Hà Nội: Hơn 6.000 hộ dân phố cổ sẽ chuyển sang quận Long Biên
Theo đề án giãn dân phố cổ, đến 2020 Hà Nội sẽ di dời 6.550 hộ dân ra ngoại thành, góp phần giảm mật độ dân số trong khu phố cổ xuống 500 người/ha thay vì hơn 800 người/ha hiện nay.
BQL khu phố cổ vừa cho biết, đề án giãn dân khu phố cổ quận Hoàn Kiếm sẽ được thực hiện trong 2 giai đoạn và được kết thúc vào năm 2020:
Giai đoạn đầu, sẽ di dời 1.530 hộ dân. Giai đoạn này được thực hiện từ quý 4 năm 2013 và hoàn thành vào quý 4 năm 2016. Số hộ dân này sẽ được di dời ra khu đô thị giãn dân phố cổ, rộng trên 11 ha tại khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên.
Sang giai đoạn 2, Hà Nội sẽ di dời tiếp 5.020 hộ dân tới các khu đô thị khác do thành phố bố trí.
Trong giai đoạn 1, thành phố sẽ tập trung di chuyển những hộ dân đang sống trong các công trình di tích, công sở, trường học, những công trình nhà ở có giá trị cần bảo tồn, nhà xuống cấp, nguy hiểm...
Đối với những hộ dân đang sống trong các di tích lịch sử, trường học, công sở, các ngôi nhà do nhà nước quản lý, xuống cấp nguy hiểm có mật độ dân số quá cao không đảm bảo điều kiện sống sẽ thực hiện di chuyển theo chính sách giải phóng mặt bằng, và được hưởng các chế độ theo quy định của Nhà nước đang được áp dụng trên địa bàn thành phố.
Với các hộ tự nguyện giãn dân, mỗi hộ sẽ được mua 1 căn hộ, số nhân khẩu phù hợp với diện tích căn hộ với giá đảm bảo kinh doanh và được miễn tiền sử dụng đất. Bên cạnh đó các hộ trong diện giãn dân phố cổ hoặc hộ dân có nhu cầu kinh doanh thương mại để đảm bảo cuộc sống sẽ được xem xét bố trí kinh doanh tại khu đô thị mới Việt Hưng.
Theo Ban quản lý khu phố cổ Hà Nội, đề án giãn dân khu phố cổ quận Hoàn Kiếm được thực hiện nhằm mục tiêu giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn khoảng 500 người/ha (mật độ khống chế theo quy hoạch đến năm 2020). Theo đề án này sẽ có khoảng 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 nhân khẩu sẽ được di dời, nhằm tôn tạo phát huy giá trị lịch sử văn hóa khu phố cổ, và cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Cùng với chủ trương này, UBND quận Hoàn Kiếm cũng vừa họp bàn về Đề án mở rộng không gian đi bộ sang khu bảo tồn cấp I, khu phố cổ Hà Nội. Theo đề án, phạm vi mở rộng không gian đi bộ trên các tuyến phố thuộc khu vực bảo tồn cấp 1 gồm: Hàng Buồm – Mã Mây – Hàng Giầy – Lương Ngọc Quyến – Tạ Hiện - Đào Duy Từ thuộc địa bàn hai phường Hàng Buồm và Hàng Bạc.
Việc tổ chức mở rộng tuyến phố đi bộ sang khu vực lân cận sẽ kết nối với tuyến phố đi bộ Hàng Đào – Đồng Xuân tạo thành một không gian đi bộ rộng hơn, phù hợp với chủ trương mở rộng không gian đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, tạo ra điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Trà My