IMF và WB tìm lý do tồn tại?
Sang năm, hai định chế tài chính quốc tế là Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ tròn 70 năm tuổi. Tuy nhiên, tại cuộc họp thường niên vừa diễn ra, hai tổ chức này đang đi tìm những lý do mới để tồn tại trong một thế giới đã quá khác xưa rồi.
Năng lượng Mới số 267
Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có cơ chế hoạt động thoạt nhìn gần giống nhau. Được gọi chung với cái tên Các tổ chức Bretton Woods (lấy theo tên ngôi làng thuộc bang New Hampshire, Mỹ, nơi phái đoàn 44 quốc gia tập trung để thống nhất việc thành lập vào tháng 7/1944), WB và IMF là bộ cột đôi chống đỡ cấu trúc trật tự kinh tế và tài chính thế giới từ khi nó được thành lập.
Trên bề mặt, WB và IMF có nhiều đặc tính giống nhau. Ban bệ cả hai đều được quản lý bởi chính phủ các nước thành viên. Cả hai tổ chức đều chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan kinh tế và tập trung việc củng cố cũng như phát triển nền kinh tế của nước thành viên. Viên chức cả hai tổ chức luôn cùng xuất hiện tại các hội thảo kinh tế, phát biểu bằng thứ ngôn ngữ kinh tế và tài chính y hệt.
Trụ sở cả hai cũng đều ở Washington DC mà trước kia thậm chí còn ở chung “nhà” (hiện nay, hai trụ sở nằm đối diện trên cùng con đường tại vị trí cách Nhà Trắng không xa). Tuy nhiên, bề sâu cơ chế hoạt động của hai tổ chức trên có những điểm khác nhau khá rõ ràng mà cơ bản nhất nằm ở chỗ: WB là tổ chức phát triển, trong khi IMF là tổ chức hợp tác với nhiệm vụ duy trì một cách trật tự cho hệ thống chi trả giữa các quốc gia.
Hội nghị thường niên của WB và IMF diễn ra ngày 12/10/2013 tại Washington
WB có nhiệm vụ chủ yếu hỗ trợ tài chính cho sự phát triển kinh tế. Cho đến nay, WB đã cho các nước thuộc khối đang phát triển vay khoảng 330 tỉ USD. Trong khi đó, IMF ra đời với mục đích khác. Khi thành lập IMF, cộng đồng thế giới muốn phản ứng với nhiều vấn đề tài chính không thể giải quyết được từng tạo ra cuộc Đại khủng hoảng vào thập niên 30 của thế kỷ trước. Đó là sự biến động đột ngột, không tiên liệu nổi về giá trị hoán đổi tiền tệ giữa các quốc gia. Như thế, IMF trở thành “bác sĩ” của nền kinh tế toàn cầu, chuyên chữa trị các ung nhọt nhức nhối trong hệ thống kinh tế - tài chính.
Một trong những điều luật quan trọng nhất của IMF là buộc các nước thành viên phải để đồng tiền mình được trao đổi tự do với các đơn vị tiền tệ nước ngoài; và trong mọi trường hợp, phải báo cáo với IMF mọi sự thay đổi trong các chính sách tài chính - kinh tế nước mình, nhằm tránh gây ảnh hưởng cho nền kinh tế các nước thành viên. Hơn nữa, thành viên phải hiệu chỉnh các chính sách liên quan đến tài chính - kinh tế theo lời khuyên IMF để phù hợp với nhu cầu của toàn bộ khối nằm chung trong tổ chức.
Để hỗ trợ các nước thành viên tuân theo nguyên tắc trên, IMF cho vay tiền khi thành viên nào gặp rắc rối về tài chính. Bởi vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi IMF luôn can thiệp đôi khi khá thô bạo vào nền kinh tế một nước đang cần hỗ trợ của họ. Nói tóm lại, mục tiêu IMF là duy trì sự ổn định, mà theo họ, muốn ổn định thì phải có trật tự, trong khi đó, muốn tái lập trật tự từ mớ hỗn độn thì buộc phải cắn răng chịu đánh đổi một số mất mát.
Cho đến nay, hai thể chế tài chính anh em với sự tham gia của 188 quốc gia này đang chuẩn bị bước vào tuổi 70 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng ít bị thống trị bởi Mỹ và châu Âu, trong khi Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế đang nổi khác đang bước những bước vững chắc vào trung tâm quyền lực của kinh tế thế giới.
Đối với IMF, để có được tính chính đáng mới thì cần phải cải cách tính đại diện của các quốc gia thành viên, sao cho phù hợp với trọng lượng kinh tế của mỗi nước. Cuộc khủng hoảng ngân sách vừa qua tại Mỹ đã giúp cho IMF tránh được những cuộc thảo luận gay gắt về các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà định chế này áp đặt cho một số nước trong Khu vực đồng euro (Eurozone). Thế nhưng, một lần nữa IMF lại bị phê phán về việc phân bổ tính đại diện thiếu công bằng.
