Có một không gian làng quê trong lòng phố
Đặt chân đến phố Thụy Khuê, dường như con người được sống chậm lại với thời gian. Mọi sự huyên náo của mảnh đất Hà thành gần như dừng hẳn lại. Người ta chỉ còn thấy mình đang lạc vào một làng quê Bắc Bộ, sống lại với không khí dân dã, thôn quê tưởng chừng như không thể tìm thấy ở mảnh đất phồn hoa đô hội này.
Năm 2010, nhân kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Đông Đô Hà Nội, 20 kỷ lục Việt Nam của Hà Nội đã được công bố. Trong đó, Thụy Khuê được phong danh là Phố có nhiều cổng làng nhất Hà Nội.
Nét cổ kính trên phố Thụy Khuê
Từ xưa đến nay, nhắc đến Hà Nội, người ta nhớ đến phố cổ. Nhưng ít ai biết rằng, Hà Nội còn có một mảnh đất gắn với sự tồn tại của rất nhiều ngôi làng cổ đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ, đó chính là Phường Thụy Khuê, thuộc Quận Tây Hồ. Phố cổ vốn là phố nghề, chuyên buôn bán. Bởi vậy, nét đẹp mộc mạc, giản dị đậm chất thôn quê của Thụy Khuê là nét khác biệt lớn nhất so với sự sầm uất ẩn chứa trong nét cổ kính của Phố Cổ.
Dài 3,2 km, Phố Thụy Khuê bắt đầu từ ngã ba đường Bưởi – Lạc Long Quân (còn gọi là Nút Bưởi), kéo dài đến phố Quán Thánh – đường Thanh Niên. Đây là con phố có nhiều di tích đình, chùa, miếu cổ đã được xếp hạng. Trong đó phải kể đến như Đền Đồng Cổ, Đình Đồng Xã, Đền Vệ Quốc,…
Đình An Thọ cổ kính nằm ngay mặt đường Thụy Khuê
Dọc con đường Thụy Khuê, tuy lọt thỏm giữa những tòa nhà cao tầng, những cửa hàng sang trọng, nhưng các ngôi nhà cổ vẫn có một sức hút diệu kì với bất cứ ai đi qua đây. Ngôi nhà với nét đặc trưng của các khung cửa xếp đã hoen ố, lộ rõ vẻ cũ kĩ trên từng bức tường vôi đã tróc lở và những mái nhà lợp ngói xô lệch, bám rêu. Nhưng đó không phải những ngôi nhà bị hoang hóa, chúng vẫn được sử dụng để kinh doanh dù diện tích nhỏ, thấp..
Ngôi nhà cổ 3 gian chung một mái
Ẩn trong những ngôi nhà cổ trên phố Thụy Khuê là hình bóng của các quán phở bò, bánh giò, bánh bao; hoặc là cửa hàng thu mua sách báo cũ, mua - bán đồ cổ; hay những cửa hàng bán gạo trông như thời bao cấp. Chính điều đó làm cho con phố Thụy Khuê vừa có nét hiện đại, vừa có nét cổ kính.
Những ngôi nhà cũ kĩ tăng thêm nét cổ kính cho tuyến phố Thụy Khuê
Làng nằm trong phố
Từ xa xưa, dân chúng vẫn quan niệm: nhà có nóc, làng có cổng. Bởi vậy, cổng làng có vị trí quan trọng trong đời sống thực và đời sống tâm linh của con người. Không chỉ vậy, nó còn mang giá trị lịch sử và văn hóa rất lớn đối với mỗi làng xã.
Sau bao thăng trầm của thời gian và đổi thay của xã hội; đến nay, phố Thụy Khuê vẫn lưu giữ được hàng chục cổng làng cổ. Những cái tên Cổng Giếng, cổng Xanh, cổng Hầu, cổng Chùa cứ thế đã gắn bó mật thiết với cuộc sống người dân nơi đây từ bao giờ không ai hay. Chúng trầm mặc đứng đó, mang đến cho Thụy Khuê một vẻ đẹp sâu lắng rất riêng mà có lẽ chẳng có con phố nào ở Thủ đô có được.
