“Góc khuất” Thương Tín
Trên PetroTimes có bài “Thương Tín - một đời “kép độc” giới thiệu với bạn đọc một phần “lý lịch nghệ thuật” của người nghệ sĩ đa tài này. Theo yêu cầu của bạn đọc, chúng tôi tiếp tục đăng tải tiếp câu chuyện về Thương Tín ở góc nhìn khác về ông. Chuyện tình và chuyện đời của một con người tài hoa ở độ tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” vẫn bùng cháy tình yêu nghệ thuật đáng để giới showbiz Việt suy ngẫm.
>> Thương Tín - một đời “kép độc”
Người ta đồn rằng, Thương Tín rất thật tình, “thẳng như ruột ngựa”, ông có sao nói vậy, không tâng bốc cái tốt mà cũng chẳng giấu cái xấu. Gặp Thương Tín rồi tôi mới hoàn toàn tin đó là sự thật. Trước đây có rất nhiều chuyện không tốt cho hình ảnh của ông khi đưa lên báo, ông cũng vô tư kể mà không nghĩ ngợi gì, mặc dù những điều đó ông không cần nói ra. Trong lần trò chuyện với tôi, ông cũng kể những chuyện mà bản thân người nghệ sĩ nên giấu để giữ gìn hình ảnh “lấp lánh” của mình, như hầu hết các nghệ sĩ khác. Đó là chuyện ông từng bị đuổi học khi chưa tốt nghiệp, chuyện ông phải giả bộ làm vui với người mà ông rất ghét chỉ vì người đó sắp cho ông mượn tiền, chuyện đương thời ông tiêu tiền của các cô gái giàu thế nào, cả chuyện ông vừa có đứa con mấy tháng tuổi với cô gái vừa tròn đôi mươi mà không phải vì tình yêu…
Chính vì thế, Thương Tín tự nhận mình là một nghệ sĩ “thật tình thái quá”, nhưng ông bảo đó là tính cách rồi biết làm thế nào được, dù ông biết như thế là… rất dại. Cũng chính vì thế mà trong mắt công chúng, hình ảnh Thương Tín là một tài tử hết sức “trần trụi” (từ Thương Tín dùng). Với chân dung Thương Tín, người viết có cố tô vẽ lên cho đẹp long lanh như nhiều nghệ sĩ khác cũng không được, có khoác lên cho ông một tấm áo đồ hiệu thì ông vẫn phong trần. Nhưng suy cho cùng thì chính tính cách đó đã làm nên một Thương Tín không lẫn với bất cứ ai. Tính cách đó đã tạo nên sự gần gũi, thương mến trong lòng khán giả đối với ông. Và sự “trần trụi” ấy cũng là một giá trị đáng quý của người nghệ sĩ so với bao nhiêu sự giả tạo, hào nhoáng ảo trong thế giới này. Thương Tín tâm sự: “Người ta hay nghĩ, những người nổi tiếng là khác người. Thực ra tôi cũng bình thường như mọi người, chẳng cao quý gì lắm. Có nhiều nghệ sĩ sống chẳng ra gì, họ cố tô vẽ, văn hoa về mình ghê lắm. Tôi thì lại thật đến... trần trụi!”.
Thương Tín trên trường quay hiện tại
Thương Tín có vẻ nam tính thu hút, cách diễn chuyên nghiệp, dứt khoát, ánh mắt sắc lạnh và nụ cười nhếch mép, với cả nốt ruồi “phá tướng” trên khuôn mặt sương gió…; chính những nét đặc trưng ấy đã biến Thương Tín trở thành một “kép độc”, đắt sô nhất của phim ảnh và kịch nghệ Sài Gòn thập niên 80-90. Và có lẽ cũng chính chất tài tử đặc trưng ấy của ông đã cuốn hút bao ánh nhìn, làm rung động trái tim của biết bao cô gái.
