Lại lo vỡ quỹ bảo hiểm y tế
Dự án Luật sửa đổi một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) vừa trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm dấy lên những lo lắng về độ an toàn của quỹ, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách Nhà nước (NSNN) trong tương lai gần.
“Không vỡ quỹ thì ngân sách nhà nước... vỡ!”
Trong phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tái khẳng định, dự án luật sửa đổi được kỳ vọng là bước đệm quan trọng để lộ trình thực hiện BHYT toàn dân phải gắn liền với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, từng bước chuyển dần từ việc cấp NSNN trực tiếp cho bệnh viện sang hỗ trợ để người dân tham gia BHYT. Theo dự án luật sửa đổi, trong tương lai BHYT toàn dân là bắt buộc. Đây là mô hình được cơ quan soạn thảo khẳng định đã được nhiều quốc gia láng giềng và trong khu vực áp dụng từ lâu.
Tuy nhiên, trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn nhiều ý kiến lo ngại khả năng bắt buộc là khó vào thời điểm hiện tại, bởi bản thân Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020”; Quyết định 538 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020, với mục tiêu đến năm 2015 đạt tỷ lệ trên 70% dân số tham gia BHYT, đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia BHYT.
Cảnh chen chúc chờ khám BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh
Nhiều ý kiến đánh giá cao quy định sửa đổi có lợi cho dân như hạ tỷ lệ cùng chi trả với hộ cận nghèo, thân nhân người có công, đồng bào dân tộc thiểu số từ 20% xuống 5%; hay quy định quỹ BHYT sẽ chi trả tất cả trường hợp khám chữa bệnh BHYT trái tuyến, vượt tuyến với các ca bệnh điều trị nội trú, đồng thời chỉ chi trả một số bệnh cho khám ngoại trú. Tuy nhiên, cũng chính từ cách tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội cảm thấy lo lắng, đặc biệt là sự an toàn của quỹ BHYT.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lo ngại, trong lúc số người tham gia BHYT tự nguyện hạn chế như hiện tại, thật khó để đảm bảo quỹ BHYT sẽ an toàn từ nay đến năm 2015 chứ chưa nói xa xôi như các nghị quyết. “Chúng ta không thể chủ quan được. Chỉ bằng các con số thì không thể lấy gì đảm bảo độ an toàn cho quỹ BHYT cả. Hiện tại mức đóng BHYT xấp xỉ 600 nghìn đồng/người/năm, trong khi số người thụ hưởng từ nguồn NSNN trong số 90 triệu dân tăng nhanh sau khi Dự thảo Luật có hiệu lực thì tôi e ngại rằng quỹ không vỡ thì NSNN cũng vỡ. Chưa kể sau này chi phí thường xuyên của cơ sở y tế được lấy ra từ chính quỹ BHYT thì mọi việc càng khó khăn. Tôi tin là trong trường hợp quỹ BHYT có ổn định thì NSNN sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cả chục nghìn tỉ đồng bội chi chứ không ít!”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề.
Nhiều ý kiến lo ngại sau khi dự án luật sửa đổi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, giá dịch vụ y tế sẽ tăng gấp nhiều lần hiện tại để đảm bảo lộ trình “tính đúng, tính đủ” như tinh thần ban soạn thảo. Như vậy, cho dù NSNN đã “cáng đáng” gần hết nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) của người dân thì điều các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn nhất vẫn là những tồn tại của KCB với chiếc thẻ BHYT.
BHYT toàn dân: vẫn gặp khó
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, tình trạng thuốc được bảo hiểm thanh toán đã không đáp ứng điều trị nên bác sĩ kê loại ngoài danh mục cho bệnh nhân. Như vậy, người bệnh BHYT muốn chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn vẫn phải chấp nhận chi thêm tiền túi.