Cổng Giếng dẫn vào làng Hồ Khẩu
Rời xa những âm thanh của phố sá, phía sau cổng làng, Thụy Khuê trở nên trầm mặc, mộc mạc, đơn sơ. Cổng làng vẫn giữ được nét xưa với khu chợ họp đông vui, người người ra vào buôn bán tấp nập mỗi ngày. Không bày bán “ngạo nghễ” như những tiệm tạp hóa; chỉ là một vài gánh rau, ít hoa quả hay lẻ tẻ hàng ăn, quán nước với một vài chiếc ghế gỗ được đặt kế bên, nhưng cũng đủ để người ta cảm nhận được nó giống như một phiên chợ quê. Dưới góc nhìn của một đô thị văn minh, hình ảnh chợ họp dưới cổng làng có thể bị quy vào việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán. Nhưng dưới góc nhìn văn hóa, nó lại là “mảnh hồn làng” còn sót lại giữa thị thành hoa lệ này.
Những chiếc cổng làng cổ thường cách nhau không xa
Chợ họp dưới cổng làng tạo nét quê bình dị
Bước qua cổng làng, hình ảnh những con ngõ nhỏ, chật hẹp và sâu hun hút, tách biệt hẳn với phố dần xuất hiện. Những gì còn lại chỉ là một vài bức tường rêu phong, trên mình bám chặt những cây dương xỉ xanh mướt hay những cánh cửa sổ gỗ chìa ra ngõ màu bạc phếch, có dấu hiệu mục nát từ lâu; và cả những chiếc cổng gỗ hình vòm, bên trên có đính một tấm gương như một thứ bùa chú để trừ tà ma.
Những mảng tường rêu mốc và những khung cửa mục là hình ảnh quen thuộc khi bước chân vào làng.
Cánh cổng cổ và cách đánh số nhà lạ lẫm
Ai còn nghĩ mình đang sống ở phố? Khi trong con ngõ ấy bắt gặp hình ảnh một “gian hàng tuổi thơ”? Ngôi nhà cũ kĩ, từng mảng vôi tường như ngấm nước mắt của thời gian rồi bong chóc. Lối cửa ra vào nhỏ, nhưng cửa bên thì lại to, có bệ cao, phía trên treo đủ thứ quà cho trẻ nhỏ, từ bim bim, bỏng ngô… cho đến kẹo dồi lạc. Bên trong chiếc cửa, bóng dáng một cụ già bán hàng với khuôn mặt phúc hậu và một vài đứa trẻ con đôi mắt trong veo, đưa tay chỉ trỏ lên những thứ đồ muốn mua như chắp thêm và hoàn thiện từng mảng kí ức về tuổi thơ mỗi con người.
Kí ức qua những “gian hàng tuổi thơ”
Không khí của làng quê dường như thân thuộc hơn khi con ngõ nhỏ ấy có sự xuất hiện của một bà lão chuyên bán đồ hàng mã. Trong diện tích chưa đầy ba mét vuông, cụ bà với mái tóc bạc phơ, vận chiếc áo trắng lanh cộc và chiếc quần nâu như lọt thỏm giữa đống vàng mã, giấy tiền, hương đăng… Người trong ngõ đi vào đi lui, thỉnh thoảng lại nói dăm câu ba điều với bà cụ. Có khi là câu hỏi thăm bình thường, có khi lại là một câu thông báo rằng cụ A, cụ B vừa mới mất…
Bà cụ bán hàng mã
Thụy Khuê là mảnh đất có bề dày văn hóa và lịch sử ở Hà Nội. Mọi người thường gọi nó bằng cái tên thân thuộc là Làng nằm trong phố, bởi chỉ cần đến đây là có thể cảm nhận được thế nào là hồn quê.
Lan Anh