Thương Tín - một đời “kép độc”
Thương Tín là một át chủ bài của làng phim ảnh và kịch nghệ miền Nam vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước. Ông là diễn viên tham gia nhiều phim truyện nhựa nhất Việt Nam cho đến thời điểm này, trên 200 phim. Và trong số hàng trăm phim ấy, có không ít vai diễn để đời được công chúng yêu thích. Vì thế, tài tử Thương Tín trở thành thần tượng của nhiều thế hệ khán giả. Bạn bè, đồng nghiệp gọi Thương Tín là người nghệ sĩ “mải chơi”, bởi có thời ông chơi đến quên hết ngày mai. Chính Thương Tín cũng thú nhận điều này!
Trong giới nghệ sĩ, Thương Tín (tên đầy đủ là Bùi Văn Tín) là người mà cuộc đời có nhiều góc cạnh nhất, nổi bật nhất, đó là những thăng trầm trong sự nghiệp lẫn cuộc sống đời thường của ông. Mà dù Thương Tín ở thái cực nào, thăng hay trầm đều đạt mức cận “đỉnh” cả! Vì thế, khi đi viết về chân dung các nghệ sĩ vang bóng một thời, người tôi muốn viết nhất chính là Thương Tín. Thế nhưng, nhiều đồng nghiệp cũng cảnh báo trước là: Rất khó gặp! Thứ nhất là vì ông đang tất bật với phim truyền hình “Tối qua mơ gì” - loạt phim trinh thám mà ông vào vai chính phản diện; đặc biệt, sau vụ bị báo chí “vùi dập” khi Thương Tín bị bắt vì đánh bạc vào năm 2007, ông gần như tuyệt giao với giới báo chí, phóng viên. Thế nhưng ngược lại, Thương Tín nhận lời cà phê và trò chuyện cùng tôi ngay sau một cú điện thoại.
Tài tử Thương Tín lừng danh một thời giờ đã ở tuổi 58
Thương Tín được nhân viên trong đoàn làm phim đưa đến điểm hẹn, một quán cà phê gần sân bay Tân Sơn Nhất. Thương Tín gầy và đầy phong trần với chiếc quần jean và áo sơmi ngắn tay bạc màu, cũ kỹ. Bề ngoài của ông không có dáng vẻ gì của một Thương Tín sám hối như nhiều bài báo miêu tả gần đây. Hỏi ông mới biết, “đó là những bài báo “tào lao” - Thương Tín cho biết, bởi người viết bài không hề gặp ông nhưng lại viết như là chính ông viết hồi ký! Người ta viết rằng, Thương Tín mua mảnh đất gần một ngôi chùa rồi cất nhà ở đó, chiều chiều lại thấy ông qua chùa, chắp tay trước tượng Phật như hối cải những gì đã qua; họ miêu tả Thương Tín với đầy vẻ xót xa, ông sống như một tu sĩ thật sự! Đó là chưa kể nhiều bài báo còn kể như thật chuyện ông đi Mỹ, rồi đến mỗi độ đông về ông hay ngồi ngắm tuyết rơi mà nhớ mong về cố hương; hay có báo viết mấy trang to đùng kể tất tật về cuộc đời ông… Nhưng chẳng có ai gặp ông và đương nhiên không có mấy chi tiết là sự thật.
Thương Tín chán lên báo từ đó. Mà sự biến mất của bất kỳ người nghệ sĩ nào trên các phương tiện truyền thông đều đồng nghĩa với chuyện hết thời! Người ta đồn Thương Tín buồn rồi rơi vào nghiện ngập. Thương Tín cũng từng nghĩ mình hết thời sau scandal bị bắt vào năm đó thật. Ông nói nhiều bài báo viết không đúng, họ viết ông như một tên tội phạm nghiêm trọng vừa bắt được sau thời gian dài truy nã. Điều đó làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, hình ảnh của ông. Ông buồn, thậm chí suy sụp tinh thần. Ông bỏ hết mọi công việc với nghệ thuật mà về căn nhà ở Nha Trang sống bên bố mẹ già, nơi ông đã xác định từ trước là chốn bình yên của ông!
