1.001 kiểu thực phẩm bẩn made in China
(Petrotimes) - Ngày 17/8, 15 người ở tỉnh Vân Nam đã bị kết án vì sản xuất và buôn bán dầu ăn không an toàn. Các bị cáo kể trên bị tuyên với mức án từ 5, 10, 18 năm tù và chung thân cùng khoản tiền phạt lên tới 300 triệu NDT (khoảng 49 triệu USD).
Trước đó (12/8), Bộ Công an thông báo, vừa phát hiện nhiều loại thuốc thú y được bán khắp cả nước chứa chất cấm có tác dụng tạo nạc cho thịt lợn, nhưng nguy hiểm cho sức khỏe con người. 9 nghi can chính đã bị bắt và cảnh sát tịch thu hơn 4.000 hộp chứa 20 loại thuốc thú y, 6 loại trong đó chứa clenbuterol. Trung Quốc cấm sản xuất, bán và sử dụng chất tạo nạc clenbuterol, vì tồn dư hóa chất này trong gia súc có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho con người, như chóng mặt, đau đầu, run tay, loạn nhịp tim... Một lần nữa vấn nạn thực phẩm bẩn tại quốc gia hơn 1,34 tỉ người lại được dư luận quan tâm với nhiều mức độ và nguyên nhân khác nhau.
Từ các con số biết nói
Ngày 12/3, Tạp chí Tài Kinh từng đưa tin, để cho ra lò những con heo béo tròn, người chăn nuôi ở Trung Quốc trộn thuốc kháng sinh và các chất thải công nghiệp độc hại vào thức ăn gia súc để giúp đàn heo tăng trọng nhanh. Kết luận này được đưa ra sau khi một nhóm nghiên cứu Mỹ - Trung tiến hành điều tra tại ba trại nuôi heo lớn ở Bắc Kinh, thành phố Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến và ngoại ô thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang.
Dư luận từng đặc biệt quan âm tới phiên tòa xét xử những nghi can trong vụ “thịt lợn siêu nạc” tại tỉnh Hà Nam, bởi trong số 113 người đứng trước vành móng ngựa hôm 26/11/2011 có tới 77 cán bộ nhà nước và đây là hành động cương quyết của chính quyền trong việc xóa sổ thực phẩm “bẩn” đang hoành hành tại quốc gia hơn 1,34 tỉ người. Lưu Tường, kẻ chủ mưu sản xuất, tiêu thụ chất clenbuterol, chất liệu chính tạo nên “thịt lợn siêu nạc” để sản xuất thịt siêu nạc từ đầu năm 2007 phải nhận án tử hình, hoãn thi hành án 2 năm. Người tiêu dùng cũng khá bất ngờ sau tuyên bố của chuyên gia Phòng Công nghiệp và Thương mại Bắc Kinh khi xác nhận (17/10/2011): những chiếc chân giò trắng hồng, nõn nà, được làm sạch sẽ đã qua xử lý bằng hóa chất.
Xét xử kẻ tiêm thuốc độc vào thực phẩm xuất đi Nhật Bản (trái)
Ngày 31/5, phiên xử kháng cáo về vụ án chế biến dầu ăn trái phép đầu tiên của Trung Quốc đã được mở tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang. Tại phiên xử sơ thẩm, cả 7 bị cáo đều bị kết án sản xuất và bán dầu ăn nguy hiểm chế xuất từ nước cống do các nhà hàng thải ra. Các bị cáo đã thu về hơn 16 triệu USD từ việc bán “dầu ăn nước cống”.
Ngày 20/5, giới chức ở Quảng Đông hứa mở rộng điều tra gạo và các sản phẩm liên quan sau khi phát hiện 8 lô gạo và bún chứa độc tố gây ung thư và dị dạng thai nhi. Theo CRI, số gạo này được mua từ tỉnh Hồ Nam và bún được sản xuất bởi hai nhà máy ở Đông Quan, thành phố Châu Giang, Quảng Đông. Dư luận Trung Quốc chưa hết sửng sốt trước vụ thịt chuột giả thịt cừu, thì chính quyền thành phố Thâm Quyến lại phát hiện đường dây dùng hóa chất biến thịt gà, vịt, heo thành thịt cừu.
