Gia đình bốn thế hệ may cờ Tổ quốc
Trải qua hơn nửa thế kỷ, đến nay gia đình anh Nguyễn Văn Phục ở xã Lê Lợi (Thường Tín, Hà Nội) là gia đình hiếm hoi có 4 thế hệ nối tiếp nhau theo nghề làm cờ Tổ quốc. Lòng tự hào dân tộc, tình yêu đất nước được họ gửi gắm, “dệt hồn” vào những lá cờ mang sắc màu dân tộc Việt Nam.
Nghề làm cờ Tổ quốc đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và lòng yêu nước
Cách mạng tháng 8 thành công, cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng mùa thu Ba Đình lịch sử. Rừng cờ đỏ thắm trong ngày độc lập ấy là biểu tượng cho một đất nước anh hùng, quật khởi đấu tranh giành độc lập, tự do lá cờ ấy do những người thợ ở làng Từ Vân may suốt ngày đêm cho kịp ngày khởi nghĩa. Đã hơn nửa thế kỷ, nghề may cờ Tổ quốc vẫn được người làng Từ Vân duy trì. Và trong số ít có những gia đình như gia đình anh Nguyễn Văn Phục, với 4 thế hệ nối tiếp nhau giữ nghề.
Làng Từ Vân, xã Lê Lợi vốn nổi tiếng với nghề thêu từ thế kỷ 16. Chính vì vậy, trước ngày chuẩn bị cho lệnh tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, các nghệ nhân nơi đây đã được Ủy ban Kháng chiến mời làm cờ Tổ quốc. Và rồi, họ làm cờ như một cái “duyên” với đất nước. Họ quyết định bám nghề và sau này những người thợ, nghệ nhân ấy được tuyển vào Hợp tác xã cờ đỏ trên phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm chuyên may cờ Tổ quốc.
Về làng Từ Vân, hỏi nhà anh Phục làm cờ Tổ quốc chúng tôi đã được người dân trong làng chỉ đường về tận nhà. Ngôi nhà cấp bốn là nơi gia đình anh Phục sinh sống và cũng là nơi để làm nghề. Anh Phục là thế hệ thứ 4 của gia đình (sau cụ, ông nội và bố) theo nghề này.
Gia đình anh Phục với 4 thế hệ nối tiếp nhau giữ nghề làm cờ
Anh Phục kể rằng từ năm 1945 thì gia đình anh cũng đã thêu những lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên tung bay trên bầu trời Việt Nam, trong ngày độc lập (2/9). Đối với mỗi thành viên trong gia đình luôn thấy tự hào về nghề của mình đang làm. Mỗi lá cờ được làm nên là niềm tự hào, mình cảm thấy như đã đóng góp một phần nào đó cho tình yêu đất nước”, anh Phục chia sẻ.
Không biết rằng lá cờ Tổ quốc chính gia đình mình làm ra hàng ngày vẫn tung bay trên đỉnh cột cờ Lũng Cú (Hà Giang). Đây là lá cờ độc đáo Lá cờ Tổ quốc có chiều dài 9m, chiều rộng 6m, diện tích 54m2, tung bay trên đỉnh núi Rồng quanh năm lộng gió tượng trưng cho 54 dân tộc anh em chung sống trên đất nước Việt Nam.
Lá cờ có tổng diện tích 54 m2, tượng trưng cho 54 dân tộc trên đất nước Việt
Trải qua thời gian, nghề may cờ Tổ quốc ở Từ Vân còn ít người giữ nghề bởi thu nhập thấp. Nhiều nhà chuyển sang nghề may quần áo, thêu các mặt hàng khác, buôn bán, chạy chợ hoặc bỏ nghề. Theo anh Phục, nghề may cờ cũng có cái khó so với các nghề may thêu khác.
Nghề này đòi hỏi kỳ công từ khâu chọn vải, thêu, in, pha màu… cốt làm sao để cờ may xong không chỉ chính xác về màu sắc, tỷ lệ, kích thước mà phải sắc nét, chắc chắn. Loại vải may lá cờ là vải sa mua từ làng La Khê, Hà Đông. Còn tua, chỉ được mua từ làng Triều Khúc. Mỗi nhà có một cách làm riêng. Nhưng cái khó nhất là phải thổi “hồn” vào từng là cờ dù là cờ to hay nhỏ, cờ in hay cờ thêu. So với các nghề may khác thì người làm nghề may cờ Tổ quốc luôn thấy tự hào và sự thiêng liêng.
Chị Đào Thị Duyên (vợ anh Phục) được truyền nghề từ ngày về làm dâu tự hào kể rằng: “ Mới đầu học nghề tôi thấy khó từ khâu chọn vải phẳng, may cờ… Khi thấy những lá cờ đỏ thắm bay phấp phới là trong lòng lại xốn xao khó tả. Làm nghề 14 năm, tôi càng cảm thấy tự hào,vì được góp nên “hồn” cho đất nước, quê hương”.
Nghề may cờ Tổ quốc cũng trải qua thăng trầm. Đã có nhiều lúc gia đình anh Nguyễn Văn Phục tưởng chừng như không giữ nổi được nghề. Thế nhưng, nhớ lời cha ông đã dặn, họ vẫn tìm cách vượt qua khó khăn để giữ nghề và tiếp tục truyền nghề cho con cháu. Tận mắt thấy cháu Nguyễn Thị Thảo năm nay 12 tuổi nhưng đã thuần thục đạp bàn máy may và gấp những đường viền cờ ngay ngắn đã phần nào hiểu được ý thức yêu nghề và quan trọng hơn cả gia đình họ xem lá cờ như một phần cơ thể của chính họ.
Cháu Thảo tự hào “9 tuổi cháu đã may được cờ. Cháu thấy vui và xúc động, vì làm lá cờ này là yêu quê hương đất nước, tự hào về gia đình. Sau này, lớn lên cháu vẫn làm cờ”.
Những ngày lễ lớn của đất nước, dịp lễ Quốc khánh 2/9, những lá cờ đỏ sao vàng, lá Quốc kỳ thiêng liêng do gia đình anh Phục và những người dân Từ Vân may được treo trở lên xúc động hơn bao giờ hết, thể hiện lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc.
Nguyễn Hoan