Lâm nợ với tín dụng tiêu dùng
Trong bối cảnh tín dụng khó tìm đầu ra, các ngân hàng đua nhau tìm đủ cách để đưa thẻ tín dụng đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, với lãi suất cho vay cao cộng với hàng chục loại phí phải đóng, nếu không biết tính toán người tiêu dùng rất dễ trở thành con nợ khi sử dụng thẻ tín dụng.
Ngân hàng ra sức ưu đãi
Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng tại TP HCM đã đẩy mạnh việc phát hành thẻ ATM với lãi suất ưu đãi và xem hoạt động này như một kênh nhằm tăng thêm thanh khoản cho đầu ra tín dụng. Để làm điều này, nhiều ngân hàng đã không ngần ngại tung ra thị trường những chương trình khuyến mãi khi phát hành thẻ tín dụng. Phương thức được nhiều ngân hàng dùng phổ biến nhất vẫn là miễn phí phát hành thẻ, tặng phí sử dụng từ 6 tháng đến một năm cho chủ thẻ .
Nếu không sử dụng khôn khéo, khách hàng dễ trở thành con nợ của các ngân hàng vì thẻ tín dụng
Mới đây nhất là chương trình ưu đãi của ngân hàng ANZ mời chào khách hàng bằng chương trình phát hành thẻ visa. Theo đó, khách hàng khi phát hành thẻ visa của đơn vị này sẽ nhận được ưu đãi miễn phí sử dụng lên đến 1 năm. Bên cạnh đó, quá trình sử dụng thẻ khách hàng còn được hưởng lợi nhờ việc cho vay của ngân hàng cùng với nhiều liên kết tới các địa điểm mua sắm nổi tiếng trong nước và khu vực Châu Á.
Theo nhân viên của ngân hàng, khách hàng có thể rút số tiền bằng 20% hạn mức của thẻ. Một số ngân hàng khác như Techcombank, Sacombank còn cho phép chủ thẻ tín dụng được rút số tiền lên đến 40-50% hạn mức. Nhiều đơn vị còn cho phép mở thẻ tín thông qua việc dựa trên tài khoản lương không dưới 10 triệu đồng/tháng.
Đại diện một ngân hàng thương mại tại TP HCM phân tích: Trong thời điểm đầu ra cho tín dụng khó khăn như hiện nay thì kênh phát hành thẻ ATM được nhiều ngân hàng đặc biệt sử dụng. Với mức phí hàng năm cao, cộng với các khoản phí dịch vụ đi kèm đây quả là một kênh hái ra tiền của các ngân hàng. Vì vậy không quá khó hiểu khi nhiều ngân hàng ra sức lôi kéo khách hàng phát hành loại thẻ này.
Khách hàng dễ thành con nợ
Với những gói ưu đãi có thể xem là “khủng” của ngân hàng, khách hàng tưởng chừng có thể hưởng được nhiều quyền lợi giá rẻ. Tuy nhiên, nếu nhẩm tính ra các khoản phí phải đóng thì nếu sử dụng không khôn khéo thì rất dễ bị lâm nợ vì thẻ tín dụng.
Chị Nguyễn Thị Liên, nhân viên văn phòng ở Q.1 cho biết: Tôi thường đi công tác nước ngoài nên lúc trước cũng làm thẻ tín dụng để tiện cho việc mua sắm đây đó. Nhưng sự thật, sau một thời gian sử dụng mới té ngửa vì bị trừ tiền rất nhiều. Khi thắc mắc chuyện này thì ngân hàng mới liệt kê đến cả chục loại phí khác nhau. Từ đó mới phát hiện ngân hàng tính phí đủ kiểu. Theo chị Liên, dù thẻ tín dụng có sức hấp dẫn nhờ việc có thể mua hàng hóa ở nhiều nơi, đặc biệt là tại các trung tâm thương mại lớn với giá rẻ. Tuy nhiên, nguy cơ trở thành con nợ cũng hiện hữu nếu không có phương án sử dụng hợp lý.
Hiện nay, mức phí trung bình các ngân hàng đánh vào chủ thẻ giao đông trong khoảng 300.000 - 350.000 đồng/thẻ/năm. Ngoài ra, chủ thẻ tín dụng phải trả rất nhiều loại phí khác như: phí truy vấn hạn mức, phí cấp lại mã pin, phí quản lý tài khoản… và các loại phí phải thanh toán ngay như phí thông báo thất lạc, phí cấp bảng sao kê, phí quản lý chuyển đổi ngoại tệ (nếu thanh toán bằng ngoại tệ)… Đáng quan tâm hơn là các ngân hàng sẽ “hút” được khoản lợi nhuận lớn từ việc cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng khi phát hành thẻ tín dụng cho khách hàng. Nếu như lãi suất tiết kiệm trên thị trường đang là 7% thì lãi suất cho vay tiêu dùng qua thẻ ở các ngân hàng hiện nay lên đến 2,15%/tháng.
Nếu quy ra cả năm thì mức lãi suất này lên đến 25,8%/năm. Chưa hết, khách hàng còn phải đối mặt với nổi lo bị áp thêm phí trả chậm nếu không hoàn trả tiền đúng thời gian quy định. Mức phí này cũng được cho là không rẻ, dao động từ 5-6% trên số tiền thanh toán tối thiểu.
Theo GS.TS Trần Hoàng Ngân (ĐH Kinh tế TP HCM): loại hình thẻ tín dụng là một hình thức thanh toán tốt cho người tiêu dùng và cả ngân hàng. Người tiêu dùng cần phải thông minh khi dùng loại thẻ này nếu không muốn lâm nợ. Còn các ngân hàng thì cũng phải chọn cho mình đối tượng phù hợp nếu không muốn phải gánh thêm những khoản nợ “xấu”.
Thùy Trang