Thời của sáp nhập, hợp nhất
Sau một thời gian mải chạy theo tăng trưởng số lượng, với điều chỉnh của đề án tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ nhằm tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp thì hàng loạt tổ chức, định chế tài chính đang phải tìm đến với nhau để tồn tại và phát triển. Xu thế sáp nhập, hợp nhất sẽ còn tiếp tục nhằm duy trì sự ổn định và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Sáp nhập để tồn tại…
Xuất hiện tin đồn từ cuối tháng 10/2012 nhưng đến gần đây, thông tin về “hôn nhân” giữa hai ngân hàng (NH) HDBank và DaiABank mới được chính thức xác nhận. Theo thông tin tại Đại hội cổ đông của hai NH này, thì DaiABank sẽ sáp nhập vào HDBank. Sau sáp nhập, thương hiệu DaiABank sẽ mất đi và thay vào đó chỉ còn duy nhất thương hiệu HDBank. Theo nội dung đề án sáp nhập, vụ sáp nhập này sẽ giúp NH mới tốt hơn và DaiABank cũng không chịu một tổn thất nào, bởi lẽ tỷ lệ hoán đổi là 1:1, nhân sự cũng sẽ không có sự thay đổi. Mất đi thương hiệu DaiABank nhưng NH lại được khoác lên mình chiếc áo mới mang hình HDBank - một trong những NH đang có những bước phát triển vững chắc và có tiềm lực tài chính dồi dào.
PVcomBank có tổng tài sản đứng thứ 9, vốn điều lệ đứng thứ 7 trong hệ thống NH thương mại tại Việt Nam
Cũng là sáp nhập nhưng, trước đó, hôn nhân giữa Habubank và SHB không thật êm thấm khi thương hiệu Habubank với 20 năm tồn tại đã bị xóa sổ. Vụ sáp nhập chính thức vào ngày 28/8/2012 mang lại khá nhiều bất ngờ cho giới chuyên môn. Kết cục phải “bán mình” của Habubank xảy ra là tất yếu bởi lẽ Habubank buộc phải tái cơ cấu khi đang mang trên mình khoản lỗ lũy kế lên tới 4.066 tỉ đồng (vượt qua cả vốn điều lệ) mà nguyên nhân là do đã tập trung cho vay đối với Vinashin và một số đơn vị liên quan quá lớn.
Như vậy, thay vì phải phá sản, Habubank sẽ bị “xóa sổ” và sáp nhập thành một phần của SHB. Theo ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết: Khi nhận sáp nhập Habubank, nợ xấu tương đối cao, nên nhiệm vụ trọng tâm và hàng đầu trong công tác quản trị điều hành của SHB là tập trung xử lý khó khăn này. Mặc dù hiện nợ xấu còn ở mức cao nhưng trong 6 tháng đầu năm 2013 SHB đã xử lý thu hồi được 2.926 tỉ đồng nợ xấu. Và đến 31/7/2013, SHB đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của NHNN với hơn 2.100 tỉ đồng. Như vậy, không còn thương hiệu Habubank nhưng những “dấu tích” Habubank tồn tại trong NH mới SHB đã tốt hơn trước rất nhiều.
Cũng là một thương vụ thâu tóm đình đám cách đây mấy năm, Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish) sau một thời gian trên đỉnh cao bỗng dưng làm ăn sa sút rồi rơi vào tay của Công ty Thủy sản Hùng Vương. Tuy nhiên, sau khi được Thủy sản Hùng Vương tiếp quản, hoạt động kinh doanh của Agifish khởi sắc với doanh thu và lợi nhuận tăng đều qua từng năm. Tính đến hết tháng 6/2013, lợi nhuận của Agifish đã đạt 25 tỉ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ tiêu Agifish đã đặt ra cho cả năm sẽ là 3.000 tỉ đồng doanh thu và 120 tỉ đồng lợi nhuận.
Hợp nhất để phát triển
Thông tin từ đại hội cổ đông cả hai công ty cổ phần chứng khoán MB (MBS) và VIT (VITS) cho biết, MBS và VITS vừa tổ chức đại hội cổ đông bất thường với nội dung chính là công bố sáp nhập giữa MBS và VITS. Đây là vụ sáp nhập công ty chứng khoán đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam, được cho là phù hợp với đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán. Việc hợp nhất nhằm mục đích giúp 2 công ty tận dụng lợi thế của nhau để tạo nên một định chế tài chính quy mô lớn hơn, theo đúng chủ trương tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo hướng giảm về số lượng mà tăng về chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động. Đồng thời việc hợp nhất này giúp MBS cơ cấu lại tài sản, nguồn vốn và xóa lỗ lũy kế của mình trên bảng cân đối tài sản. Từ đó công ty có thể tích lũy lợi nhuận và tiến đến việc niêm yết trên thị trường chứng khoán trong tương lai gần.
