Hát văn, hầu đồng không phải là mê tín dị đoan!
Từng có thời gian dài nghi lễ chầu văn bị tác động bởi những yếu tố khách quan nên không còn trong sáng và nguyên gốc như khi ra đời, thậm chí còn bị quy là “mê tín dị đoan”.
Lần đầu tiên Liên hoan Nghi lễ chầu văn Hà Nội được tổ chức từ ngày 25/9-5/10 đã thu hút một lượng đông đảo công chúng đến tham dự. 10 nhóm chầu văn tiêu biểu nhất tại Liên hoan đã trình diễn phục vụ công chúng Thủ đô tại rạp Công Nhân trong 2 ngày 4-5/10.
Trong buổi chiều ngày 5/10, tọa đàm về "Bảo tồn và phát huy giá trị của nghi lễ chầu văn trong đời sống đương đại" đã diễn ra tại Sở VH,TT&DL Hà Nội.
Các tiết mục chầu văn đặc sắc nhất được trình diễn tại rạp Công Nhân trong 2 ngày 4 và 5/10
Việc tổ chức Liên hoan nhằm làm cơ sở xây dựng hồ sơ nghi lễ chầu văn Hà Nội. Sau đó trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.
Liên hoan nghi lễ chầu văn ngoài mục đích kiểm kê và bước đầu tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể chầu văn tại Hà Nội, còn có mục tiêu định hướng cho hình thức trình diễn nghệ thuật mang màu sắc tâm linh này.
Một tín ngưỡng tôn giáo – văn hóa cộng đồng
Theo TS Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - Tứ phủ không chỉ là một tín ngưỡng tôn giáo, mà còn là văn hóa. Đó là văn hóa nghệ thuật truyền thống rất phong phú, với truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về các thần linh, văn hóa truyền miệng, đặc biệt là diễn xướng với âm nhạc, ca hát, nhảy múa…
Chỉ riêng nghi lễ Lên đồng (chầu đồng) của tục thờ thánh Mẫu đã sản sinh ra loại ca nhạc Hát văn, là một trong những loại hình dân ca tiêu biểu nhất của người Việt. Diễn xướng Hầu đồng phải thực hiện trước các bàn thờ Tứ phủ với tượng Thánh, đồ thờ cúng, các lễ vật được trang trí với màu sắc rực rỡ phù hợp với các đền, phủ.
Hát Chầu văn, còn gọi là hát văn, có xuất xứ từ đồng bằng Bắc Bộ, với thời kỳ thịnh vượng nhất là cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt nghiêm trang, hát văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa hầu Thánh.
Trong Hầu đồng (hay Lên đồng, Hầu bóng) âm nhạc Hát văn và múa thiêng không tách khỏi những hành động của các ông Đồng, hay bà Đồng trong nghi lễ nhập hồn. Và gần như thành lề luật, mỗi giá đồng (tức từ khi một vị Thánh nào đó nhập hồn và xuất hồn) có những bài văn chầu được hát theo làn điệu nhất định, có âm nhạc kèm theo.
Vậy là, Hát văn – Lên đồng không chỉ là sinh hoạt cộng đồng thuần túy, mà là sinh hoạt mang tính chất tín ngưỡng – văn hóa cộng đồng. Đây là nghi lễ chính, nghi lễ tiêu biểu của tục thờ Thánh mẫu Tam phủ - Tứ phủ. Hát văn luôn gắn chặt với Lên đồng (chầu văn), bên cạnh đó nghệ thuật đặc sắc này còn phát triển thành một loại hình dân ca truyền thống, được biểu diễn ở các môi trường khác nhau.
Tìm đến giá trị đích thực trong tín ngưỡng chầu văn
Hiện nay, từ nông thôn đến thành thị, hình thức sinh hoạt tín ngưỡng lên đồng đang tồn tại và phát triển, mở rộng. Cùng với đó, các điện thờ Tứ Phủ trong các chùa chiền đã góp phần tạo nên không khí nhộn nhịp, nhất là trong các dịp lễ lớn và thu hút đông đảo các tín đồ đến hành hương, dâng cúng.
Tuy nhiên, tín ngưỡng lên đồng cũng đang đứng trước thách thức không nhỏ, đó là hiện tượng người ta lợi dụng vì các mục đích khác nhau, thậm chí phản lại tính nhân bản, tính văn hóa vốn có của tôn giáo tín ngưỡng. GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Dân gian cho biết: “Không ít người lợi dụng lên đồng để trục lợi, buôn thần bán thánh. Không ít kẻ giàu lên nhờ lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng, đi ngược bản chất của bất cứ tôn giáo nào cũng là hướng thiện, trừ ác”.
Chính vì vậy, chúng ta cần phân biệt rất rõ những đối tượng, thành phần tham gia vào công cuộc lưu giữ, bảo tồn và hiện tượng lợi dụng văn hóa tín ngưỡng để trục lợi, làm mất đi vẻ đẹp và giá trị đích thực của nó trong đời sống xã hội.
Nghi lễ chầu văn là hình thức lễ nhạc gắn với hầu đồng của tín ngưỡng Đạo Mẫu và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần
GS Ngô Đức Thịnh đã nói: “Điều khác biệt cơ bản giữa Đạo Mẫu và các hình thức Saman giáo khác là ở chỗ Đạo Mẫu không hướng về “đời sống” bên kia của con người sau cái chết, mà là đời sống thực tại với ước vọng sức khỏe, tài lộc và may mắn. Đó là ước vọng huyền bí và hấp dẫn đối với tất cả mọi người ở mọi thời đại".
Phải chăng đó cũng chính là lý do vì sao nghi lễ chầu văn (nghi lễ hầu đồng) ngày càng phát triển trong đời sống xã hội đương đại. Và cũng vì thế, công tác bảo tồn, phát huy nghi lễ chầu văn cần được nhận thức một cách thấu đáo, khách quan để thấy hết những giá trị nhân văn, nhân bản trong loại hình nghệ thuật phục vụ tín ngưỡng tâm linh, giàu bản sắc văn hóa Việt Nam.
Nhiều người dân đã đến Rạp Công nhân xem những màn biểu diễn hát văn - hầu đồng trong liên hoan lần này
Thanh Huyền
Ảnh: Ngọc Thành