Thị trường vốn vẫn gặp khó
Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp nhưng hiệu quả vẫn còn rất hạn chế.
Các nhà băng chưa có niềm tin với thị trường bất động sản.
Có một thực tế là hầu hết các ngân hàng hiện vẫn rất “e ngại” trong việc phê duyệt các khoản vay của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng vấn đề cốt lõi là tâm lý nghi ngại khả năng chi trả của doanh nghiệp vì 2 lĩnh vực này vẫn đang được xem là “vùng trũng” của nền kinh tế.
Theo một cán bộ tín dụng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ở Hà Nội thì nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp hiện rất lớn nhưng lượng hồ sơ được duyệt vay vốn là rất hạn chế. Lý giải cho tình trạng này, cán bộ này cho biết: Nhiều doanh nghiệp vốn dĩ đã thuộc diện “cấm cửa” của ngân hàng bởi những khoản nợ trước đó vẫn đang treo tại ngân hàng. Tài sản đảm bảo cho các khoản vay cũng tiềm ẩn yếu tố rủi ro rất cao.
“Thị trường bất động sản mặt dù nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính sách nhưng khó khăn vẫn chồng chất, thanh khoản của thị trường vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, sau quãng thời gian dài “đóng băng” theo thị trường, “sức khoẻ” của nhiều doanh nghiệp đã bị suy yếu trầm trọng” - vị này đề cập.
Câu chuyện này đang diễn ra tại hầu hết các ngân hàng thương mại, có tiền nhưng cũng chẳng dám cho vay.
Theo ghi nhận trên thị trường bất động sản, mặc dù vẫn tiếp tục nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính sách, từ nền kinh tế nhưng phản ứng của thị trường vẫn rất yếu ớt. Ví như gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng chẳng hạn. Mặc dù được đặt rất nhiều kỳ vọng nhưng tính đến thời điểm này, số lượng sản phẩm bất động sản được duyệt vay mua chỉ dừng lại ở con số rất khiêm tốn, chỉ khoảng vài trăm trường hợp.
Tại sao lại có hiện tượng này? Những ngày qua, rất nhiều ý kiến bình luận về hiện tượng này cho rằng gói hỗ trợ triển khai cho người mua nhà chậm vì thiếu nguồn cung căn hộ đáp ứng các tiêu chí cho vay. Ý kiến này hoàn toàn đúng nhưng nguyên nhân sâu xa là hiện chẳng mấy doanh nghiệp còn lực để mà triển khai một dự án bất động sản đáp ứng đầy đủ các tiêu chỉ của gói hỗ trợ nữa, bao nhiêu vốn liếng, bao nhiêu tiềm lực họ đều đổ dồn về những dự án triển khai trước ngày 7/1/2013 cả rồi.
Có nhiều người đã nghĩ đến chuyện sao không điều chỉnh thiết kế đưa các căn hộ của các dự án đã triển khai trước đó cho phù hợp với gói hỗ trợ. Hướng giải quyết này cũng vậy, thoạt nghe thì hợp lý nhưng điều chỉnh thì cũng cần tiền mà giờ thì tiền lại đang rất khó. Hợp lý là vậy nhưng cũng lại khó thực hiện.
Lại nữa, cuối năm 2011, khi thị trường bất động sản gặp khó, không ít doanh nghiệp tham gia thị trường đã nghĩ tới chuyện chuyển hướng đầu tư sang căn hộ mini, với giá thành rẻ hơn và phù hợp với tiềm lực tài chính của người dân hơn. Nhưng rồi sao, thị trường bất động sản liên tục đi xuống, đưa giá chung cư thương mại xuống thấp, về sát giá nhà ở xã hội, chung cư mini cũng “chết”.
Một “đống” tiền đang bị “chôn vùi” trong thị trường bất động sản là điều mà người ta đã nói, đã nhắc tới từ lâu và thực tế giờ để “khai quật” thành công “nấm mồ” này chẳng hề đơn giản chút nào. Càng để lâu, “nấm mồ” đó càng phình to, càng nún sâu khiến việc “khai quật” thêm phần khó khăn.
Ngân hàng sợ bị kéo vào “nấm mồ” đó cũng là phải bởi họ sợ nhúng tay vào thì sẽ không biết bao giờ mới rút ra được. Giới chuyên gia đưa dự báo thời điểm phục hồi của thị trường vào khoảng giữa năm 2014 và nếu dự báo này có chính xác đi chăng nữa, khả năng thu hồi vốn của các ngân hàng xem ra cũng rất hạn chế.
Tình trạng này không chỉ diễn ra trên thị trường bất động sản mà ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác. Theo đánh giá chung của Chính phủ thì tình hình sản xuất kinh doanh đã có những chuyển biến tích cực và điều này thể hiện ở số lượng doanh nghiệp trở lại hoạt động trong những tháng đầu năm 2013 lớn hơn rất nhiều lượng doanh nghiệp giải thể, tồn kho cũng được đánh giá là không còn là vấn đề của nền kinh tế...
Vốn của nền kinh tế đang tắc trong két nhà băng.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết: Trong 7 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng ước đạt 5,2%, song dư nợ của một số ngân hàng lớn vẫn khá thấp, thậm chí âm trong khi huy động vẫn tăng tốt.
Nói như vậy để thấy rằng, vấn đề vốn trong nền kinh tế hiện nay đang tồn tại rất nhiều trở ngại và theo TS Nguyễn Minh Phong, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do nhiều doanh nghiệp thiếu chiến lược đầu tư kinh doanh phù hợp, cung cách quản trị doanh nghiệp yếu, đầu tư dàn trải...
“Đầu tư theo phong trào ví như việc các doanh nghiệp ồ ạt lao vào thị trường bất động sản chẳng hạn. Người người, nhà nhà tính kế, nghĩ mưu đầu tư vào thị trường này khiến bất động sản tăng trưởng quá “nóng”, mất cân đối cung - cầu và hệ quả là bất động sản đóng băng, trở thành “mồ chôn” tiền của nền kinh tế, là “nút thắt” lớn nhất của nợ xấu” – TS Nguyễn Minh Phong đề cập cụ thể.
Về phía ngân hàng thì họ thực sự rất muốn cho vay bởi như đã đề cập tới ở trên, lượng vốn huy động của các ngân hàng vẫn rất tốt. Họ phải cho vay vì nghiệp vụ cơ bản của ngân hàng là kinh doanh tiền và lợi nhuận cơ bản chính là tiền lãi thu về từ các khoản cho vay. Nhưng rõ ràng, thị trường bất động sản đã dạy cho họ một bài học là không thể cho vay bằng mọi giá.
Ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank khi đề cập tới câu chuyện này cũng thẳng thắn tuyên bố: Với các đơn vị có các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, Eximbank sẵn sàng cho vay mức lãi suất ưu đãi, thậm chí 7-8% một năm. Đơn vị nào tốt mà không được tiếp cận mức này thì hãy đến gặp tôi. Điều này cho thấy rõ các ngân hàng cũng đang rất sốt ruột với chuyện “ế” tiền và cũng đang tìm kiếm đối tác để cho vay tiền.
Quyết tâm và mong mỏi là vậy nhưng ông Dũng cũng cho biết, nợ xấu vẫn đang là nỗi ám ảnh của các ngân hàng, đặc biệt là khi sức khoẻ của các doanh nghiệp chưa thể phục hồi. Eximbank rất muốn tăng trưởng tín dụng nhưng không thể “nhắm mắt” cho qua buông lỏng khẩu thẩm định hồ sơ vay.
Thanh Ngọc