Chất thải bể phốt đổ đi đâu...?
Hàng trăm tấn chất thải từ bể phốt của các hộ gia đình trong thành phố được các cơ sở hành nghề hút bể phốt thu gom mỗi ngày. Điều ít ai ngờ rằng điểm đến của số chất thải đó lại là các ao hồ, sông ngòi, cống thoát nước... trên địa bàn Hà Nội. Thậm chí, cả cung đường đẹp nhất Việt Nam là Đại lộ Thăng Long cũng phải nhận loại chất thải này…
Năng lượng Mới số 262
Vô tư xả thải trộm
Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ đổ trộm chất thải ra môi trường gây bức xúc trong dư luận. Đặc biệt, những chiếc xe chuyên dụng sau khi hút chất thải từ bể phốt của các hộ gia đình, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện rồi đưa đến các ao hồ, hệ thống cống thoát nước trong thành phố để xả thải. Phóng viên Báo điện tử PetroTimes đã mất rất nhiều thời gian để theo dõi hành trình hoạt động của những chiếc xe hút bể phốt và làm rõ được những “mánh khóe” qua mặt các cơ quan chức năng, cũng như quá trình hút và xả thải trộm ra môi trường.
Điều dễ nhận thấy nhất của những chiếc xe này, đó là những chiếc xe bồn luôn được sơn màu vàng, trên xe có những dòng chữ “Vệ sinh môi trường Hà Nội”, “Công ty Vệ sinh môi trường đô thị Hà Nội”, “Xe phục vụ môi trường...” và những số điện thoại liên hệ. Mỗi khi có khách hàng gọi điện yêu cầu hút bể phốt là xe bồn đến tận nhà, thực hiện dịch vụ với giá 300.000đ/m3. Sau khi hút xong, những chất thải này không được đưa đến nhà máy xử lý chất thải mà chúng bị xả thải tự do xuống ao hồ hoặc cống rãnh thoát nước.
Lái xe Phùng Đức Toàn và phụ xe Nguyễn Văn Đông
Anh Nguyễn Văn Đông (huyện Đan Phượng, Hà Nội) cho biết: “Tôi lái xe hút bể phốt này đã được gần 2 năm. Hiện nay, mỗi một khối chất thải bể phốt, chúng tôi thu với giá 300.000-350.000đ/m3, tùy thuộc vào việc phải dẫn ống hút dài hay ngắn. Sau khi hút chất thải xong, chúng tôi thường xả thải xuống ao hồ hay cống thoát nước chứ không đưa đến nhà máy xử lý vì nếu làm vậy thì phải mất chi phí”.
Cũng theo lời anh Đông cho biết, nếu hút ở nội thành, họ thường đến khu hồ nuôi cá ở phường Yên Sở để xả thải. Nếu hút ở khu vực huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn thì xả thải vào hồ Phương Trạch (xã Hải Bối, Đông Anh) và ở khu vực Từ Liêm, Thanh Xuân thì lên Đại lộ Thăng Long xả vào cống rãnh thoát nước.
Sau những tiết lộ của lái xe Đông, chúng tôi đã “mật phục” tại đường Nguyễn Khoái (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) để theo dõi việc xả thải của những chiếc xe này tại khu vực hồ nuôi cá của người dân. Đúng 16 giờ ngày 27/9/2013, chúng tôi phát hiện chiếc xe hút bể phốt, mang biển kiểm soát 29C-021.64 lừ lừ bò trên con đường đất dẫn vào Trường bắn Yên Sở. Ngay sau đó, chiếc xe này tấp vào lề đường, một phụ xe nhanh chóng nhảy xuống mở van xả chất thải ở bồn chứa xuống hồ nuôi cá. Một thứ chất thải lỏng có màu đen kịt phun ra từ miệng ống chảy xuống hồ khiến cả một khoảng hồ rộng lập tức đổi màu, mùi hôi thối nồng nặc bao trùm cả một vùng. Thấy sự xuất hiện của chúng tôi, tài xế lái chiếc xe hút bể phốt mà sau này chúng tôi được biết là Nguyễn Văn Hòa (24 tuổi, ở xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) yêu cầu phụ xe Bùi Văn Đại (23 tuổi, ở xã Mâu Lâm, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) khóa van xả rồi lên xe bỏ chạy. Được biết, số chất thải mà chiếc xe này vừa xả xuống hồ cá được hút từ bể phốt của một hộ gia đình trên địa bàn xã Ngọc Hồi.