Viết về Thương Tín mà không viết về chuyện tình ái của ông thì hẳn là một thiếu sót lớn! Bởi Thương Tín nổi tiếng trong giới nghệ sĩ là người đa tình và đào hoa. Ông đã trải qua rất nhiều cuộc tình, dù ngắn hạn hay dài hạn, các cuộc tình cứ đến rồi đi. Thương Tín kể, ông chưa bao giờ biết thất tình là gì, thường thì phụ nữ tìm đến ông, dù là ở thời hoàng kim hay thời này, Thương Tín đều có người phụ nữ đem lòng yêu mến. Nhưng hay ở chỗ, Thương Tín mỗi lần yêu chỉ yêu một người bởi Thương Tín không nói dối được nên không thể giấu chuyện yêu đương nếu nhăng nhít vài cô cùng lúc.
Nhiều người nói Thương Tín “sát gái”, thích quan hệ với nhiều phụ nữ, rồi báo chí cũng viết về Thương Tín như một gã thích “bông đùa” với tình cảm phụ nữ như thế. Thương Tín nghe, đọc thấy tức lắm, ông nói bản thân mình không phải vậy, đó là những người chưa hiểu ông, họ chỉ nghe chuyện rồi suy diễn. “Tôi không là thằng tào lao đến thế. Tôi cũng là con người bình thường mà, cái gì cũng có giới hạn chứ có phải sao cũng được đâu?” - Thương Tín nói.
Thương Tín tự nhận mình sống rất tâm linh, riêng với chuyện tình cảm thì ông càng tin hoàn toàn vào duyên số. Những cuộc tao ngộ và yêu đương ở kiếp này đều là duyên nợ tiền kiếp. Duyên nợ ít thì đến và đi trong chóng vánh, duyên nợ nhiều thì gắn bó dài lâu, thậm chí là nên duyên giai ngẫu. Thương Tín tin vậy. Ông nói: “Mỗi con người chúng ta đều có số phận, khó cưỡng lại được. Tôi hay hình dung thú vị thế này: Ở một cõi nào đó, có ông tơ bà nguyệt giữ cuốn sổ duyên phận ghi rằng: ngày này, tháng này, năm này có cô này gặp anh này. Rồi họ xem kiếp trước có nợ nhiều không, nếu nợ nhiều thì ở lâu với nhau, để trả cho nhau. Nếu nợ ít thì ở với nhau 1 năm, 2 năm rồi chia tay!”. Nghe thế, tôi cười, chắc Thương Tín hiểu là tôi đang nghĩ... ông ngụy biện. Ông lên tiếng ngay rằng, ông nói không để biện minh cho mình mà ông hoàn toàn tin vào điều đó. Bởi theo ông không phải tự nhiên mà mình muốn hay không muốn có tình cảm với người khác là được. Ông còn dẫn chứng rằng: “Làm sao người Nam, người Bắc đúng ngày đó gặp nhau, rồi lấy nhau, ở với nhau cả đời. Không phải là vì số phận thì là gì đây!”.
Thuở thiếu thời cho đến bây giờ, Thương Tín yêu nhiều và chia tay cũng gần tương đương như thế nhưng ông yêu ai cũng thật lòng, hết dạ. Nên mỗi một sự tan vỡ dù tình ngắn hay dài đều để lại trong ông một nổi khổ tình, một sự mất mát. Có những cuộc tình đến giờ ông vẫn còn đau nhói khi nghĩ đến chứ không hề gió thoảng mây bay như người ta nghĩ. Thương Tín nói với tôi: “Trai trẻ à, ai cũng muốn lớn lên được gặp một người yêu thương thực sự, rồi xây dựng gia đình hạnh phúc, sinh con, có một cuộc sống êm đềm. Có ai muốn tình sóng gió, quằn quại, tan vỡ đâu?”. Rồi ông kết luận: “Đa tình khổ lắm ai ơi!”…
Thương Tín nói đời mình đã quá khổ vì chuyện tình duyên, ông kể: Sau khi chia tay người vợ đầu tiên, ông được một phụ nữ nổi tiếng giàu có săn đón. Có cô doanh nhân giàu tặng ngay ông chiếc xe hơi đời mới, sang trọng nhất chỉ vì một lần cô thấy ông cứ nhìn chăm chú vào chiếc xe ấy đang đi trên phố. Nhưng cuộc tình với người phụ nữ đại gia kéo dài được mấy năm thì người phụ nữ ấy qua đời vì một tai nạn. Cuộc sống của Thương Tín nhiều chông chênh từ đó, ông buồn, có lúc sống gần như buông thả. Và cho đến giờ này, Thương Tín đã ở tuổi xế chiều nhưng xem ra tình duyên của ông vẫn chưa dứt khổ lụy.
