Bài học mang tên… bánh trung thu?
Doanh nghiệp phải biết tôn trọng người tiêu dùng và một khi người tiêu dùng đã quay lưng lại với mình, điều đó chính là lỗi của mình, chứ đừng đổ lỗi cho một tác động khách quan nào khác.
Như Thổ (NLM số 258)
Vào những ngày chuẩn bị đón tết Trung thu này, người dân Hà Nội được chứng kiến một nghịch cảnh chưa từng có: ấy là chuyện người dân Hà Nội xếp hàng “rồng rắn lên mây” để mua được 2-3 hộp bánh trung thu làm theo kiểu ngày xưa ở một cửa hàng bánh trên phố Thụy Khuê.
Người ta xếp hàng cả nửa ngày trời để mua được vài hộp bánh.
Người ta đội nắng, đội mưa, thậm chí đi từ tờ mờ sáng để mua được hộp bánh.
Trong khi đó, trên khắp các phố phường, những cửa hàng bánh trung thu của các nhãn hiệu có tiếng bấy lâu nay như Kinh Đô, Hữu Nghị, Thu Hương thì vắng ngơ vắng ngắt.
Có những tờ báo đã dè bỉu dòng người đi xếp hàng mua bánh ở phố Thụy Khuê rằng, đó là do tâm lý bầy đàn, rằng người ta cố mua bánh ở đấy để tỏ ra sành điệu…
Thật là cách nhận xét hồ đồ và... ngu xuẩn!
Cảnh người dân đứng xếp hàng chờ đến lượt mua bánh trung thu (ảnh: Hiền Anh)
Nếu muốn tỏ ra sành điệu thì người ta phải mua bánh trung thu ở những nhà hàng danh tiếng, phải mua những hộp bánh có giá cả cao ngất ngưởng, chứ ai đi mua bánh kiểu “bình dân”.
Người dân đổ xô đi mua bánh trung thu ở lò bánh Bảo Phương là thể hiện điều gì?
Thật ra, nếu nói bánh trung thu Bảo Phương ngon tuyệt hảo thì cũng chưa chắc. Nhưng điều quan trọng là khi mua bánh ở đây, người ta được cầm trên tay chiếc bánh vừa ở trong lò ra còn nóng hổi và chắc chắn là bánh ở đây không sử dụng chất bảo quản không bị nấm mốc, không bị thiu nhân. Mang bánh này về chỉ để được vài ba ngày, nhà nào mua về thắp hương, rồi ăn ngay thì lại càng ngon.
Người ta không còn tin bánh của các nhãn hiệu bánh kẹo lớn nữa, vì có giời mới biết những chiếc bánh trung thu này được làm từ bao giờ và để giữ bánh được lâu, người ta pha những thứ quái quỷ gì vào bánh. Ngày 17-9, Cơ quan Kiểm tra Vệ sinh an toàn Thực phẩm đã “chỉ mặt, đặt tên” một loạt xí nghiệp làm bánh trung thu mà bị nhiễm khuẩn cao gấp cả trăm lần. Trong đó co bánh Kinh Đô, bánh Hữu Nghị...
Người viết bài này vừa được một anh bạn từ Sài Gòn gửi ra biếu một hộp bánh rất sang trọng và giá cả thì chắc chắn là không hề rẻ. Nhưng rồi mấy ngày sau lại nhận được một tin nhắn của anh bạn đó rằng, trong lô bánh mua về làm quà biếu mọi người có một số bánh đã bị mốc nên khi ăn phải xem lại cẩn thận và nếu chất lượng bánh có vấn đề thì anh rất lấy làm tiếc và anh xin lỗi.
Quả thật sau những trường hợp thế này thì làm sao người tiêu dùng có thể tin được nữa.
Cho nên, người dân đổ xô đi mua bánh mới ra lò là có lý của họ.
Mấy năm trước thì đúng là có cảnh người dân xếp hàng mua bánh trung thu của Kinh Đô, Hữu Nghị ở Hà Nội, nhưng bây giờ thì không có nữa.
Không hiểu lãnh đạo các đơn vị này có day dứt vì việc khách hàng quay lưng lại với mình không? Không biết là họ đã bao giờ ngồi lại với nhau để giải đáp câu hỏi đó? Không hiểu rằng có vị giám đốc nào thấy xấu hổ khi bánh của mình ế sưng ế xỉa, còn bánh của một cửa hàng quy mô nhỏ và về mặt lý thuyết thì chẳng gì có thể so sánh với các nhãn hiệu nổi tiếng, nhưng doanh thu thì chắc chắn là hơn rất nhiều một nhãn hiệu lớn. Theo con số mà người ta đồn đại thì mỗi ngày, cửa hàng bánh Bảo Phương ở phố Thụy Khuê bán ra khoảng 5.000 chiếc, nhưng lại cũng có người nói mỗi ngày cửa hàng này bán ra tới… một vạn bánh. Xem ra con số một vạn này có lý hơn, bởi lúc nào cũng có hàng trăm người xếp hàng từ 6 giờ sáng cho đến tối khuya.