Lái xe Hòa bất đắc dĩ tiếp chuyện chúng tôi với thông tin: “Bình quân mỗi ngày lái xe xả thải xuống những chiếc hồ trên địa bàn phường Yên Sở khoảng 2-3 chuyến, mỗi chuyến chứa khoảng 4m3. Đây là chất thải được hút từ bể phốt của các hộ gia đình trên địa bàn Hà Nội… Tôi chỉ là lái xe thuê cho một người tên là Nguyễn Văn Thắng (ở đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), còn việc hút chất thải ở đâu đều do chủ xe chỉ định. Giá mỗi khối chất thải khoảng 300.000-350.000đ/m3, tùy theo địa hình nơi hút phải dẫn ống hút xa hay gần”.
Xe của Hòa rời khỏi khu hồ nuôi cá chưa đầy 20 phút, chúng tôi lại nhìn thấy một chiếc xe khác đi vào khu hồ để xả thải. Và chỉ riêng chiều ngày 27/9, chúng tôi đã phải chứng kiến cảnh gần chục chiếc xe vô tư xả chất thải xuống khu vực hồ nuôi cá này.
Xe “môi trường” cũng đổ bậy
Tưởng chừng chỉ có những chiếc xe hút bể phốt của tư nhân mới “làm liều” xả chất thải hút từ bể phốt xuống ao hồ, cống thoát nước, ai dè cả những chiếc xe chuyên dụng hút bể phốt của doanh nghiệp Nhà nước như Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) cũng ngang nhiên xả thải ra môi trường. 10 giờ 30 phút ngày 28/9/2013, chiếc xe mang biển kiểm soát 30P-4568, đầu xe có dán dòng chữ “Xe phục vụ vệ sinh môi trường”, hai cánh cửa xe có dòng chữ “Công ty Vệ sinh môi trường Hà Nội - Urenco 7” lưu thông trên đường Phạm Văn Đồng, theo hướng về Mai Dịch.
Nghi rằng chiếc xe này vừa hút bể phốt và đang trên đường đi xả thải nên chúng tôi quyết định bám theo. Khi đến ngã tư Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến thì chiếc xe này rẽ vào làn đường cao tốc của Đại lộ Thăng Long. Sau gần 15km trên tuyến đường hiện đại nhất Việt Nam, đến địa phận thôn Phương Viên, xã Song Phương, huyện Hoài Đức thì chiếc xe bỗng dừng lại bên vệ đường làn cao tốc. Ngay sau đó, một nhân viên ngồi trên xe nhảy xuống mở van xả thải thẳng ra dải phân cách giữa làn đường cao tốc và làn đường dân sinh. Dòng chất thải đen kịt phun ra từ họng của chiếc bồn bao phủ lên cây dại ở dải phân cách này và tạo thành một chiếc rãnh đến hệ thống thoát nước của tuyến đường.
Chiếc xe hút bể phốt có ghi tên của đơn vị Urenco7 (biển số 30P-4568) đang xả thải ở dải phân cách trên Đại lộ Thăng Long
Theo tìm hiểu, lái chiếc xe trên là Phùng Đức Toàn (30 tuổi, ở huyện Ba Vì, Hà Nội), xe bồn có dung tích 4m3 vừa hút từ bể phốt của gia đình một người dân ở xã Hải Bối, huyện Đông Anh với giá 1,2 triệu đồng tiền công. Sau khi hút xong, Toàn lái thẳng xe về Đại lộ Thăng Long để xả thải trộm. Lái xe này cho biết, chủ xe là Nguyễn Minh Lực (39 tuổi, ở thôn Thượng, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội), hiện đang công tác tại Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội. Toàn chỉ là lái thuê cho Lực, hằng ngày chủ xe thông báo địa điểm đến hút chất thải ở bể phốt sau đó đến các địa điểm như ao hồ, hệ thống cống thoát nước của một số tuyến đường để xả. Và Đại lộ Thăng Long là một trong những địa điểm xả chất thải bể phốt lý tưởng vì dân cư ở đây thưa thớt. Về trang phục quần áo của công nhân Urenco 7, Toàn khẳng định do chủ xe phát cho.
