Có tiền đầu tư vào đâu?
Nên đầu tư vào chứng khoán, vàng hay bất động sản?
Nhiều người vẫn coi chứng khoán là kênh đầu tư "hot".
Tại Hội thảo “Giải pháp dòng tiền cho nhà đầu tư đất Cảng” được tổ chức hồi đầu tháng 9/2013, TS Lê Thẩm Dương đã có bài diễn thuyết đánh giá về cơ hội cũng như những rủi ro khi đào tư vào các kênh đầu tư nhà chứng khoán, vàng, bất động sản (BĐS). Bài diễn thuyết lập tức thu hút được sự quan tâm đặc biệt của không chỉ giới đầu tư đất Cảnh mà còn của cả nền kinh tế bởi từ nhiều tháng nay, giới đầu tư Việt Nam vẫn đang mải miết đi tìm một kênh đầu tư sao cho hiệu quả nhất.
Nhìn lại thị trường vàng trong 2 phiên giao dịch ngày 2 – 3/10/2013, chứng kiến cảnh người dân Hà Nội lại ùn ùn kéo nhau đi mua vàng mới thấy câu hỏi “Có tiền đầu tư vào đâu?” giờ “nóng” như thế nào. Nhiều nhà đầu tư khi trao đổi với phóng viên PetroTimes đã cho biết, họ đi mua vàng bởi thấy giá vàng đang có xu hướng giảm và có khi đơn giản là có ít tiền tích cóp, tiết kiệm được nhưng không biết làm gì nên mua. Họ mua phần là để làm tài sản tích trữ và một phần cũng là để chờ cơ hội giá vàng lên bán kiếm lời.
Nhiều nhà đầu tư vẫn đang có tâm lý hướng dòng tiền vào vàng bất chấp những khuyến cáo của giới chuyên gia cũng như những chính sách điều hành được đánh giá là hiệu quả, đi đúng hướng đối với thị trường này của Ngân hàng Nhà nước. Và theo một chuyên viên tư vấn của Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Hà Nội Vàng phân tích, người dân Việt Nam vẫn mang nặng tâm lý coi vàng là tài sản tích trữ, là thứ đảm bảo an toàn nhất cho tương lai và thực tế, chủ trương huy động vàng trong dân mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhưng chưa thực hiện được cũng bởi vì nguyên nhân này. Vậy nên khi những kênh đầu tư khác tiềm ẩn yếu tố rủi ro cao ví như chứng khoán đi xuống, BĐS đóng băng kéo dài thì tiền nhàn rỗi của người dân đổ vào vàng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, việc người dân mua vàng vào thời điểm này cũng tiềm ẩn yếu tố rủi ro không hề nhỏ, đặc biệt khi mức chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới vẫn dao động ở mức khá cao, khoảng 3 – 4 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, có những thời điểm trung tuần tháng 9, thị trường vàng đã ghi nhận mức chênh lệch này là dưới 3 triệu đồng/lượng.
Đề cập tới kênh đầu tư này, TS Lê Thẩm Dương trong bài diễn thuyết của mình đã cho rằng, giá vàng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro khi khi giá vàng đã tăng quá cao so với mức giá cách đây 10 năm và hiện chu trình tăng giá cũng đã chấm dứt. Vị chuyên gia này cũng đặc biệt nhấn mạnh tới việc Ấn Độ - một quốc gia có nhu cầu tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới – đang tăng thuế đối với việc sở hữu vàng nhằm cứu đồng nội tệ sẽ làm thay đổi lớn cán cân cung - cầu vàng trên thế giới.
Bất động sản thất thế trong cuộc đua thu hút đầu tư.
Riêng với thị trường BĐS, trong hầu hết những nhận định được giới chuyên gia đưa ra thời gian gần đây đều cho rằng, sẽ còn lâu nữa thị trường này mới phục hồi. TS Lê Thẩm Dương khi đưa quan điểm về thị trường này cũng chỉ ra rằng: Giá BĐS giảm mạnh trong thời gian qua nhưng sẽ tiếp tục giảm tại nhiều phân khúc và khu vực. Chủ đầu tư BĐS gặp nhiều khó khăn về vốn sẽ khó có thể hoàn thành dự án để bàn giao sản phẩm. Thị trường BĐS được dự báo còn trầm lắng trong thời gian dài mới có khả năng hồi phục do nguồn cung còn rất lớn ở hầu hết các phân khúc.