Khoảng thời gian đó cũng là dịp để Thương Tín thực hiện báo hiếu với bố mẹ mình. Ông kể, vốn là anh cả của gia đình có 7 người em mà ai cũng có gia đình riêng nên ông có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ già. Bố mẹ ông hiện đang ở Nha Trang không ở cùng với con nào cả. Trước đây, khi nào ông có việc thì vào Sài Gòn làm, hết việc thì lại về ở cùng với ông bà. Thương Tín tâm sự: “Thời trẻ mình bôn ba nhiều quá, không có thì giờ chăm sóc. Lâu lâu về đưa ít tiền tưởng thế là xong, nhưng thật ra không phải. Người lớn tuổi cần tình cảm, gần gũi con cái chứ không phải tiền. Ngày trước tôi không bao giờ ở nhà được một ngày, chiếc xe hơi chạy ngang qua, tôi vào nhà nói vài chuyện rồi đi. Sau này tôi mới về quây quần với ông bà”.
Thời gian về nhà khoảng 5 năm từ 2007, Thương Tín xác định mình không làm phim nữa vì dư chấn của cú sốc quá lớn và cả vì chuyện tuổi tác. Nhưng, người ta vẫn hay nói nghề là nghiệp, khó rời bỏ được. Không những thế, với nhiều người thì nghề còn là tình yêu và cuộc sống của họ. Thương Tín cũng thế, ông kể rằng, những ngày rời xa trường quay và ánh đèn sân khấu, ông nhớ nghề một cách thăm thẳm như “nhớ một người mà mình thương yêu nhất trên cuộc đời” vậy. Chưa kể là nhiều khi xem phim thấy các đồng nghiệp trẻ của mình diễn nhạt quá ông cũng tức, cái tức của sự tự ái với nghề!
Dù ở Nha Trang ông đã tuyên bố không đóng phim nữa nhưng nhiều đạo diễn vẫn ra đến tận nơi mời ông vào phim của họ. Đương nhiên Thương Tín đều từ chối, tổng cộng 7 phim với lý do “không còn cảm hứng”. Ông nói: “Người đóng phim không phải như người đóng bàn đóng ghế, người ta tới đặt rồi đóng là xong. Nghề diễn viên thì khác, không phải người ta trả nhiều tiền là mình đóng được, nghề này là phải có cảm hứng, phải có đam mê. Một khi mình không còn cảm hứng thì thôi không làm nữa!”. Thế là Thương Tín tiếp tục những ngày ở nhà với bố mẹ già và cũng không thiếu cả những ngày rong chơi Bắc - Nam cùng những người bạn.
Nhưng rồi, có một điều kỳ diệu đã kéo Thương Tín quay lại với phim trường, cùng một niềm cảm hứng khá vẹn nguyên như cái thuở ban đầu ông vào phim đầu tay “Nắng đỏ” của đạo diễn Lâm Tới. Và người ta không khỏi ngỡ ngàng khi điều kỳ diệu khơi gợi lại niềm cảm hứng tưởng chừng đã chết ở người diễn viên gần 60 tuổi đời này lại là đứa con gái chưa đầy 1 tuổi của ông. “Đứa con gái 8 tháng tuổi hiện tại của tôi đã tạo nên niềm cảm hứng tôi quay lại phim ảnh” - Thương Tín thành thật. Ông cũng lý giải rõ ràng rằng, niềm cảm hứng ấy được sống dậy từ chuyện trách nhiệm của người cha với đứa con thơ. Ông nói: “Mình thì lớn tuổi rồi, không còn sống với con gái được nhiều nữa. Nói dại, lỡ như mình “đi” mà con còn quá bé, không ai lo thì khổ cho nó quá. Cho nên bây giờ cố gắng làm để tích lũy cho con, để nó có cái bươn chải mà sống khi không có mình. Tôi chỉ suy nghĩ đơn giản vậy thôi. Và từ suy nghĩ đó mà tôi tìm lại được cảm hứng trở lại nghề!”.