Đời ông chỉ có một người con trai duy nhất, đã lớn và có gia đình con cái, lại khá thành đạt. Nhưng từ sau khi ông ly dị vợ, ông luôn ao ước có một đứa con gái. Và điều ước ấy đã thành hiện thực, nhưng có điều chính ông cũng không thể tưởng tượng nó lại đến với ông ở cái tuổi 58 như bây giờ! Và đó cũng lại không phải là kết quả của một tình yêu thật sự của ông với cô gái vừa ngoài đôi mươi này. Thương Tín thú thật là ban đầu ông có chút hụt hẫng, bởi ở cái tuổi ông, một mình đã khổ rồi giờ lại thêm gánh nặng chuyện con thơ. Nhưng rồi mọi chuyện lại khác, đứa con làm ông cảm thấy hạnh phúc, vui sống hơn bao giờ hết và đặc biệt là suy nghĩ trách nhiệm với đứa con này đã giúp ông tìm lại được động lực, cảm hứng để trở lại phim trường. Còn về cô gái trẻ, dẫu không phải là yêu nhưng ông vẫn quan tâm, lo lắng với đầy đủ nghĩa tình, ông nói cô gái này cũng rất “ghê gớm” nhưng ông đặc biệt quý mến vì tấm lòng can đảm: sinh con với ông mà không cần chính danh!
Nói về sự nghiệp, Thương Tín có vài lần đứt đoạn sự nghiệp vì những chuyện riêng tư của ông. Trước năm 2005, có một khoảng thời gian dài ông rời xa phim trường, rời xa sân khấu, người ta đồn năm đó ông buồn khổ vì tình rồi rơi vào nghiện ngập. Tuy nhiên, đó chỉ là tin đồn thất thiệt. Đến năm 2005, Thương Tín tái xuất sàn diễn kịch nói trong vai trò đạo diễn và diễn viên của vở kịch hình sự “Chờ một tiếng yêu”. Nhiều người yêu kịch vẫn còn nhớ cơn sốt ở sân khấu kịch Phú Nhuận năm ấy. Khán phòng chật kín, khán giả chấp nhận ngồi ghế xúp, thậm chí chen đứng chỉ để được ngắm tài tử Thương Tín lừng danh thuở nào. Công chúng phim ảnh cũng vui mừng với sự trở lại lần ấy của ông qua các dự án phim mới như: “Cây huê xà”, “Vết sẹo”, “Dọc ngang sông nước”...
Thương Tín ngày ấy, bây giờ
Nhưng niềm vui của sự trở lại lần ấy không kéo dài được bao lâu. Khoảng cuối năm 2007, mọi người lại bất ngờ với tin Thương Tín bị bắt vì tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc tại quán cà phê Thương Tín của mình ở quận Gò Vấp, TP HCM. Dù sau phiên tòa, Thương Tín được cho hưởng án treo và không phải ngồi tù ngày nào nhưng tai họa bất ngờ ấy khiến ông hụt hẫng thật sự. Nhưng nguyên nhân chủ yếu làm Thương Tín suy sụp nhất đó chính là việc hàng loạt báo đua nhau “mổ xẻ” ông như một tên tội phạm nghiêm trọng trên các trang nhất. Đó là chưa kể nhiều phóng viên không hề gặp ông nhưng vẫn viết bài phê phán ông đủ kiểu từ chuyện đánh bạc đó đến tất cả chuyện đời sống riêng tư của ông. Đó cũng chính là nguyên nhân thúc đẩy sự chia tay nghề nghiệp lần nữa của Thương Tín kể từ đó cho đến đầu năm nay.