Từ nhiều năm nay, các nước đang trỗi dậy vẫn phàn nàn về việc họ chỉ có các quyền bỏ phiếu khá nhỏ trong IMF và đòi điều chỉnh sự bất công này để phản ánh đúng thực trạng và quyền lực của họ trong nền kinh tế thế giới hiện nay. Cho đến nay, quyền bỏ phiếu của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ cao hơn Italia một chút tại IMF, vốn vẫn do một người châu Âu nắm quyền tổng giám đốc kể từ khi được thành lập vào năm 1944. Dự án cải cách IMF đã được đưa ra từ 3 năm nay (năm 2010), nhưng việc thực hiện vẫn bị Mỹ phản đối.
Ngày 9-10 vừa rồi, trong khi nhấn mạnh rằng IMF cần phải có tính đại diện cao hơn và phản ánh được những thay đổi trên thế giới, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde thừa nhận là không có cách nào để làm cho cổ đông số một của định chế này là Mỹ, thay đổi ý kiến. Trong khi đó, ông Jacob Funk Kirkegaard, chuyên gia thuộc Viện Kinh tế thế giới Peterson tại Washington cho rằng: “Đây là một vấn đề tồn tại đã lâu và cho thấy IMF phần nào đã lỗi thời, đồng thời thực sự đặt ra vấn đề về tính khả tín của IMF cũng như cho thấy thể chế này đang ngày càng tệ hơn”. Cũng vào đầu tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Argentina Hernan Lorenzo nói thẳng ra rằng, việc mất dân chủ trong lãnh đạo và quản lý IMF cho thấy định chế này cần phải được cải tổ sâu rộng. Thậm chí, ngay cả Thống đốc Ngân hàng Trung ương Áo Ewald Nowotny, đại diện cho Áo, Thổ Nhĩ Kỳ và 6 nước Trung, Đông Âu khác, cũng lên tiếng rằng họ “quá thất vọng về tiến triển chậm chạp của cuộc cải cách”.
Các nước mới nổi trong nhóm BRICS gồm Brazil (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), đã quá sốt ruột và bắt đầu phản công khi quyết định sẽ thành lập một quỹ tiền tệ riêng của họ. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Brazil Alexandre Tombini vừa qua cho biết, Quỹ tiền tệ riêng của BRICS sẽ được thành lập vào năm 2014.
Theo giới chuyên gia, bất chấp những chỉ trích, IMF vẫn có một vị thế quan trọng trong tương lai và đứng ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống khủng hoảng. Thể chế tài chính này đã tham gia vào bốn chương trình giải cứu Eurozone trong thời gian qua, đồng thời vẫn duy trì là vị trí trung tâm trong mạng lưới kinh tế toàn cầu với vai trò là người giám sát, tư vấn, hỗ trợ các thành viên cải tổ cơ cấu kinh tế, tái lập cân bằng ngân sách.
Với WB - nhà tài trợ khổng lồ cho phát triển, những khó khăn và thách thức còn lớn hơn và cấp bách hơn nhiều: Bộ máy cồng kềnh, tốn kém; thiếu vốn đóng góp; cạnh tranh của các đối tác mới trong lĩnh vực phát triển, trong đó có cả từ khu vực tư nhân; Trung Quốc và các quỹ phát triển khác, những thành phần đang đe dọa sẽ giảm đóng góp tại những nước nghèo, đặc biệt là châu Phi.
Kể từ khi lên nắm quyền Chủ tịch WB vào năm 2012, ông Jim Yong Kim đã tập trung nhiều hơn vào mục tiêu chống nghèo đói trên toàn cầu đến năm 2030 và khuyến khích một cuộc cải tổ sâu rộng bên trong định chế để chống lại tình trạng quan liêu, chia rẽ và “văn hóa sợ hãi” trong ban lãnh đạo. Ông Kim nhận định: “Một ngân hàng chuyên hỗ trợ phát triển sẽ không thể hoạt động được khi các khách hàng bị chính định chế này làm cho mất phương hướng”.
Chủ tịch WB cũng đưa ra kế hoạch tiết kiệm 400 triệu USD cho WB, với mục tiêu là trong vòng 3 năm tới sẽ đưa ngân sách hoạt động của WB giảm xuống còn 4,6 tỉ USD/năm. Các khoản tiết kiệm sẽ được thực hiện qua việc cắt giảm chi phí đi lại, công tác; hạn chế mua sắm trang biết bị và giảm bớt số nhân viên, hiện có tới 10 ngàn người trên toàn thế giới. Trong những tháng tới, ngân hàng cũng sẽ yêu cầu các quốc gia thành viên quyên góp cho Hiệp hội Phát triển quốc tế - một quỹ của WB dành riêng cho những nước nghèo nhất.
Theo ông Nicolas Monbrial thuộc tổ chức phát triển Oxfam thì công cuộc cải tổ WB không phải là dễ dàng, mặc dù được Mỹ ủng hộ nhưng nhiều nước thành viên khác vẫn chống lại. Ông nói: “Vấn đề cơ bản là làm thế nào để bảo đảm được rằng WB sẽ linh hoạt hơn mà không làm giảm các chuẩn mực về chất lượng. Chắc chắn là sẽ có một cuộc thảo luận thực sự giữa các nước thành viên của WB”.
Nói tóm lại, tình hình kinh tế thế giới thế kỷ XXI có nhiều biến đổi và phức tạp hơn nhiều so với thời kỳ cách nay gần 70 năm, do đó đòi hỏi cách thức tổ chức và hoạt động của IMF và WB cũng phải mới hơn để thích ứng.
S.Phương (tổng hợp)