Nói về con gái, Thương Tín bảo đó là “kết quả của sự cảm thông và chia sẻ chứ không phải tình yêu” với một cô gái vừa ngoài đôi mươi. Nhưng thật ra, đúng hơn thì đó kết quả của tình yêu - một tình yêu đầy chất lãng tử của Thương Tín. Việc giữ lại đứa con ấy là quyết định của cô gái trẻ chứ không phải của Thương Tín. Bởi dù không yêu thật lòng nhưng với một chút nghĩa tình từng gối chăn, Thương Tín hiểu cô gái trẻ ấy còn nhiều cơ hội tốt đẹp khác trong đời nếu không giữ lại con. Ông cũng thừa trải nghiệm để biết được rồi cô gái trẻ ấy phải đối diện thế nào với gia đình, láng giềng chung quanh và cả những lời xì xào khó nghe của dư luận về chuyện gái trẻ không chồng mà con… Nhưng cô gái vẫn quyết giữ lại mà không cần Thương Tín chịu bất cứ trách nhiệm gì! Chính sự can đảm và chân tình ấy của cô gái đã biến một Thương Tín vốn đa tình và đào hoa phải xiêu lòng. Ông bắt đầu thương quý cô gái trẻ và lo lắng cho cả hai mẹ con chu đáo. Thương Tín bây giờ không còn “mải chơi” nữa mà là một người đàn ông của gia đình một cách đúng nghĩa!
Thương Tín không thích uống cà phê như ngày xưa, trong lần gặp tôi, ông gọi sữa để dùng với lý do “bồi bổ sức khỏe để đóng phim và lo cho con chứ không gì khác” - Thương Tín nói. Sữa vốn đã ngọt nhưng Thương Tín lại nhờ tôi gọi thêm đường để pha vào cốc sữa cho thêm ngọt. Tôi thắc mắc, ông bảo: Con người Thương Tín là vậy, mặn thì phải thật mặn và ngọt thì phải thật ngọt chứ không có chuyện lơ lửng được. Cũng giống như trong công việc, khi Thương Tín đã làm thì phải nhiệt tình, làm bằng hết sức mình. Còn khi Thương Tín không còn cảm hứng với công việc thì ông thà nghỉ ở nhà, thong dong khắp chốn, dù nhiều khi trong túi không còn lấy một xu chứ nhất quyết không ra phim trường diễn cho có để lấy tiền!
Tuy đã có tuổi lại xa phim trường nhiều năm nhưng sức hút và tình cảm của khán giả với Thương Tín vẫn còn đong đầy. Khi ông tuyên bố đóng phim trở lại, nhiều đạo diễn, nhà sản xuất lần lượt đến mời. Điều đó khiến Thương Tín thấy vui sướng và hạnh phúc, bởi đồng nghiệp, những người làm phim vẫn còn trân trọng ông, họ biết ông còn làm được và điều đó đã cho thấy, ông vẫn còn giữ được nghề. Mà thật ra thì Thương Tín mừng cho mình thì ít mà mừng cho con thì nhiều, bởi khi có việc làm thì ông có tiền cho con mình sau này!
Ông bảo, dẫu đã nhiều tuổi, sức yếu nhưng trong lần tái xuất này ông sẽ làm hết mình để người xem không phải thất vọng về một Thương Tín lừng danh ngày nào. Vừa trở lại phim trường, Thương Tín đã ký liền 3 hợp đồng phim truyền hình: “Tình người xứ hoa”, “Bên kia sông” và “Tối qua mơ gì”. Trong buổi ngồi trò chuyện với tôi, Thương Tín cho biết, ông đang trong giai đoạn chạy nước rút cho những tập cuối cùng của phim “Tối qua mơ gì”. Và nối tiếp sau phim này, Thương Tín sẽ tham gia bộ phim truyện nhựa “Lối thoát”.
