Nga thanh sát không phận các quốc gia NATO
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết, nhóm chuyên gia quân sự của nước này đã bắt đầu thực hiện chuyến bay thanh sát vùng không phận của các quốc gia thành viên NATO là Slovakia và Cộng Hòa Czech bắt đầu từ hôm qua (20/10) theo Hiệp ước Bầu trời Mở quốc tế.
Theo ông Sergei Ryzhkov – người đứng đầu Trung tâm Cắt giảm Nguy cơ Hạt nhân Quốc gia thuộc Bộ Quốc phòng Nga, trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến 26/10 tới đây, trên máy bay An-30B, các chuyên gia Nga sẽ giám sát việc thực hiện các thỏa thuận vùng trời của 2 nước nói trên nhờ sử dụng một số thiết bị kỹ thuật giám sát công nghệ cao và theo lộ trình bay mà các bên đã thỏa thuận từ trước.
Máy bay Antonov An-30B
Cụ thể, các thanh sát viên Nga sẽ thực hiện nhiệm vụ từ căn cứ không quân Malacky của Slovakia từ ngày 20 đến 23/10 và từ căn cứ Pardubice của Cộng Hòa Czech từ ngày 23 đến 26/10.
Các chuyên gia đến từ Slovakia và Cộng Hòa Czech cũng sẽ có mặt trên khoang máy bay với vai trò giám sát việc sử dụng các thiết bị do thám và ghi hình. Các thiết bị này đã được kiểm tra và chứng nhận bởi các chuyên gia quốc tế. Không một loại vũ khí nào được có mặt trên khoang máy bay.
Được biết, đây sẽ là chuyến bay thanh sát thứ 35 và 36 được Nga tiến hành trên không phận các quốc gia tham gia Hiệp ước Bầu trời Mở trong năm 2013.
Với hiệp ước Bầu trời Mở, mỗi máy bay bay theo chương trình này sẽ được trang bị máy ảnh chuyên dụng có thấu kính quang học, máy quay phim với màn hình hiển thị thời gian thực, bộ cảm biến hình ảnh hồng ngoại và radar hình ảnh.
Hiệp ước Bầu trời Mở được ký kết vào ngày 24/3/1992 tại Helsinki, Phần Lan theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George H.W Bush. Các nước tham gia hiệp ước sẽ thiết lập một chế độ bay quan sát không vũ trang trên lãnh thổ của 34 quốc gia thành viên, nhằm thúc đẩy sự công khai và minh bạch trong các hoạt động quân sự của các quốc gia này.
Hiệp ước này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2002, cho phép các quốc gia thành viên thực hiện những chuyến bay quan sát không vũ trang trên lãnh thổ của nhau (bao gồm cả đất liền, đảo và các vùng lãnh hải) và là một yếu tố quan trọng trong cấu trúc an ninh khu vực châu Âu.
Dữ liệu hình ảnh được ghi lại trong các chuyến bay thanh sát có thể được chia sẻ giữa các bên ký kết hỗ trợ giám sát việc tuân thủ các hiệp ước kiểm soát vũ khí ở thời điểm hiện tại hay trong tương lai.
T.V.Lâm (Theo RIA)