Nhạc nhẹ no dồn - nhạc đỏ đói góp
Nhà tài trợ có thể bỏ tiền tỉ cho một ca sĩ nhạc nhẹ làm show, theo đó quảng cáo thương hiệu của mình. Nhưng hiếm khi nào người ta thấy những nhãn hàng chịu đứng chung sân khấu với những thể loại âm nhạc kén người nghe như… nhạc đỏ. Còn tài trợ cho nhạc thính phòng, tài trợ cho nhạc đỏ, giao hưởng, hợp xướng ở Việt Nam phải nói là hiếm như lá mùa thu.
Đó cũng là lý do tại sao ở Việt Nam, nhắc đến âm nhạc, người nghe bình dân mặc định rằng chỉ có nhạc trẻ, nhạc nhẹ và nhạc vàng. Và đó cũng là lý do tại sao, những cuốn sách hay nhất lại chẳng có dịp ồn ào. Vì người viết lo được tiền in sách cũng đã là may.
Tiêu chí dễ dãi
Quang Hà mới làm liveshow kỷ niệm 10 năm ca hát Sài Gòn - Hà Nội. Trong show diễn đó, một nhãn hàng thực phẩm chức năng tài trợ chính, nhiều nhãn hàng làm đẹp khác tài trợ phụ. Thậm chí một chủ spa là nghệ sĩ còn tài trợ cả phần xuất hiện của mình trong vai trò MC. Liệt kê như thế để biết rằng, ngay một ca sĩ bậc trung cũng có thể “vợt” được nhiều nhãn hàng sẵn sàng chống lưng cho mình trong các show diễn, dù rằng anh ta phải chấp nhận quảng cáo cho nhãn hàng bằng cách này hay cách khác.
Có nhiều thương hiệu có đẳng cấp hơn lại lựa chọn các ca sĩ nhạc trẻ, nhạc nhẹ đẳng cấp hơn để làm tài trợ, làm show diễn. Hồ Ngọc Hà từng có một nhãn hàng tài trợ làm show xuyên Việt một hai năm trước. Mr Đàm cũng luôn sát cánh cùng một thương hiệu rượu mạnh trong các show được đánh giá là sang trọng nhất trong đời làm nghề của anh. Hay như series chương trình âm nhạc được đánh giá có chất lượng nghệ thuật tốt trong năm 2012 là Con đường âm nhạc cũng được một thương hiệu xuất hiện tài trợ chính.
Nhà tài trợ sẽ không mạnh tay đầu tư cho những thể loại âm nhạc kén người nghe
Từ năm 2012 nhạc sĩ Dương Thụ đều đặn làm một show riêng trong series chương trình mà ông gọi là Cửa sổ âm nhạc của riêng mình. Đứng sau mỗi đêm diễn là loạt các nhãn hàng nổi tiếng: một thương hiệu xe máy hạng sang (Piaggio), một thương hiệu nhà mạng nhất nhì Việt Nam (Mobifone)... và hàng loạt các thương hiệu khác.
Vị nhạc sĩ này cũng thẳng thắn cho biết, nếu không có tài trợ mà chỉ trông vào bán vé ông không có đủ tiền để trả cát-xê cho Mỹ Linh, cũng chẳng dám mời “Anh Em” chơi nhạc.
Như thế đủ biết, bên cạnh một số ít chương trình có thể nhờ bán vé mà sống, đa số các show diễn âm nhạc được công chúng hóa đến như nhạc nhẹ, vị trí nhà tài trợ ở đây vẫn vô cùng lớn. Ngay cả những gương mặt ca sĩ trẻ vừa rời một cuộc thi trên sóng truyền hình hay một cuộc chơi của truyền hình thực tế được tiền hô hậu ủng như một thần tượng: Uyên Linh Idol, Hương Tràm, Đinh Hương, Yasuy hay thậm chí các em mới rời The Voice Kids như Quang Anh, Phương Mỹ Chi có được cũng không thể không nhắc đến vai trò sẵn sàng chi tiền của các nhãn hàng. Ở đây họ không chi tiền tài trợ mà họ chi tiền cho quảng cáo.
Tương tự với âm nhạc dễ nghe, những cuốn sách nổi đình đám trong thế giới sách vốn im hơi lặng tiếng đều thuộc về những cuốn sách “câu view” viết về các đề tài hot như: sex, tình yêu và du lịch. Còn rất khó để đọc được một bài báo giới thiệu một cuốn sách thiếu đề tài hot. Còn chuyện tài trợ làm sách ở Việt Nam có lẽ còn khó kiếm hơn chuyện “bắc thang lên hỏi ông trời”.