Gần đây nhất, ngày 1/10/2013, NH hợp nhất PVcomBank đã chính thức đi vào hoạt động trên cơ sở hợp nhất giữa Tổng Công ty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam (PVFC) và NH TMCP Phương Tây (WesternBank). Sau khi hợp nhất, PVcomBank có tổng tài sản đứng thứ 9, vốn điều lệ đứng thứ 7 trong hệ thống NH thương mại tại Việt Nam. Với nhu cầu vốn lớn, đồng thời là cổ đông lớn nhất cùng với lịch sử hợp tác lâu dài, chắc chắn Tập đoàn Dầu khí tiếp tục được PVcomBank thu xếp vốn cho các dự án lớn. Vậy nên, việc PVFC chuyển đổi mô hình hoạt động sang NH thương mại sẽ không ảnh hưởng đến quá trình thu xếp vốn cho Tập đoàn Dầu khí mà ngược lại với tiềm lực được cộng hưởng thêm từ WesternBank sẽ tạo nền tảng vững chắc hơn cho NH mới PVcomBank trong nhiệm vụ sát cánh cùng các dự án ngành Dầu khí.
Một công ty tài chính khác cũng đang “tìm cửa” thoát khỏi cái áo đã quá chật hẹp là Công ty CP Tài chính Vinaconex - Viettel (VVF). Mục tiêu năm 2014 VVF sẽ mở rộng thị trường và năm 2015 sẽ trở thành NH đầu tư có uy tín, thương hiệu trên thị trường. Theo đó, VVF sẽ nghiên cứu xem xét phương án mua bán sáp nhập (M&A) theo hướng cơ cấu lại các tổ chức tín dụng của NHNN, tìm kiếm và lựa chọn đối tác có tiềm năng về tài chính, nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cho công ty. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mục tiêu này của VVF khó có thể đạt ngay được khi hoạt động kinh doanh của VVF trong nhiều năm qua không mấy lạc quan. Và sẽ còn khó khăn hơn nữa khi mà Viettel sẽ phải thoái vốn khỏi VVF theo nội dung tại đề án tái cơ cấu Tập đoàn Viễn thông Quân đội giai đoạn 2013-2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trường hợp khác còn đang tìm kiếm đối tác để sáp nhập, hợp nhất là NH Xăng dầu PGBank. Đây là tổ chức tín dụng duy nhất còn sót lại chưa hoàn thành phương án tái cơ cấu theo đề án tái cấu trúc các tổ chức tín dụng của NHNN. Tuy nhiên, theo thông tin từ nội bộ NH này, hiện NHNN đang có 2 hướng xử lý đối với NH theo hướng hoặc đàm phán bán lại toàn bộ PGBank cho đối tác nước ngoài hoặc thực hiện sáp nhập PGBank vào một NH thương mại cổ phần lớn khác trong nước. Cho dù thực hiện theo phương án nào thì nhiều khả năng thương hiệu PGBank cũng không tồn tại nhưng chắc chắn tài sản và nguồn vốn đó sẽ được sử dụng tốt và hiệu quả hơn.
Trước đó, tháng 10/2011, thương vụ sáp nhập Công ty CP Vinpearl vào Công ty CP Vincom để thành lập Tập đoàn Vingroup đã là một trong những sự kiện sáp nhập doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam trong thời điểm đó, tạo ra sức mạnh mới cho hoạt động quản trị doanh nghiệp, làm nên một tập đoàn có tầm vóc quốc tế và đủ sức mạnh cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài.
Theo thông tin tại diễn đàn hoạt động M&A mới diễn ra tháng 8/2013 do Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì, hoạt động mua bán sáp nhập tại nước ta đã tăng gấp 5 lần kể từ năm 2009, từ con số 1,08 tỉ USD lên mức kỷ lục 5,1 tỉ USD trong năm 2012; Trong 6 tháng đầu năm 2013, giá trị M&A đạt khoảng 1,8 tỉ USD, dự báo cả năm 2013 sẽ đạt khoảng 3,6 tỉ USD.
Nhiều cơ hội tồn tại và phát triển tốt hơn - vì thế sáp nhập, hợp nhất đang là hướng đi chiến lược và lối ra cho nhiều tổ chức, định chế tài chính trong giai đoạn hiện nay.
Thành Trung