Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: "Phim hành động thì phải sướng cái mắt, đã cái tai"
Nhận xét về xu hướng làm phim mới theo thể loại hành động và hành động giả tưởng, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng với điều kiện như hiện nay để có một bộ phim hay, cạnh tranh được với phim nhập ngoại vẫn còn là một điều khó.
Làm gì cũng cần phải có thương hiệu
- Điện ảnh Việt thời gian gần đây chuyển hướng sang thể loại phim hành động và hành động giả tưởng để hút khán giả hơn, điển hình như Đường Đua, Lửa Phật... Nhưng với điều kiện còn khó khăn như ở xứ ta thì khó để có thể làm những bộ phim hành động hay đúng không anh?
- Điện ảnh Việt Nam không chuyển hướng mà là có thêm vài hương vị và Đường Đua hay Lửa Phật là sản phẩm mà các nhà làm phim mong muốn để mở rộng thêm đối tượng xem phim.
Thể loại hành động là thể loại tốn kém kinh phí, nên không chỉ cần có điều kiện kỹ thuật mà con người cũng cần phải có kỹ năng... Tuy nhiên, theo tôi để làm cho ra một bộ phim hay và được khán giả thích thú, có cảm xúc thì thể loại nào cũng khó hết. Giống như bạn nấu một món ăn cầu kỳ và tốn kém đã khó, nhưng nấu một món đơn giản, mộc mạc mà vẫn thuyết phục được khách hàng thì còn khó hơn nhiều.
- Theo anh thì điều quan trọng nhất mà một bộ phim hành động, hành động giả tưởng cần đạt được tới là gì?
- Phim nào cũng cần có câu chuyện và nhân vật, những yếu tố này phải đảm bảo được hấp dẫn, khiến người xem muốn theo dõi cho đến phút cuối. Tất nhiên, thể loại hành động thì đòi hỏi cao hơn chút, để hấp dẫn được khán giả là một điều khó, mà để họ cảm thấy sướng cái mắt và đã cái tai thì cần tổng hòa của nhiều yếu tố và đương nhiên tài năng của nhà làm phim.
Phim hành động dễ bán hơn các thể loại khác
- Nhưng việc đi sau so với các nước có nền điện ảnh phát triển khác trong thể loại này rất dễ đem đến sự so sánh. Bởi đương nhiên những bộ phim của ta chưa thể bằng những bộ phim hành động được nhập ngoại. Chính vì sự không bằng đó thì việc đòi lại thị trường có nhọc nhằn quá không?
- Ưu điểm của thể loại phim hàng động là tính toàn cầu cao, vì ở đâu xem những hoạt cảnh như đánh nhau, bắn súng, võ thuật... đều có thể hiểu. Nó khác với những thể loại tình cảm, hài tâm lý dễ mang tính địa phương. Cũng giống như sự khác biệt giữa hài của hai miền Nam - Bắc Việt Nam vậy đó. Nên thường cơ hội phim hành động dễ bán ra các thị trường khác hơn thể loại khác.
Cộng với việc, những bộ phim chúng ta nhập hầu hết là những bộ phim hạng A, hàng đầu thế giới, nên thường chất lượng cao và được kiểm chứng để nhập khẩu. Nên nếu đem ra so sánh như vậy thì khá khập khiễng. Bởi thể loại hành động của ta mới chỉ là manh nha thôi. Nếu bạn xem nhiều phim nước ngoài thì sẽ thấy tỉ lệ phim dở cũng rất cao.
- Vẫn biết đánh giá một bộ phim hay hay dở thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng sự thật là có những bộ phim được đông đảo giới chuyên môn và truyền thông khen ngợi nhưng lại gặp khó khăn trong việc chinh phục phòng vé. Điển hình như trường hợp của Đường đua vừa qua. Từ đó để nói rằng, không phải cứ phim được khen là dễ bán?