Thị hiếu cọc cạch
Trong khi, đời sống âm nhạc không chỉ có nhạc nhẹ, không chỉ có các ngôi sao bất ngờ thành danh trong các show truyền hình thực tế. Âm nhạc còn có sự cấu thành của nhạc đỏ, nhạc thính phòng và những người nghệ sĩ âm thầm cống hiến đam mê. Nhưng tính đến nay, khi truyền hình thực tế nở rộ đến mức tưởng như bão hòa vẫn không có tên một chương trình nào xây dựng dành riêng cho các dòng nhạc đỏ hay nhạc thính phòng. Cho dù, hằng năm các cuộc thi này vẫn đều đặn diễn ra ở mức độ chuyên nghiệp, nhưng vì hạn hẹp về kinh tế nên không thể “bon chen” xuất hiện trên truyền hình.
Vậy nên không khó để hình dung khi trên báo chí và truyền hình hằng ngày người ta gặp nhan nhản các gương mặt quen thuộc từ Hà Hồ đến Hương Tràm hay Uyên Linh, nhưng rất khó để đọc được một thông tin về các thí sinh mới tham gia một cuộc thi piano quốc tế được giải, một thí sinh nhí đánh đàn bầu được tung hô ở nước ngoài. Ngay một người làm nhạc nhẹ như ca sĩ Lưu Hương Giang cũng từng “phát phiền” vì sự nổi tiếng của chồng mình trong lĩnh vực nhạc nhẹ, trong khi chồng cô, công việc chính anh say mê là với cây đàn bầu.
NSND Trung Kiên mới đây trên Năng Lượng Mới cũng cho biết, một số sinh viên đoạt giải piano hay violon vẫn liên tục được giới thiệu đến công chúng nhưng giờ không ai nghe “thứ” nhạc hàn lâm này nên mọi người không biết. Ông cũng từng buồn rầu và bất lực khi biết “thời đại truyền hình thực tế” lên ngôi.
NSND Trung Kiên từng nghĩ mà buồn lòng khi nhìn thấy giải thưởng của cậu bé quán quân “Giọng hát Việt nhí” được nhận tới 500 triệu đồng tiền thưởng sau 4 tháng tham gia cuộc thi. Trong khi thực tế ông nhìn thấy các học sinh nhạc viện ẵm giải lớn nhỏ trong nước, quốc tế nhưng không ai cho một xu trừ nguồn khen thưởng hết sức eo hẹp của nhà trường. Bản thân ông cũng chứng kiến nhiều lần đồng nghiệp của mình đi xin tài trợ cho những chương trình ấy nhưng thất bại. Vậy nên các ông ngậm ngùi khi 2012 khoa Piano mới tổ chức được Concours piano nhờ có tài trợ nhưng năm nay lại tạm dừng vì nhà tài trợ cắt.
Chuyện khó tìm tài trợ của những dòng nhạc được coi là dành cho tri thức, dòng nhạc kén người nghe cũng như sách quý, sách hiếm phải mua bản quyền ở ta khó tìm như lá mùa thu. Ngoài bộ sách của NXB Trẻ “Cánh cửa mở rộng” với sự góp mặt của GS Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt nỗ lực cho ra mắt, các đầu sách ở Việt Nam nổi tiếng, được dư luận chú ý đều là những cuốn sách “câu view” và bị ném đá vì thiếu trung thực như “Xách balô lên và đi” của Huyền Chíp thời gian qua.
Chuyện nhà tài trợ bỏ tiền làm gì, phục vụ show diễn nào là việc làm của cá nhân mỗi người đứng đâu các cơ quan, doanh nghiệp, cũng như là vấn đề lợi nhuận thu được sau câu chuyện tài trợ đó. Không ai có quyền ép họ phải bỏ tiền cho chương trình này thay vì chương trình kia. Cũng không ai có quyền trách cứ họ tại sao không bỏ tiền cho các chương trình kén người nghe, hay bắt họ phải ủng hộ nhạc thính phòng, những tài năng âm nhạc piano hay violon hay bỏ một ít tiền giúp các nhà xuất bản mua bản quyền sách hay chuyển về trong nước. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thì trường đó, các nhà tài trợ đều cần sự lan tỏa mạnh mẽ nhất cho thương hiệu của mình, cho nhãn hàng cần được quảng bá của mình. Nhưng nên chăng, sự “đầu tư” ấy của họ được nhìn nhận ở con đừng dài hơi hơn, và quan tâm đến văn hóa hơn, thì có lẽ, cán cân sẽ không bị nghiêng hẳn về một đầu rất nặng còn đầu kia rất nhẹ. Bên cạnh đó, văn hóa đất nước chẳng thể phát triển lành mạnh nếu nhu cầu lương thực ngày càng bị lệch lạc như hiện nay. Vậy nên chăng, nếu thiếu vắng sự tài trợ của cái gọi là những thương hiệu mạnh, nhà nước cũng cần có đầu tư nào đó thỏa đáng hơn để cân bằng lại sự “lệch” pha đã ngày càng đáng báo động hiện nay.
Thanh Huyền