Thực tế tìm hiểu thị trường BĐS thời gian qua đã cho thấy, đằng sau sự đóng băng, ế ẩm, “vấn nạn” kiện cáo giữa khách hàng và chủ đầu tư dự án về việc chậm tiến độ bàn giao dự án tồn tại quá nhiều vấn đề. Nó không chỉ là câu chuyện đơn thuần là thiếu vốn mà nguyên nhân sâu xa là hiện tượng chiếm dụng vốn của khách hàng để phục vụ cho tham vọng mở một cách ồ ạt các dự án BĐS.
TS Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam khi trao đổi với phóng viên PetroTimes đã nhấn mạnh rằng, có tới 70% vốn triển khai các dự án BĐS là vốn đi vay. Họ - các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án – tiềm lực có khi chẳng có gì nhưng cứ xin lập dự án, thành lập được dự án, rồi mang đi vay ngân hàng, huy động vốn góp trên thị trường... để triển khai dự án. Hệ quả là khi thị trường đóng băng, thanh khoản kém, sản phẩm làm ra không bán được, họ mới lâm vào cảnh “chết” lâm sàng như hiện nay.
Đã vậy, tiền mà họ huy động được từ phía khách hàng, từ người mua nào phải chỉ sử dụng đầu tư vào dự án đấy đâu, vì tham vọng và cũng là vì cái nguyên lý “quay vòng vốn” trong kinh doanh, nó sẽ được sử dụng vào đủ các mục đích khác nhau. Vì thế mới có chuyện tiền vốn góp, tiền đặt cọc của khách hàng có đóng tới 60 – 70% theo hợp đồng rồi nhưng dự án vẫn dậm chân tại chỗ, có khi vẫn chỉ là bãi đất hoang.
BĐS vì thế giờ đã mất lòng tin của giới đầu tư và đây được xem là kênh đầu tư rủi ro nhất trên thị trường hiện nay.
Riêng về kênh đầu tư chứng khoán, theo TS Lê Thẩm Dương thì đây là kênh đầu tư hấp dẫn nhất, hiệu quả nhất. Vị chuyên gia này phân tích rằng: Lãi suất cho vay đầu tư chứng khoán giảm mạnh, tỷ suất sinh lời so với các kênh đầu tư khác vượt trội, VN-Index đã tăng hơn 30% kể từ đáy tháng 11/2012. Tuy nhiên, với đại bộ phận đầu tư nhỏ lẻ - những người vốn tham gia thị trường này theo kiểu phong trao – thì không hẳn như vậy, họ thiếu những kiến thức chuyên môn cần thiết nên dễ “bắt” nhầm “sóng”.
Lại một vấn đề nữa, thị trường chứng khoán của nước ta vẫn rất thiếu tính minh bạch và dù các cơ quan chức năng thời gian qua đã rất nỗ lực đẩy lùi khuyết điểm này nhưng rõ ràng, chứng khoán vẫn quá nhạy cảm. Bằng chứng là sự sụt giảm đến kỳ lạ của thị trường chứng khoán trước thông tin Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà bị bắt hồi đầu năm 2013. Giữa lúc thị trường đang lên, giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng sau nhiều phiên tăng điểm liên tiếp và hứa hẹn sẽ xác lập kỷ lục mới thì chỉ vì một thông tin “vịt”, chứng khoán lập tức quay đầu giảm điểm, vốn hoá thị trường bốc hơi cả ngàn tỷ đồng.
Vậy nên nói chơi chứng khoán là “ngon” nhất xem ra có phần cũng đúng nhưng nó chỉ đúng với những kẻ rắp tâm làm giá trên thị trường, còn với nhà đầu tư nhỏ lẻ, nếu không cẩn trọng rất dễ biến thành “mồi ngon” của những kẻ này.
Để đầu tư vào chứng khoán hiệu quả, TS Lê Thẩm Dương khuyến cáo nhà đầu tư cần quan tâm đến các yếu tố vĩ mô như tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát, lãi suất, tỷ giá, mức thâm hụt ngân sách quốc gia, chính sách của Chính phủ trong lĩnh vực tài chính tiền tệ nhưng 3 nhân tố vĩ mô cơ bản nhất tác động trực tiếp đến các hoạt động đầu tư trên TTCk là tỷ giá hối đoái, lãi suất và tỷ lệ lạm phát. Và đặc biệt, với những nhà đầu tư lướt sóng cần quan tâm đến thời điểm mua bán bởi điều này quyết định lợi nhuận, còn với nhà đầu tư dài hạn, việc lựa chọn thời điểm không quá quan trọng bằng lựa chọn cổ phiếu với mức giá hợp lý.
Thanh Ngọc