Phó chủ tịch nước nhấn mạnh, những tồn tại của ngành y là lịch sử để lại. “Bộ máy thanh tra rất lớn, từ thanh tra Chính phủ, thanh tra các ngành, rồi thanh tra nhân dân... tại sao để tình trạng này xảy ra? Có hay không chuyện cán bộ địa phương không sợ pháp luật, không sợ bị trừng trị?”, Phó chủ tịch nước chia sẻ từ những chuyến công tác thực tế. “Bức tranh phải được vẽ ra rõ ràng, trách nhiệm thuộc về ai, phải có địa chỉ cụ thể? Chế độ, chính sách luôn hướng đến người nghèo, trong khi sau mỗi cuộc giám sát, thanh kiểm tra nào cũng có vấn đề nẩy sinh. Các đồng chí nghĩ sao?”, Phó chủ tịch nước cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ra 1 Nghị quyết thể hiện rõ chính kiến đối với vấn đề quản lý BHYT, quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan thực thi.
Từ vị trí của cơ quan lập pháp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã phân tích hàng loạt vấn đề xung quanh câu chuyện BHYT. “Nguyên tắc BHYT là chia sẻ rủi ro. Người khỏe giúp người yếu, người bệnh nhẹ chia sẻ cho người bệnh nặng. Rõ ràng công tác tuyên truyền vận động đang có vấn đề. Y đức, cải cách hành chính công hiện nay khiến người dân rất không bằng lòng. Thủ tục nhiêu khê, rườm rà, chờ đợi, bị gây khó dễ, tiêu cực... nên người dân ngại dùng BHYT để khám chữa bệnh. Người có điều kiện đành phải tìm đến khám chữa bệnh tự nguyện”, Phó chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
“Chúng ta phải mổ xẻ từng vấn đề, để từ đó các báo cáo cần phải đi vào sâu hơn hơn. Trước đây là BHYT thuộc Bộ Y tế, về sau sáp nhập với BHXH. Mô hình trước đây như thế nào, ưu việt hay kém hơn hiện tại? Tình trạng lạm dụng việc kê đơn, chiếu chụp nhiều loại... khiến BHYT phình to có hay không và ai chịu trách nhiệm?”. Phó chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý ngân sách dành cho y tế cần tăng, nếu tỷ lệ đó phù hợp với điều kiện NSNN hiện tại. “Tôi đi giám sát nhiều địa phương, thấy rất nhiều công trình liên quan đến các cơ sở y tế bị đình trệ. Giờ thì tình trạng quá tải tuyến trên đã quá rõ ràng. Nếu ngành y tế không đẩy nhanh chính sách luân chuyển bác sĩ giỏi đi các địa phương thì chất lượng KCB rất có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh đề nghị tạm giữ nguyên mô hình hiện tại. Lý do là vì thời điểm hiện tại mới chỉ 68% người dân tham gia BHYT, tức là chưa đủ 2/3 dân số cả nước. Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh cho rằng, thách thức lớn nhất, đó là công bằng và hiệu quả. “Chúng ta thực hiện trong lúc mọi việc còn nửa chừng, tức là chi phí giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ. Lộ trình BHYT toàn dân chưa hoàn thành. Nếu 90-100% người dân tham gia thì sự chia sẻ sẽ lớn hơn rất nhiều 68%. Cơ chế chuyển đổi hỗ trợ từ cơ sở y tế sang hỗ trợ trực tiếp người tham gia BHYT cần có thêm thời gian để đi vào cuộc sống”. Xung quanh vấn đề mô hình, có lẽ một mình Bộ Y tế cũng khó có thể thể làm xuể. Bộ Y tế là cơ quan quản lý Nhà nước nhưng không được quản lý tài chính, bất cập hơn nữa Chủ tịch Hội đồng Quản lý quỹ lại là Bộ Tài chính. Và cuối cùng, 5% quản lý cuối cùng lại cũng đưa về BHXH để làm công tác tuyên truyền. Với những tồn tại đó, chắc chắn BHYT sẽ lại là câu chuyện làm nóng “nghị trường” vào kỳ họp cuối năm sắp tới.
Lê Tùng