- Thường thì khán giả họ xem bằng cảm xúc tự nhiên chứ không xem trên tiêu chí bình phẩm khen – chê một cách khắt khe nên không cần phải phân tích quá nhiều. Như vậy, đương nhiên là nó có sự khác biệt với các nhà phê bình. Bởi vậy mới nói, thực tế vẫn phải đi sát với nhu cầu của khán giả và phục vụ thị hiếu của họ.
Xét về việc bình phẩm một sản phẩm điện ảnh thì thị trường của chúng ta cũng thiếu những nhà phê bình "ngôi sao" có tầm ảnh hưởng đến khán giả. Các nhà phê bình chưa xây dựng được thương hiệu để có thể định hướng hay tác động mạnh mẽ đến khán giả.
- Cũng là một tên tuổi đạt được doanh thu khủng từ chính phim của mình. Vậy chia sẻ kinh nghiệm thì theo anh công thức phòng vé ở thị trường phim Việt là gì?
- Mỗi người có một cách nhìn nhận, đánh giá và cách làm riêng. Không ai giống ai cả, nên bản thân mình cứ phải làm điều mình tin và làm những gì thuộc cảm xúc của mình. Bên cạnh đó là xác định rõ đối tượng, mục đích của việc làm phim, cho ra đời một bộ phim chứ đừng tham muốn nhiều thứ quá.
- Một sự thật hiển nhiên rằng, thương hiệu của đạo diễn có tác động không nhỏ đối với doanh thu của bộ phim. Tôi nghĩ rằng, nó đúng với đạo diễn Dũng Khùng. Vậy từ cá nhân mình, anh có thấy thật sự thế không?
- Tôi nghĩ rằng thị trường ngành nào cũng cần thương hiệu và niềm tin của khách hàng.
Phim thương mại là “nồi cơm” chính
- Theo anh thì có nên phân biệt rạch ròi giữa hai dòng phim phim tác giả (phim nghệ thuật) và phim đại chúng (phim giải trí) hay không?
- Cái đó thì còn tùy thuộc vào các nhà phê bình. Họ là những người có quyền phân chia, phân loại... đại loại họ có nhiều lý luận lắm. Còn tôi là người làm, người tạo ra sản phẩm, tôi chỉ nghĩ phải làm cái gì mà mình có cảm xúc, cái gì mình yêu thích vừa khả năng thì làm thôi.
- Giới chuyên môn và cả những người tâm huyết với nền điện ảnh Việt thường vẫn có định kiến với dòng phim giải trí bởi thường thì xem xong rồi quên luôn. Và khi đó nếu phải đem ra để “thử lửa” ở đấu trường nước ngoài thì thật khó để chọn được một ứng cử viên sáng giá. Điều lo lắng này đúng với thực trạng phim Việt, phải không anh?
- Từ trong trường học thầy tôi cũng nói giống câu bạn đang hỏi. Lúc đó tôi nghĩ rằng trước khi muốn người ta nhớ lâu một bộ phim thì trước tiên mình phải làm được bộ phim để người ta ngồi xem đến hết phim trước đã. Điều đó đồng nghĩa với việc, muốn thuyết phục người ngoài xem phim thì trước hết phải thuyết phục người trong nhà đã.
- Là một người làm nghề hẳn anh cũng rất sốt ruột. Nhưng rào cản lớn nhất ở đây là gì, thưa anh?
- Tôi cũng chẳng sốt ruột gì. Làm phim ở Việt Nam là dễ và có nhiều thuận lợi, ít người tài cạnh tranh, nhân công rẻ, luật thì cũng không quá khó, chỉ khó đoán. Tôi nghĩ may mà ở Việt Nam thì tôi muốn làm phim lúc nào làm, muốn làm nhà sản xuất nào thì làm. Chứ ở các nước phát triển khác thì cỡ như tôi chắc là... thất nghiệp.