Thương Tín qua các vai diễn nổi tiếng trong các phim: "Ván bài lật ngửa", "Biệt động Sài Gòn", "Bài ca không quên", "Chiến trường chia nửa vầng trăng"
Thương Tín nói ông bất mãn với lớp diễn viên trẻ hiện tại. Có lần ông gọi đó là sự “lạm phát” diễn viên. Rất nhiều ca sĩ, người mẫu cũng đi làm diễn viên trong khi họ không có năng khiếu, lại thiếu chuyên môn về diễn xuất. Ca sĩ thì hát, người mẫu thì diễn trên sàn catwalk chứ làm diễn viên sao được! Chính về sự lạm phát diễn viên nên càng ngày càng nhiều những “bình hoa di động” trên phim, khiến khán giả ngày càng ngao ngán và chán nản với phim Việt bởi không có gì để nhớ!
Với nhiều diễn viên thì một năm tham gia 4, 5 phim với vai chính đã là quá nhiều, là một sự cố gắng tột bậc. Nhưng với Thương Tín của ngày xưa thì ngần ấy không có ý nghĩa gì. Có năm Thương Tín đóng tổng cộng 12 phim nhựa, mà toàn là vai chính. Thời đó, mỗi phim làm trong vòng khoảng 3 tháng nên Thương Tín đóng phim không khác gì là… ca sĩ “chạy sô”. Cũng chính vì lẽ đó mà ông trở thành người đóng phim nhựa nhiều nhất cho đến tới thời điểm này, hơn 200 phim. Trong đó có nhiều phim với nhiều vai diễn được công chúng yêu thích cho đến tận bây giờ. Như vai Thiếu tá Vọng trong “Ván bài lật ngửa”, hay tướng cướp Bạch Hải Đường lì lợm trong “SBC”, rồi lột xác với Sáu Tâm kiên cường trong “Biệt động Sài Gòn”, Tám Thương trong “Bài ca không quên”, Quang trong “Chiến trường chia nửa vầng trăng” …
Ngoài hơn 200 vai diễn lớn trong các phim truyện điện ảnh, Thương Tín còn tham gia hàng loạt vai diễn trong phim truyền hình, kịch truyền hình và làm đạo diễn kịch sân khấu, kịch truyền hình. Có một thời gian dài Thương Tín làm nghệ sĩ tự do nên ông có điều kiện đi nhiều nơi, xuất hiện nhiều sân khấu, ai mời ông cũng tham gia. Ông nói, sở dĩ ông tham gia được nhiều phim mà không bị nhàm chán một phần là vì ông có “hai mặt”. Bình thường thì trong ông rất ôn hòa, thậm chí rất hiền hậu, nhất là ở đôi mắt nhưng khi ông giận lên thì trông rất hung tợn. Chính vì tính “hai mặt” ấy mà Thương Tín lúc thì vào vai hiền lúc làm vai dữ, ác; từ nhân vật làm tên cướp đến nhân vật làm công an, bác sĩ, trí thức, lúc thì là anh đạp xích lô… Thương Tín là một con người đa chiều và tài năng của bản thân ông thể hiện được tốt những nhân vật đa chiều đó!
Nhưng có một nghịch lý là Thương Tín đóng nhiều phim nhưng ông không giàu có, thậm chí nhiều lúc ông phải vay mượn bạn bè. Thương Tín không có nhà ở Sài Gòn, vào Sài Gòn đóng phim, để tiết kiệm tiền, Thương Tín phải ở nhờ nhà người quen ở vùng ngoại ô Bình Chánh chứ ông không ở khách sạn. Ông nói tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy! Nói ra điều này hẳn nhiều người sẽ không tin đó là sự thật ở một Thương Tín lãng tử, lừng lẫy một thời, là người diễn viên đầu tiên tự lái xe hơi sang đến phim trường, là một tay ăn chơi sành sỏi nhất nhì trong giới.
