Truyền hình thực tế liệu có "thực"?!
Chỉ trong một thời gian ngắn, truyền hình thực tế đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của truyền hình thế giới. Nhưng cũng chỉ trong một thời gian ngắn, hầu hết khán giả của truyền hình thực tế trên khắp hành tinh phải đặt ra câu hỏi: liệu truyền hình thực tế có thực tế như chính tên gọi hay không?
Trong thập kỷ vừa qua, các chương trình THTT đã lan rộng đến hầu hết các nước trên toàn thế giới và chiếm phần lớn thời lượng sóng truyền hình. Những show ăn khách nhất như Pop Idol, Survivor, Amazing Race, Dancing with the Stars… được hàng chục nước mua bản quyền, triển khai theo phiên bản phù hợp với văn hóa từng quốc gia và được đón nhận rộng rãi.
Thực tế đó đã đưa THTT trở thành một “dòng” truyền hình thực sự trong ngành công nghiệp truyền hình hiện đại. Tuy nhiên, cho đến nay, cái gọi là điểm dừng của tính thực tế trong truyền hình thực tế vẫn là đề tài gây tranh cãi trong dư luận. Nhất là trong bối cảnh cứ nhắc đến truyền hình thực tế là khán giả liên tưởng đến scandal với những hồ đoán, nghi hoặc bủa vây tâm trí họ ngay từ khi chương trình bắt đầu lên sóng cho đến lễ trao giải chung cuộc.
American Idol
Khi người đồng sáng lập ra Hãng Apple Steve Wozniak còn đang nhịp theo những bước nhảy trong “Dancing with the stars” (phiên bản Việt Nam là “Bước nhảy hoàn vũ”), ông đã chia sẻ cảm nhận của mình về trò chơi này trên trang Facebook cá nhân: “Các nhà sản xuất chơi trò câu khách, nhưng lại không hề cho biết số lượng khán giả tham gia bỏ phiếu. Nếu họ tiết lộ con số này, đây có còn là một trò chơi truyền hình nữa hay không thì khó mà biết được. Nếu ngày mai tôi được xếp vào trong số hai đôi nhảy kém nhất thì đó là một sự dối trá trắng trợn”.
Dù sau đó, Steve Wozniak đã lên tiếng cải chính về những câu nói bốc đồng của mình nhưng những nghi ngờ về tính “thực tế” của THTT đã được gieo mầm để rồi phát triển mạnh mẽ.
Trở lại thời đầu những năm 2000 khi THTT mới bùng nổ và trở thành một hiện tượng trên truyền hình, Hiệp hội nhà văn Mỹ đã loan truyền đến khán giả một lời cảnh báo: đó thực sự không phải là sự thực!
Năm 2004, Daniel Petrie Jr., Chủ tịch Hội nhà văn Miền Tây nước Mỹ đại diện cho hơn 9000 cây bút viết kịch bản phim và truyền hình của Hollywood đã nói: “Chúng tôi xem THTT, cái được coi là không có kịch bản, và biết là nó có kịch bản, các chương trình chỉ tạo ra ảo giác rằng đó là sự thật mà thôi.”
Thực tế thì trong các chương trình mang tính thi đấu như Big Brother, Suvivor cũng như các show liên quan đến những hoàn cảnh sống đặc biệt như The Real World, nhà sản xuất đã sắp đặt hình thức và quy tắc của cuộc chơi, kiểm soát hành vi hàng ngày của người chơi cũng như tình huống xảy ra, tạo nên một “thực tế giả tạo” cho cuộc chơi.
Sau khi mang sức nóng của mình tới các quốc gia khác khắp thế giới, trong đó có Việt Nam, các chương trình truyền hình đã liên tục dính phải scandal. Mà đồng hành với scandal là tính thương mại và lợi nhuận thấy rõ. Điều đó càng khiến cho khán giả nghi ngờ tính thực tế của truyền hình thực tế. Thậm chí, người ta đã đặt ra vấn đề rằng ngay cả scandal mà truyền hình thực tế vấp phải cũng nằm trong kịch bản.
Chính bởi việc mang nặng màu sắc thương mại, nhiều chương trình gắn liền với tên tuổi của một nhãn hàng cụ thể của nhà tài trợ nên nhà sản xuất luôn phải tuyển chọn người chơi kỹ lưỡng từ trước, sử dụng những bối cảnh được thiết kế sẵn, đưa ra những sự kiện, thách thức và đặt họ vào trong sự dàn dựng của mình (không ít trường hợp người chơi được “gợi ý” từ trước) để khuyến khích những cách ứng xử khác thường nhằm đảm bảo sự thành công của chương trình.
Bước nhay hoàn vũ 2012
Ngay cả bài hát “Mother in dream” đã khiến hàng triệu khán giả khắp hành tinh rơi lệ của cậu bé Uudam trong chương trình China’ Got Talent năm 2011 cũng được làm giả thì khán giả đã hoàn toàn tin rằng truyền hình thực tế chưa chắc đã phản ánh đúng thực tế, hay nói cách khác, nó chỉ đơn giản là tên gọi của một thể loại truyền hình mà thôi.
Nhưng không phải tất cả các diễn biến trong THTT đều bị điều chỉnh theo kịch bản hoặc dàn dựng trước. Nhà sản xuất có thể bố trí sân chơi, lựa chọn cảnh quay đưa vào phim ảnh để thể hiện thông điệp mà mình muốn truyền tải nhưng không thể nào điều khiển được cách người chơi hành động hay ứng xử trong chương trình. Với các game thi đấu như Big Brother thì chính những người chơi sẽ tự quyết định về việc loại người kém nhất khỏi vòng tiếp theo.
Còn trong Bước nhảy hoàn vũ, ai có thể giúp các thí sinh thực hiện được bước xoạc hoàn hảo đến như vậy trong vũ điệu Dance Sport của mình? Ngoài chính họ. Và thái độ ứng xử của họ về kết quả của cuộc thi, cũng phản ánh đúng con người, phông văn hóa mà họ sở hữu.
Cho dù vẫn còn những cuộc tranh luận về tính thực tế của THTT, nhưng các chương trình thuộc thể loại này liên tiếp gặt hái thành công trong suốt thập kỷ vừa qua. Những chương trình như American Idol, Dancing with the Stars cả nguyên bản lẫn phiên bản luôn đứng hàng đầu trong bảng xếp hạng những chương trình ăn khách nhất. Điều đó cho thấy các chương trình THTT đã thực sự thu hút được sự quan tâm của khán giả.
Mà lý do có lẽ chính là ranh giới mập mèm giữa hư và thực này!
Ha Ny