Đây là một bài học cho các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp Việt vào lúc ăn nên làm ra thì không bao giờ nghĩ rằng, sẽ có ngày mình lụn bại bởi chính sự tự mãn, chủ quan.
Một doanh nghiệp, một đất nước… và một con người giống nhau ở chỗ có lúc khỏe, nhưng cũng có lúc sa sút, ốm đau. Vậy thì với người biết nhìn xa trông rộng, đặc biệt là những người lãnh đạo doanh nghiệp thì phải nhìn thấy lúc nào sẽ “ốm” để có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa hoặc thay đổi cách sống, cách làm, cách ăn, cách ở từ khi còn khỏe mạnh.
Các cụ xưa có câu: “Bón cây từ lúc còn xanh” - nghĩa là phải chăm bẵm cái cây từ khi còn đang tươi tốt, phải chịu khó nước, phân gio đầy đủ thì cái cây ấy mới được lâu bền. Đằng này cứ để cây sắp chết khô mới vội vàng tưới tắm, bón phân thì dù có cứu được, cây cũng bị chột một thời gian dài.
Gần đây, một số doanh nghiệp rượu, bia, nước giải khát bắt đầu kêu gào rằng, sản xuất của họ sẽ bị ảnh hưởng nếu như thực hiện Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - nghĩa là lúc ấy thị trường rượu, bia, nước giải khát của Việt Nam phải mở cửa cho các nhãn hiệu nước ngoài vào cạnh tranh. Các doanh nghiệp Việt Nam lo ngại bị ảnh hưởng, thậm chí chết bởi rượu Tây, bia ngoại tràn vào.
Hay thật! Hiệp định đó đã được ký. Thời gian thực hiện hiệp định cũng đã được biết trước. Nhưng suốt bao nhiêu năm nay, thử hỏi đã có doanh nghiệp rượu, bia, nước giải khát nào của ta tính toán rằng, mình sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi thực hiện hiệp định ấy hay không? Lãnh đạo các nhà máy rượu, bia, nước giải khát đã bao giờ cảm thấy xấu hổ khi Việt Nam mang tiếng có lắm loại rượu làng nghề nổi tiếng, nhưng lại không có loại rượu nào mang ra để chiêu đãi khách quốc tế và cho đến bây giờ, người Việt mình vẫn chưa có loại rượu nào cho ra hồn?
Cho nên, xin các vị đừng kêu, đừng trách ai cả, mà hãy trách chính mình. Mấy năm vừa rồi, ngành sản xuất bia tăng trưởng “vui” nhất so với tất cả các ngành khác. Việt Nam nghèo khó của chúng ta đang được thế giới kính nể vì có sức tiêu thụ bia, rượu vào loại lớn trên thế giới. Người ta hỏi tại sao cứ nói kinh tế khó khăn, thất nghiệp nhiều, thu nhập giảm, nhưng bia rượu lại bán tốt thế? Hóa ra, người Việt mình vốn thích nhậu, vui cũng uống, buồn cũng uống và thậm chí chẳng buồn, chẳng vui cũng uống. Thế mới có câu: “Giàu tham việc, thất nghiệp tham ăn”.
Khi thị trường còn đang được sự bảo hộ thì không nghĩ đến chuyện phải cạnh tranh và phải nghĩ cách cho sản phẩm của mình vươn ra thế giới, chứ không chỉ ở trong nước. Đây là một căn bệnh có thể nói là truyền kiếp của các doanh nhân Việt, đồng thời cũng thể hiện tầm nhìn ngắn, ý chí kém, thậm chí là hèn của doanh nhân Việt. Khi làm ăn được thì vỗ ngực, không coi thiên hạ là gì và không chịu nghĩ đến phải làm mọi cách để đứng vững trên đôi chân của mình, đến khi khó khăn thì lại kêu gào Chính phủ…
Bài học về chuyện bánh trung thu mấy năm nay có lẽ là bài học đắt giá đối với các doanh nghiệp. Nhưng không hiểu là thực tế này có làm cho các vị lãnh đạo của các nhãn hiệu nổi tiếng kia mở mắt ra được không? Nếu như họ không nhìn ra được, cũng như các nhà máy sản xuất rượu, bia, nước giải khát đang lo sợ trước hàng ngoại nhập vào thì những nơi này cũng chẳng nên tồn tại làm gì.
Ai cũng biết rằng, người tiêu dùng vốn rất thông minh và biết cách lựa chọn những sản phẩm đáp ứng được gu ẩm thực của mình. Còn nhớ cách đây hai chục năm, khi chúng ta mới bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, ở các tỉnh phía bắc tràn ngập bia Vạn Lực, Li Quan… Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, hai loại bia đó đã biến mất trên thị trường và thay vào đó là sự lên ngôi của bia Hà Nội, bia Sài Gòn, rồi một số hãng bia danh tiếng liên doanh với nước ngoài.
Vậy nên, làm gì thì làm, doanh nghiệp phải biết tôn trọng người tiêu dùng và một khi người tiêu dùng đã quay lưng lại với mình, điều đó chính là lỗi của mình, chứ đừng đổ lỗi cho một tác động khách quan nào khác.
N.T