 2,5% số tiền phải thu hồi.
Năm 2013, lực lượng thanh tra phát hiện 80 vụ, 90 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117,5 tỉ đồng, kiến nghị thu hồi 117,5 tỉ đồng; đã thu hồi 59 tỉ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 04 tập thể, 28 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra hình sự 11 vụ, 34 đối tượng.
Lực lượng cảnh sát điều tra đã thụ lý 371 vụ án, 847 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó: khởi tố mới 233 vụ, 568 bị can (so với cùng kỳ năm trước tăng 11 vụ và 97 bị can); thiệt hại khoảng 9.260 tỉ đồng; 51.000 lượng vàng SJC và 155.000m2 đất; đã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước trên 900 tỉ đồng. Đã đình chỉ điều tra 07 vụ, 06 bị can; tạm đình chỉ 09 vụ, 23 bị can; hiện đang điều tra 96 vụ, 230 bị can.
Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 278 vụ, 584 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỉ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2% (năm 2012 tỉ lệ này là 44,1%); số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 31,2% (năm 2012 tỉ lệ này là 34,2%).
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp khẳng định, vẫn còn xử lý không nghiêm minh, nương nhẹ và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm như lợi dụng kẽ hở của pháp luật để xử lý hành vi tham nhũng bằng biện pháp kỷ luật, hành chính; hoặc chưa xem xét toàn diện loại vụ việc đã khởi tố nhưng do đã khắc phục hậu quả, trả lại tiền, tài sản tham nhũng nên đình chỉ điều tra bị can. Ngoài ra, khi xét xử thì áp dụng nhiều lần tình tiết giảm nhẹ để xử dưới khung hình phạt và cho hưởng án treo hoặc phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ.
Ủy ban Tư pháp nhìn nhận, nghiệp vụ phòng ngừa tham nhũng ở một số cơ quan điều tra còn thực hiện chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Có nơi còn buông lỏng; chế độ trách nhiệm, chế độ công vụ đối với mỗi vị trí công tác chưa rõ ràng, cụ thể, nhất là ở những khâu liên quan tới người dân, doanh nghiệp…
Lê Tùng