Ngày 13/5, tờ Southern Metropolis Daily cho biết, chính quyền thành phố Thâm Quyến tiến hành xét nghiệm ADN các mẫu thịt cừu giả từ một chợ đầu mối, phát hiện chúng được làm từ thịt gà, vịt và heo trộn hóa chất. Đây là vụ thịt cừu giả mới nhất được phát hiện sau khi Bộ Công an cho biết (3/5), đã có hơn 900 người bị bắt trong chiến dịch kéo dài ba tháng nhằm truy quét những đối tượng làm “thịt giả”, thu giữ khoảng 20.000 tấn thịt giả. Còn theo kết luận điều tra do Công an tỉnh Giang Tô công bố, tháng 2/2013, Công an thành phố Vô Tích mở đợt truy quét ở Vô Tích và Thượng Hải, phá đường dây làm giả thịt dê cắt lát, bắt 63 đối tượng, đồng thời tiêu hủy hơn 10 tấn thành phẩm.
Dư luận cũng thực sự lo lắng về việc trà Ô Long nhiễm thuốc trừ sâu, cam nhuộm màu độc hại, thuốc nhuộm tóc, đũa sử dụng 1 lần chứa chất gây ung thư, chất độc hại. Cơ quan chức năng Bắc Kinh cũng phát hiện những cuốn vở trắng tinh dành cho học sinh được bày bán ở thủ đô có chứa lượng lớn chất độc hại có thể gây ung thư. Hàng ngàn trẻ em ở Thượng Hải được yêu cầu không mặc đồng phục sau khi các cuộc kiểm tra của thành phố này cho thấy, đồng phục có chứa hóa chất độc hại gây ung thư.
Sản phẩm sữa Dumex tại một siêu thị ở Trung Quốc
Trung tuần tháng 12/2012, Đài Truyền hình Quốc gia Trung Quốc đưa tin, một số cơ sở cung cấp gà tại tỉnh Sơn Đông đã nuôi gà bằng thức ăn trộn hóa chất. Cũng trong thời điểm này, một người tiêu dùng đã mua 500gram cánh gà giả ở siêu thị tại quận Phiên Ngu, thành phố Quảng Châu. Theo báo chí Trung Quốc, trứng gà giả chứa chất hóa học và không có lợi cho cơ thể con người. Trước đó (4/7/2012), cảnh sát bắt 6 người làm bia giả bằng các chất hóa học công nghiệp gây ung thư. Những người này làm giả bia bằng cách thêm các hóa chất độc hại là axit hydrochloric và formaldehyde vào 13 nhãn hiệu bia và bán ở các tỉnh Cát Lâm, Liêu Ninh, Hắc Long Giang và Nội Mông Cổ.
Ngày 13/6/2012, tờ Nhân Dân nhật báo đưa tin, Sở Nông nghiệp tỉnh Sơn Đông đã mở cuộc điều tra về túi tẩm thuốc trừ sâu sau khi nhận được tin: nông dân trồng táo ở thành phố Yên Đài bọc táo bằng loại túi này để tránh sâu bọ. Theo đó, thương hiệu táo nổi tiếng Hồng Phú Sĩ ở Yên Đài, tỉnh Sơn Đông bị ảnh hưởng sau khi thông tin này xuất hiện. Trước đó (thượng tuần tháng 6/2012), Trung Quốc phát hiện một khối lượng lớn nấm kim châm (35 tấn) ở tỉnh Phúc Kiến bị ngâm hóa chất công nghiệp. Cũng trong thời điểm này, hơn 100.000 quả trứng vịt muối và 2,2 tấn muối công nghiệp độc hại được sử dụng để sản xuất loại thực phẩm này đã bị tịch thu ở Thành phố Giang Môn, tỉnh Quảng Đông. Ngày 17/11/2011, cảnh sát đã phát hiện và thu giữ một lượng thuốc giả khổng lồ trị giá 2 tỉ NDT (khoảng 315 triệu USD), trong một chiến dịch truy quét dược phẩm giả trên phạm vi toàn quốc.