Cái khó của người làm phim ở Việt Nam là phải biết bình tĩnh đi từng bước, không nhụt chí chán nản, không nên hoang tưởng, cũng không nên chấp nhận an phận. Vì chúng ta là một thị trường đang phát triển, nó sẽ thay đổi mỗi ngày, tất nhiên cũng không thể một bước lên đến trời được.
- Nhưng sự thật là theo quy luật cung – cầu, phim giải trí sinh ra là để phục vụ nhu cầu giải trí ngày càng cao của người Việt. Vậy theo anh, chúng ta cũng phải trả lại sự công bằng cho vai trò của phim giải trí?
- Công bằng của cuộc sống này là bạn phải cố gắng tồn tại, phát triển dù có nhiều bất công.
- Và phim giải trí thì cũng chẳng thể mất đi?
- Cái gì có đồng cảm của nhiều người và phát triển cùng xã hội chẳng bao giờ mất đi.
Cái gì có đồng cảm với nhiều người và phát triển với xã hội thì không mất đi
- Như anh cũng thấy là với xu hướng chuộng phim giải trí như hiện tại thì e ngại rằng sẽ làm lệch đi gu thẩm mỹ thưởng thức điện ảnh, từ đó sẽ sản sinh ra tâm lý dễ dãi tiếp nhận, hoặc không chấp nhận thì lại quay lưng. Điều này quả là một bài toán khó với nhà làm phim?
- Người ta vẫn hay gọi điện ảnh là ngành công nghiệp giải trí thì phim thương mại là nồi cơm chính của ngành điện ảnh. Nhưng muốn nồi cơm đó ngoài no thì cần phải càng ngày càng ngon, càng ngày càng phải có nhiều gia vị mới mẻ. Những gia vị mới mẻ (tôi gọi là phim độc lập, phim tác giả, phim đề cao cái tôi, tính thể nghiệm). Các nhà phê bình có thể gọi là "nghệ thuật". Để có cái mới mẻ, thử nghiệm mà hay thì chúng ta cần có cái nuôi nó thì hãy trích từ tiền của phim thương mại, giải trí để làm điều đó, nếu thử nghiệm có những thứ hay thì nó lại áp dụng làm mới, làm lạ cho phim thương mại. 1 nền điện ảnh lành mạnh là phải tôn trọng những các giá trị khác nhau và những các khác nhau phải hổ trợ nhau.
- Anh có nói rằng đến một lúc không phải lo về kinh phí, không phải cầm tiền người khác thì sẽ làm phim khác đi. Như vậy, anh chưa hài lòng thực sự về những sản phẩm mình đã làm? Nếu được làm thì anh sẽ làm những bộ phim như thế nào?
- Tôi hài lòng những gì mình đã làm. Tất nhiên có nhiều câu chuyện và cách kể chuyện tôi muốn làm mà cảm thấy chưa phù hợp thời điểm. Mình làm phim tiền của người ta và người ta mong mình đem đến lợi nhuận thì mình không thể muốn làm gì thì làm, không thể làm cái thứ mà chỉ tốt cho riêng mình được. Nguyên tắc của tôi khi kết hợp với ai thì cũng phải nghĩ đến lợi ích của đôi bên, đôi bên phải biết chia sẽ với nhau và cùng một mục tiêu, phải thẳng thắng và không lợi dụng nhau.
- Và hành động giả tưởng có phải là hướng đi anh nhắm tới? Cùng với những đồng nghiệp của mình thì anh có tin tưởng vào con đường mới của điện ảnh Việt ở đây không?
- Không. Thể loại đối với tôi chỉ là cách và giọng điệu kể chuyện. Tuỳ câu chuyện mà mình sẽ chọn cách và giọng điệu để kể. Tất nhiên về mặt nghề nghiệp chúng tôi cũng có 2 nhiệm vụ. Một là làm cái gì mình có khả năng, hai là tìm những trải nghiệm mới.
Vâng, cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Huyền Anh (Thực hiện)