Dù Thương Tín rời xa sân khấu, phim trường nhưng ông không lúc nào nguôi nhớ về nghề; với ông, nghề đã ăn sâu vào máu kể từ khi ông còn rất nhỏ. Ông kể, nhà có 8 anh em, mọi người đều theo ngành y của ba, chỉ riêng ông là đam mê nghệ thuật, mà nhất là cải lương. Ông nhớ năm đó khoảng hơn 10 tuổi, ông trốn nhà đi theo đoàn lên Tây Nguyên chỉ để được diễn những vai nhỏ xíu, đến nỗi bố mẹ ông phải đi tìm mãi mới đưa được ông về! Lớn lên ông có có duyên với nghệ thuật khi được gửi vào học Trường Quốc gia Âm nhạc, với mục đích ban đầu chỉ là tránh quân dịch!
Thương Tín kể lại, hồi đó thanh niên đến 18 tuổi thì phải tham gia quân dịch trừ những ai bước vào năm nhất đại học thì được hoãn. Nhưng do ham chơi nên Thương Tín vào đại học muộn 1 năm so với thông thường, tức là ông bắt đầu năm nhất khi 19 tuổi, mà như thế thì ông vẫn phải tham gia quân dịch. Lúc đó ở Trường Quốc gia Âm nhạc, là Trường Kịch nghệ Sài Gòn cũ thì hưởng được quy chế đặc biệt: sinh viên vào năm thứ nhất mà trễ một năm thì vẫn được hoãn quân dịch vì trường chuyên quốc gia. Thế là ba má ông gửi ông vào trường này, khóa 1971-1975.
Có thể nói, Thương Tín là một trong số rất ít nghệ sĩ được đào tạo nghệ thuật một cách bài bản, tổng cộng ông học gần 8 năm với nghề diễn xuất trong ghế nhà trường. Ông bắt đầu vào học tại Trường Quốc gia Âm nhạc vào năm 1971, dự kiến đến 1975 thì tốt nghiệp. Học đến năm cuối thì đất nước thống nhất, ban giám hiệu cũ chuyển đi, ban giám hiệu mới vào và tách Trường Quốc gia Âm nhạc ra thành hai trường riêng biệt về kịch và âm nhạc. Thương Tín được tuyển trở lại trường kịch và đào tạo lại chương trình 4 năm. Nhưng đến năm học cuối, khi gần tốt nghiệp ra trường thì Thương Tín bị đuổi khỏi trường với lý do “yêu đương” với một nữ sinh cùng trường, mà ở thời đó, điều này là tuyệt đối cấm!
Dù “ra trường sớm” nhưng do tài năng của ông trong quá trình học đã biểu lộ qua các bài diễn kết thúc học kỳ, Thương Tín được mời ngay về Đoàn kịch Cửu Long Giang (tức Đoàn kịch nói Nam Bộ), một đoàn kịch có biên chế. Nhưng làm được một thời gian thì Thương Tín đi, bởi ngoài kịch ông còn thích làm nhiều thứ khác nữa, ông rất thích đóng phim, ông thích được tự do vui chơi cùng bạn bè. Nhưng tham gia đoàn kịch thì thời gian không cho phép ông làm điều đó. Với lại Thương Tín sinh ra không để làm việc trong một môi trường bó hẹp, cộng với chuyện “không ưa” được cái anh thủ trưởng của đoàn. Thế là ông nghỉ! Kể từ đó Thương Tín là nghệ sĩ tự do. Ông lao vào đóng phim như con đại bàng vừa ra khỏi lồng, đập cánh lao vút lên trời xanh. Ông toàn đóng vai chính, vai nào cũng đặc biệt ăn khách, ông đi tới đâu khán giả vây kín đến đó, nhất là khi ra Hà Nội.