Tới những vấn đề nan giải
Những cáo buộc của Thủ tướng New Zealand John Key đối với Công ty sữa Fonterra (5/8) vẫn đang thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là tại quốc gia hơn 1,34 tỉ người. Bởi đại diện của Công ty Fonterra đã xin lỗi người tiêu dùng vì che giấu thông tin về vụ sữa bột bị nhiễm khuẩn và đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc phải đối mặt với vấn nạn này. Tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Tổng giám đốc Fonterra Spierings đã xin lỗi người tiêu dùng trên khắp thế giới bị ảnh hưởng vì vụ sữa bị nhiễm khuẩn, nhưng bác bỏ cáo buộc cho rằng, Fonterra đã cố tình che giấu vụ sữa nhiễm khuẩn.
Ngày 4/8, Tổng cục Giám sát chất lượng, Kiểm nghiệm và Kiểm dịch Nhà nước Trung Quốc công bố danh sách 4 công ty nhập khẩu sản phẩm sữa của Công ty Fonterra New Zealand sau khi yêu cầu lập tức thu hồi sản phẩm có khả năng bị nhiễm khuẩn clostridium botulinum - loại vi khuẩn sản sinh ra độc tố gây tổn hại thần kinh. Fonterra là tập đoàn dinh dưỡng lớn nhất New Zealand và sở hữu khoảng 30% thị phần thị trường sữa thế giới. Trong khi đó, gần 90% kim ngạch nhập khẩu sữa bột của Trung Quốc trong năm 2012 đến từ việc mua sữa của New Zealand. Do đó, lệnh cấm nhập kéo dài có thể gây ra tình trạng khan hiếm sữa dinh dưỡng tại Trung Quốc.
Sản phẩm của Công ty sữa Fonterra được bày bán tại Trung Quốc
Trước đó (3/8), Bộ trưởngThương mại New Zealand Tim Groser khẳng định, Trung Quốc đã dừng nhập tất cả các loại bột sữa của nước này sau khi một số sản phẩm sữa của Công ty sữa Fonterra bị nhiễm khuẩn. “Mức độ an toàn trong sữa bột đang là vấn đề được các bà bầu và những gia đình có trẻ em quan tâm bậc nhất”, Allen Wang, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Babytree.com, diễn đàn trực tuyến dành cho các bậc phụ huynh lớn nhất Trung Quốc, từng bày tỏ như vậy.
Ngày 1/6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất sữa bột dành cho trẻ em và cam kết sẽ trừng phạt nặng những người vi phạm an toàn thực phẩm nhằm phục hồi lòng tin của công chúng sau hàng loạt vụ bê bối về sữa nói riêng và thực phẩm nói chung tại nước này trong những năm qua. Trước đó (2/5), tờ Nhân dân nhật báo cho biết, 3 công ty thực phẩm của Trung Quốc đã phải thu hồi 23 lô thực phẩm bổ sung cho trẻ em sau khi phát hiện lượng thủy ngân vượt quá mức an toàn trong sản phẩm. Cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng cho rằng, chính phủ phải chịu trách nhiệm, đặc biệt là trong công tác kiểm tra cho dù vụ “sữa sạn thận” là vấn đề nội bộ của từng hãng sản xuất sữa. Việc này diễn ra sau vụ bê bối của Tập đoàn sữa Tam Lộc năm 2008 khiến 6 trẻ em thiệt mạng và khoảng 300.000 bé khác bị nhập viện. Theo giới truyền thông, sữa bột độc hại từng là chủ đề nóng tại phiên họp Quốc hội khóa 12 (tháng 3/2013).