Thương Tín bảo rằng, mình có thời kỳ rất nhiều tiền. Song, đó là tiền của những người yêu ông lo cho ông! Đặc biệt là một nữ thương gia giỏi, người này làm ăn thành công nên lo cho ông rất nhiều. Chính vì thế, một thời Thương Tín làm phim chỉ để thỏa nỗi niềm đam mê chứ tuyệt nhiên không phải vì tiền. Cho nên, đừng bao giờ hỏi Thương Tín kiếm được bao nhiêu tiền từ các vai diễn, bởi ông không quan tâm tới điều đó. Mặc cho ông luôn thủ vai chính trong tất cả những bộ phim nhưng Thương Tín không hỏi tiền cát-xê khi nhận vai. Ông thấy vai diễn hợp là nhận vai và nhào vào diễn, sau đó người ta muốn trả bao nhiêu cũng được!
Thương Tín kể rằng, ông càng có nhiều tiền thì càng làm được nhiều phim, chứ ông mà ít tiền thì đã không làm được số phim điện ảnh nhiều như thế! Với nhiều diễn viên, đó hẳn là một điều quá vô lý. Nhưng với Thương Tín thì lại rất logic bởi ngày trước, số tiền cát-xê mỗi phim của ông mua được 1 chỉ vàng nhưng số tiền ông tiêu xài sau bộ phim ấy lại lên tới… 5 cây vàng! Ông giải thích: “Tại tôi đi nhiều thì phải xài nhiều thôi, ăn nhậu với bạn bè thì người ta mời tôi, tôi cũng phải mời lại người ta chứ!”. Còn bây giờ, Thương Tín cho biết, mức cát-xê đủ đảm bảo cho người diễn viên như ông “sống được” chứ không giàu vì nghề. “Ai nói làm nghề này mà giàu thì là nói xạo, sống được bình thường, trung lưu thôi là đã may rồi, bởi sự đãi ngộ, tiền trả cho công sức người diễn viên chưa xứng đáng, chưa đủ để người ta sáng tạo” - Thương Tín nói.
Nhưng dù hiện tại nghề không mang lại ông cuộc sống sung túc, đầy đủ về vật chất nhưng nó đã đem lại cho ông tình yêu thương của khán giả. Đó là thành quả vô giá mà suốt thời gian làm nghệ thuật vừa qua của ông đã đạt được. Và Thương Tín cũng thỏa mãn, bởi trong cuộc đời này ông đã để lại dấu ấn của chính mình, với ông như thế là quá đủ và hạnh phúc rồi.
Thương Tín nói, cuộc đời ông đã trải qua nhiều bi kịch, nhất là bi kịch nội tâm. Ông không biết cuộc sống hiện tại của mình có bi kịch không, ông không dám nghĩ và cũng chẳng nghĩ đến điều đó làm gì nữa. Ông chỉ biết hiện tại, sau những đợt ông đi đóng phim ròng rã, trở về nhà, ông được nâng niu con gái bé bỏng, mà theo ông nói là giống mình như khuôn đúc thì ông đã thấy mãn nguyện rồi. Hay có những lúc chỉ cần bàn tay nhỏ xíu của con sờ vào khuôn mặt góc cạnh của ông cũng làm ông thấy bình yên đến lạ kỳ. Thương Tín nói, ông đang dần thay đổi trong suy nghĩ để sống có trách nhiệm với chính mình và với người thương yêu của mình hơn. Sau hơn nửa đời người phiêu bạt và bất cần, Thương Tín một thời nay đã quá khác!
Trúc Vân