Nói thêm về sự nghiệp của mình, Thương Tín bảo, dù đời ông nhiều thăng trầm nhưng riêng với nghệ thuật thì ông là người rất “hên”. Hên ở chỗ là trước đây ông được tham gia nhiều phim lịch sử, mà toàn là những phim hay, hiệu quả phim tốt. Nên hằng năm cứ đến dịp lễ 30-4 thì các nhà đài lại chiếu phim “Biệt động Sài Gòn”, “Ván bài lật ngửa” của ông. Hay đến dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam thì nhiều đài chiếu lại phim “Chiến trường chia nửa vầng trăng”… Vì thế, ông nói, dù có nhiều giai đoạn ông “mất tích” khá lâu nhưng khán giả có muốn quên ông cũng không được!
Thương Tín quá nổi tiếng và ông còn được biết đến như một tay chơi đúng nghĩa nên xung quanh ông có rất nhiều bạn bè. Bạn ông không những đông mà còn đủ thành phần trong xã hội từ quan chức đến các giám đốc, đại gia và cả mấy anh xe ôm, thậm chí có những phần tử bất hảo. Nhưng ông cho biết, gọi là bạn chứ thật ra họ chỉ là khán giả của ông, họ yêu mến ông qua vai diễn rồi tự tìm đến ông kết tình bằng hữu! Ông kể, họ hay mời ông đi chơi, ăn nhậu, đi tỉnh này tỉnh kia, suốt từ Nam ra Bắc. Có những năm không làm nghề, hầu hết thời gian đó ông dành cho các cuộc chơi như thế. Ông nói, đặc biệt dân giang hồ rất thích ông, bởi họ thấy ông hay vào vai này, lại diễn rất đạt. Rất nhiều lần giang hồ cho xe ôtô đỗ trước nhà ông rước ông đi chơi. Suốt đời ông đã không biết bao lần vui say với bạn bè. Thương Tín rong chơi đúng kiểu một lãng tử phong trần, vội vàng quên hết tháng năm.
Nhưng Thương Tín cũng thanh minh rằng, tuy đi nhiều, ăn nhậu nhiều nhưng ông không quậy, không đổ đốn như nhiều bài báo từng cố ý “vạch tội” ông. Ông nói: “Người nổi tiếng thì đi đâu hay bị dòm ngó, rồi dư luận cũng từ đó mà thêu dệt. Tôi ăn chơi một, nhưng người ta lại đồn mười!”. Ông cũng giải thích thêm rằng, hồi đó mỗi diễn viên biên chế đều có chế độ mỗi tháng có hơn 2kg thịt để bồi dưỡng. Làm văn công đoàn kịch của Nhà nước thời đó tuy không ai nghèo, éo le nhưng cũng không mấy ai giàu có. Mà thời điểm đó dân tình khổ lắm, nhìn thấy nghệ sĩ như ông sướng hơn nên đồn là đại gia, ăn chơi này nọ là vậy! “Chưa kể nghề của tôi là phải tụ bạ, thâm nhập thực tế đủ mọi thứ để sau này có những đề tài phim, những chương trình nghệ thuật liên quan đến những lĩnh vực đó thì mình biểu đạt mới tốt được” - Thương Tín giải thích thêm. “Phim là gì? Là cuộc đời. Nên diễn phải thật như đời thì phim mới tốt được!”. Vì thế, “khi phê phán nghệ sĩ, xin hãy xét nhiều mặt, phải thấy được cặn kẽ thì mới hiểu được giá trị công việc của họ, đừng cứ mơ hồ phán đoán họ tào lao”.
Trước khi anh chia tôi để đi Củ Chi làm phim, tôi có hỏi Thương Tín rằng: “Trải qua nhiều buồn khổ, bây giờ Thương Tín đã hết rong chơi, phiêu lãng với những cuộc tình như trước kia chưa?”. Ông cười bảo mình đang thay đổi suy nghĩ để sống tốt hơn, còn chuyện tình duyên đó là số phận nên chẳng thể nói trước được điều gì…! Ông nói thế, riêng tôi thì thấy rằng, Thương Tín dù đang sang tuổi “Lục thập nhi nhĩ thuận” nhưng trong ông vẫn còn đầy chất phóng khoáng, nghệ sĩ của một thời. Và có lẽ với ông, đời vẫn luôn là một cuộc rong chơi đầy màu sắc!
Trúc Vân