Đến 10 giờ ngày 29/9/2013, tại khu vực hồ nuôi cá thuộc phường Yên Sở, chúng tôi lại bắt gặp một chiếc xe hút bể phốt của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, do lái xe Nguyễn Văn Lợi (33 tuổi, ở huyện Đan Phượng, Hà Nội) điều khiển đang xả thải xuống hồ nuôi cá. Theo quan sát, chiếc xe mang biển kiểm soát 30U-0106, đầu xe có ghi dòng chữ “Công ty Cổ phần Môi trường đô thị số 1 - Urenco No1”. Theo Nguyễn Văn Lợi, 4m3 chất thải vừa được hút lên từ bể phốt của một hộ gia đình trên đường Nguyễn Khuyến. Còn chiếc xe này do Công ty Cổ phần Môi trường đô thị số 1 quản lý.
Không chỉ dừng lại ở việc xả thải thẳng ra ao hồ hay ra Đại lộ Thăng Long, rất nhiều lái xe hút bể phốt khẳng định, họ còn khoan lỗ ngay phía dưới gầm xe, sau đó luồn ống vào và khóa van lại, chờ dịp thuận tiện sẽ xả thẳng chất thải xuống hệ thống cống thoát nước công cộng của thành phố. Còn có cả những trường hợp đợi đêm xuống, dừng xe bên miệng cống ở những khu đô thị, những khu đất bỏ hoang, chờ vắng bóng lực lượng chức năng là mở van.
Theo một cán bộ Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, chất thải được hút ra từ bể phốt (phân người) chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh như: tiêu chảy, tả lỵ, trực khuẩn, thương hàn và các ký sinh trùng đường ruột... Khi xả thải thẳng xuống ao hồ, sông ngòi không qua xử lý sẽ làm ô nhiễm nguồn nước. Đây là tác nhân dẫn đến các bệnh tiêu chảy.
Hiện nay cả thành phố Hà Nội chỉ có một cơ sở xử lý chất thải từ bể phốt là Nhà máy Chế biến phế thải Cầu Diễn được xây dựng cách đây gần 30 năm. Năm 2008, nhà máy này được nâng cấp công suất xử lý lên 150 tấn/ngày, quy trình xử lý được chia làm ba giai đoạn, sử dụng men vi sinh và chế phẩm để xử lý. Sau khi xử lý thì phần cặn được sử dụng làm phân vi sinh, phần nước đạt chuẩn thì chảy ra cống thoát chung của thành phố. Nhưng so với nhu cầu thực tế hiện nay, nhà máy không đáp ứng được bởi theo tính toán, mỗi ngày khu vực nội thành Hà Nội phải xử lý khoảng 300 tấn chất thải từ bể phốt. Vậy 50% chất thải bể phốt hằng ngày đi đâu? Có lẽ câu trả lời chỉ có thể là hồ nuôi cá, hệ thống cống thoát nước, hoặc đại lộ đẹp nhất Việt Nam, hay ở một nơi nào đó thì chỉ có những người lái xe hút bể phốt mới biết.
Ông Cao Quang Quyền - Phó Chủ tịch UBND phường Yên Sở cho biết: "Việc xe hút bể phốt xả thải xuống các hồ trên địa bàn phường, tôi không hề hay biết". Đến khi phóng viên đưa ra những hình ảnh đổ thải trên địa bàn thì vị Phó chủ tịch này mới thừa nhận là có nghe nói về việc xả thải này và đổ lỗi do nhân lực của phường mỏng và diện tích mặt nước trên địa bàn quá rộng. Ông nói thêm: "Hàng ngày có thấy xe hút bể phốt vào khu vực hồ nuôi cá nhưng khi kiểm tra thì cả chủ hồ lẫn lái xe đều khẳng định đó là bã bia. Nay nhà báo đưa ra hình ảnh này thì đúng là chúng xả chất thải bể phốt để chăn cá rồi, xin nhà báo cho ít tư liệu để chúng tôi xử lý các chủ hồ có hành vi "đồng ý" cho xe hút bể phốt xả thải". Vị Phó Chủ tịch còn nhấn mạnh: "Hành vi xả thải là hoàn toàn trái phép. Chúng tôi cam kết xử lý triệt để". |
Thiên Minh