Quản lý khoáng sản còn nhiều bất cập
Sáng 8/10, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức hội thảo về quản trị tài nguyên khoáng sản.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu khai mạc hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng: công tác quản lý nhà nước về khoáng sản thời gian qua còn rất nhiều bất cập, nhất là trong cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản cũng như thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản.
Cho đến thời điểm này số lượng giấy phép thăm dò khai thác khoáng sản khá lớn nhưng lực lượng, kinh phí cho công tác kiểm tra chưa đáp ứng được yêu cầu. Trung bình 2 năm mới thanh tra, kiểm tra định kì tại 1 khu vực hoạt động khoáng sản. Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương.
Ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Từ khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực đến nay thì việc cấp phép ở trung ương và địa phương chủ yếu chúng ta đang xử lý hồ sơ nhận trước ngày 1/7, bởi vì theo cơ chế cấp phép mới chúng ta còn chưa hoàn thiện.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản thì hiện nay, tổng cộng có khoảng 4.800 các mỏ đang hoạt động trên địa bàn các tỉnh, thành phố cả nước. Với số lượng các mỏ ở quy mô như vậy và phân bố tản mạn thì hiệu lực của công tác này cũng chưa cao. Đặc biệt khoáng sản là hoạt động có tính chất chuyên ngành cần những người có chuyên ngành về địa chất khoáng sản, tuy nhiên theo thống kê số lượng cán bộ làm công việc này vẫn còn ít.
Tính đến tháng 5/2013, có gần 80 giấy phép thăm dò khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp và hơn 500 giấy phép do cơ quan Trung ương cấp đang còn hoạt động. Ngoài ra, còn có hơn 4.200 giấy phép khai thác khoáng sản, chủ yếu là khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường do UBND các tỉnh, thành phố cấp đang hoạt động trên địa bàn cả nước.
Để việc thăm dò, khai thác khoáng sản đi vào nề nếp, các đại biểu nhấn mạnh, thời gian tới cần tăng cường công tác hậu kiểm hoạt động khai thác khoáng sản. Trong quản lý cấp phép khoáng sản, ưu tiên các đơn vị có năng lực khai khoáng, có công nghệ tiên tiến và chế biến sâu, ưu tiên các dự án sử dụng hiệu quả khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, đóng góp giá trị cao cho xã hội; nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Hải Linh