Càng "đói" càng lo "chạy" dự án
Sau quãng thời gian dài gần như “ngủ đông”, khi nền kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc rõ nét, nhiều doanh nghiệp (DN) đang “bung sức” vận dụng đủ mối quan hệ để tìm kiếm cơ hội trở lại thị trường.
Bất động sản đã dạy cho "chạy dự án" một bài học nhớ đời nhưng...
Có một câu chuyện mà trong suốt gần 2 năm qua – kể từ khi nền kinh tế bước vào giai đoạn khó khăn (từ đầu 2011 đến nay) là hiện tượng phá sản, giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động của các DN (năm 2013, con số thống kê của Bộ Tài chính là khoảng hơn 50.000 DN). Những cùng với đà phục hồi của nền kinh tế những tháng đầu năm 2013, số DN trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục tăng. Điều này cho thấy, nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi tăng trưởng ổn định và bền vững hơn.
Nhịp đập của thị trường đã trở lên sôi động hơn với sự góp mặt nhiều hơn của cộng đồng các DN nhưng nó cũng lại đặt ra một vấn đề, họ sẽ sống như thế nào? Các chính sách của Chính phủ đang dành rất nhiều sự hỗ trợ cho các DN phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng rõ ràng, Chính phủ không thể cho các DN công ăn, việc làm, không thể tạo ra lợi nhuận được. Đây thực sự là vấn đề mà bất kỳ DN nào dù trong thời “bình” hay thời “khủng hoảng” cũng phải giải quyết.
Trở lại thị trường là một tín hiệu vui cho nền kinh tế nói chung và bản thân mỗi DN nói riêng nhưng để niềm vui đó trọn vẹn thì lại là điều không đơn giản. Và vào cái thời “người khôn, của khó” theo cách nói của một vị giám đốc DN chuyên cung cấp thiết bị điện, chiếu sáng đô thị ở Hà Nội thì đây là lúc các DN đang “bung sức” vận dụng các mối quan hệ để “chạy”, để xin việc, xin dự án…
“DN đã trở lại nhưng để có thể “sống”, có thể tồn tại và không thêm một lần nữa phải tạm ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản… họ phải lập tức tham gia “đường đua” giành giật công việc, dự án” – vị này nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu của PetroTimes, đây là thời điểm các tỉnh thành địa phương từ Trung ương đến địa phương đang xây dựng kế hoạch, dự toán nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng xã hội. Bảng dự toán này sẽ nêu rõ loại dự án, tổng nguồn vốn, nguồn vốn, đơn vị quản lý… Và với nhiều DN đây được xem là “cẩm nang”, là “bí kíp” đi đến thành công.
Câu chuyện “chạy dự án”, “chạy vốn”… đã được PetroTimes nhiều lần phản ánh và thực tế, dù đã có rất nhiều nỗ lực nhằm kiểm soát tình trạng này nhưng hiện tượng này vẫn diễn ra, gây nhức nhối trong dư luận xã hội. Hàng ngàn DN trở lại hoạt động thì cũng đồng nghĩa để có thể sống, có thể tồn tại, họ phải kiếm được hàng ngàn dự án… Điều này rõ ràng là không hề đơn giải bởi như đã nói ở trên, họ mới chỉ trở lại nên “sức khỏe” cũng như khả năng cạnh tranh sẽ hạn chế.
Lại một chuyện nữa, DN muốn tồn tại, muốn phát triển hay chí ít là duy trì hoạt động… thì phải có quan hệ và quan hệ này phải được “nuôi nấng” một cách thường xuyên. Tình trạng này không chỉ diễn ra trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản – lĩnh vực được cho là có nhiều tiêu cực cũng như bị nghi “chạy dự án” nhiều nhất – mà bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh nào cũng đều có. DN xây dựng thì phải làm sao xin được dự án, xin được làm nhà thầu, DN sản xuất cũng phải tìm cách giải quyết sản phẩm mình làm ra…
Càng "đói" càng phải "chạy"...
"Chạy dự án" vẫn đang là vấn nạn trong xã hội ta.
“Đó là thực tế và là điều mà mọi DN phải chấp nhận, phải nhập cuộc nếu muốn tồn tại” – anh Nguyễn Mạnh Dương, chủ một DN chuyên kinh doanh thiết bị điện, chiếu sáng đô thị chia sẻ.
Anh cho biết: Cùng với sự di xuống của thị trường bất động sản, khoảng 2 năm nay, lượng hợp đồng cung cấp các thiết bị điện, chiếu sáng đô thị mà công ty anh ký được đã giảm tới 70%. Doanh thu của công ty vì thế cũng chỉ đủ trả lương cho cán bộ, công nhân viên còn các khoản chi phí khác thì phải bù lỗ.
Nói về chuyện chi phí khác, anh liệt kê ra một loạt nhưng cái đáng nhắc tới nhất là tiền “nuôi quan hệ”. Anh bảo: Mình có đói thì nhất định không thể để “đối tác” đói theo được.
Chia sẻ trên có thể xem là “kim chỉ nam”, là “phương châm”… hoạt động mà chính bản thân giới chuyên gia đặt ra. Thực tế, điều này PetroTimes cũng đã không ít lần phản ánh, vì sao DN này nhận được dự án A mà không phải DN khác và dù nếu có đặt lên “bàn cân” thì chưa chắc DN đó đã tốt, đã “khỏe” hơn DN kia.
Có 1.001 lý do để hình thành lên các đường đua “chạy dự án”, chạy việc, chạy công trình… nhưng rõ ràng, khi sau quãng thời gian khó khăn, vốn đầu tư công bị hạn chế thì cuộc đua đó sẽ trở lên sôi động hơn, khốc liệt hơn.
Mấy ngày vừa qua, có dịp ngồi nói chuyện với lãnh đạo nhiều công ty, DN, trong đó có cả DN Nhà nước lẫn DN tư nhân, tôi nhận thấy một điều, làm DN thời này thật là khổ. Mang cái mác giám đốc, ngồi xe nọ xe kia, cũng nay quán này, mai quán nọ để tiếp ông này, ông kia nhưng rồi tối về, nằm vắt tay lên trán mà toát mồ hôi. Việc làm cho công ty thì chưa thấy đâu nhưng có một điều hiển hiện trước mắt là chi phí cho những bữa tiếp khách, cho chi phí đối ngoại cứ ngày càng phình to ra.
Chuyện của các DN là vậy! Và chắc chắn, với bất kỳ ai khi muốn tham gia vào “thế giới” của nhưng doanh nhân thì đều phải chấp nhận cuộc chơi này. Và như thế, khi thế giới đó ngày càng trở lên đông hơn, hiện tượng “chạy dự án” sẽ nhộn nhịp hơn.
Thanh Ngọc