Ngày 19/6, Bộ Công an nước này cho biết, cảnh sát đã triệt phá hơn 4.500 vụ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và đóng cửa khoảng 6.300 cửa hàng và chợ buôn bán hoặc sản xuất các loại thực phẩm trái phép, đồng thời tịch thu hơn 150.000 loại thực phẩm phi pháp như dầu ăn, thịt, đồ uống… Cơ quan kiểm tra an toàn Trung Quốc từng thông báo, gần 1/10 đồ chơi sản xuất cho thị trường nội địa không an toàn, có độc hại cho sức khỏe sau khi tổ chức Greenpace tìm thấy phthlates ở 21/30 sản phẩm đồ chơi trẻ em bán ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu.
Ngày 13/6, Tân Hoa xã đưa tin, Bộ Đất đai và Tài nguyên sẽ triển khai một cuộc điều tra trên quy mô toàn quốc về tình trạng ô nhiễm đất. Cuộc điều tra diễn ra trong bối cảnh càng ngày càng có nhiều nhà sản xuất lúa gạo ở tỉnh Hồ Nam gửi đơn thư yêu cầu chính phủ tìm nguyên nhân thực sự dẫn đến tình trạng gạo nhiễm cadmium (chất gây ung thư) trước vụ thu hoạch mới, nhằm trấn an tình hình trong nước đồng thời gỡ khó cho các nhà xuất khẩu gạo. Ngày 20/2, Bộ Bảo vệ Môi trường lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “làng ung thư” trong văn bản chính thức. Theo luật mới được ban hành, từ ngày 1/1/2013, mọi loại thực phẩm đóng gói ở Trung Quốc bắt buộc phải in thông tin cụ thể về thành phần dinh dưỡng như hàm lượng chất béo, năng lượng, protein, carbohydrate và natri...
Ngày 7/8, các nhà khoa học Mỹ công bố kết quả điều tra cho thấy (đăng trên Tạp chí Science Translational Medicine), một chất chiết xuất từ thảo mộc dùng trong các bài thuốc đông y Trung Quốc trị viêm khớp có thể gây ra các đột biến gen và liên quan trực tiếp đến bệnh ung thư. Giáo sư về ung thư Kenneth Kinzler và các nhà khoa học tại Trung tâm Johns Hopkins Kimmel Cancer đã tìm thấy chất aristolochic acid trong 19 bệnh nhân ung thư tuyến thượng thận ở Đài Loan và đây là chất chiết xuất từ một loại dây leo ở Trung Quốc dùng trong các bài thuốc đông y trị viêm khớp, bệnh gout, chống viêm. Trong các khối u của bệnh nhân Đài Loan, các nhà khoa học Mỹ phát hiện tới 150 đột biến/megabase, so với 8 đột biến/megabase ở bệnh nhân ung thư phổi và 111 đột biến/megabase ở bệnh nhân ung thư vì tia cực tím.
Ngày 2/7/2013, nữ tội phạm Mã Tú Linh (người dân chăn nuôi bò sữa ở thành phố Bình Lương, tỉnh Cam Túc) đã bị xử tử hình bằng thuốc độc vì tội dùng chất hóa học nitrit trộn vào sữa tươi của đối thủ kinh doanh, khiến 3 trẻ em thiệt mạng và trên 30 trẻ khác mắc bệnh. Người chồng của Mã cũng bị tù chung thân trong vụ án trên. Trước đó, Tòa án Nhân dân thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc cũng xét xử Lữ Nguyệt Đình, kẻ tiêm thuốc trừ sâu vào há cảo đóng gói khiến 13 người bị ngộ độc năm 2008, trong đó có cả người Nhật Bản. Lý do được Lữ Nguyệt Đình đưa ra là vì có mâu thuẫn với một số đồng nghiệp và chế độ đãi ngộ của nhà máy không thỏa đáng, khi không hỗ trợ cho vợ mình nghỉ sinh. Tòa án Thượng Hải từng xét xử vụ bánh bao nhuộm hóa chất từng gây xôn xao dư luận (26/9/2011). Theo đó, 3 thành viên ban quản trị Công ty thực phẩm Thịnh Lộc gồm tổng giám đốc, giám đốc kinh doanh và Giám đốc sản xuất bị tuyên phạt 5-9 năm tù giam cùng khoản tiền phạt tiền 200.000-650.000 NDT/người. |
Quốc Tuấn - Khắc Dũng